Điểm tin cảnh giác dược tháng 7/2013
DS. Đặng Thị Thuận Thảo (dịch)
Khoa Dược - Bệnh viện Từ Dũ
1. Diclofenac (Diclofen 50mg, Voltarene 100mg)
Ủy ban đánh giá nguy cơ cảnh giác dược (Pharmacovigilance Risk Management Committee – PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) vừa đưa ra kết luận ảnh hưởng của diclofenac lên tim mạch và tuần hoàn khi sử dụng theo đường toàn thân tương tự như các thuốc ức chế chọn lọc COX-2, đặc biệt trong trường hợp diclofenac được sử dụng liều cao (150 mg/ngày) và dài ngày. Lợi ích của diclofenac vẫn vượt trội nguy cơ, tuy nhiên, cần áp dụng các biện pháp thận trọng để giảm thiểu các biến cố do thuyên tắc động mạch.
Bệnh nhân có các bệnh nền là bệnh tim mạch hoặc tuần hoàn nghiêm trọng (suy tim, bệnh tim, các vấn đề liên quan đến tuần hoàn hoặc đã xảy ra đau tim hoặc đột quỵ trước đó) không nên sử dụng diclofenac. Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch nhất định (như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái thao đường hoặc hút thuốc lá) chỉ sử dụng diclofenac sau khi được cân nhắc cẩn thận.
2. Sắt đường tĩnh mạch (Venofer 100mg)
Tất cả các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch nói chung đều có nguy cơ nhỏ gây các phản ứng dị ứng, trong đó có một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Ngày 28/06/2013, trong thông cáo báo chí của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), Ủy ban các sản phẩm thuốc sử dụng cho người (CHMP) cảnh báo nguy cơ xảy ra các phản ứng dị ứng liên quan đến các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch và đưa ra các khuyến cáo mới để kiểm soát nguy cơ này. CHMP khẳng định nếu thực hiện tốt các biện pháp giảm thiểu nguy cơ, các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch vẫn cho hiệu quả vượt trội so với nguy cơ của thuốc.
Các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch được chỉ định điều trị thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt trong trường hợp bệnh nhân không thể sử dụng các chế phẩm sắt đường uống hoặc các chế phẩm đường uống không đem lại hiệu quả mong đợi. Tất cả các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch nói chung đều có nguy cơ nhỏ gây các phản ứng dị ứng, trong đó có một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
CHMP khuyến cáo cần áp dụng các biện pháp cần thiết để có thể phát hiện sớm và xử trí kịp thời các phản ứng dị ứng của các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch. Theo đó, chỉ nên sử dụng các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch trong điều kiện có đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo về cách đánh giá và xử trí các phản ứng dị ứng thuốc và đảm bảo đầy đủ, sẵn có các trang thiết bị hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân sử dụng các chế phẩm sắt tĩnh mạch cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu phản ứng quá mẫn trong quá trình tiêm và sau 30 phút tiêm thuốc. Ngoài ra, CHMP cho rằng việc sử dụng một liều nhỏ thuốc để thử phản ứng trên bệnh nhân trước khi dùng liều điều trị không phải là một cách tin cậy để dự đoán phản ứng của bệnh nhân. Cơ sở dữ liệu về phản ứng có hại của thuốc đã ghi nhận báo cáo phản ứng dị ứng liên quan đến chế phẩm sắt đường tĩnh mạch trên bệnh nhân dung nạp thuốc tốt trong lần dùng trước đó. Do vậy, CHMP không khuyến cáo việc thử thuốc trước với liều nhỏ trên bệnh nhân. Thay vào đó, cán bộ y tế cần thận trọng với bất kỳ liều nào của các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch sử dụng trên bệnh nhân.
Ngoài ra, CHMP cho rằng phản ứng dị ứng liên quan đến các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch là một vấn đề cần chú ý trên đối tượng phụ nữ có thai do nguy cơ của các chế phẩm này trên cả người mẹ và thai nhi. Ủy ban này khuyến cáo đối tượng phụ nữ có thai chỉ nên sử dụng các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch trong trường hợp thật sự cần thiết và dùng thuốc vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ do trong giai đoạn này, hiệu quả điều trị của thuốc vượt trội rõ ràng so với nguy cơ trên thai nhi.
Khuyến cáo về độ an toàn của các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch được CHMP đưa ra chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu các báo cáo tự nguyện sau khi thuốc được lưu hành trên thị trường. Tuy cơ sở dữ liệu cho thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch và các phản ứng quá mẫn, các dữ liệu này chưa cho phép so sánh độ an toàn của các chế phẩm sắt khác nhau. Do đó, bên cạnh những biện pháp kiểm soát các phản ứng dị ứng liên quan đến các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch kể trên, theo CHMP, cần tiếp tục theo dõi, tổng kết và đánh giá các báo cáo phản ứng dị ứng liên quan đến thuốc và tiến hành thêm các nghiên cứu đánh giá độ an toàn của các chế phẩm này. Đồng thời, tờ thông tin sản phẩm của các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch cần bổ sung những thông tin và khuyến cáo về độ an toàn của thuốc trong các mục liên quan.
3. Codein
Các thuốc có chứa codein chỉ nên dùng trong một số trường hợp sau:
- Các thuốc chứa codein chỉ nên sử dụng để điều trị đau cấp tính mức độ trung bình ở trẻ trên 12 tuổi và chỉ nên sử dụng khi không thể giảm đau bằng các thuốc giảm đau khác (như paracetamol hay ibuprofen) do nguy cơ suy hô hấp liên quan đến việc sử dụng codein.
- Không nên sử dụng codein ở trẻ dưới 18 tuổi vừa trải qua phẫu thuật nạo VA và cắt amidan để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ do những bệnh nhân này nhạy cảm hơn với các vấn đề liên quan đến hô hấp.
- Thông tin kê đơn cần bổ sung nguy cơ trẻ em có các vấn đề liên quan đến đường thở không nên sử dụng codein.
Trong cơ thể, codein được chuyển hóa thành morphin, Có bằng chứng cho thấy trẻ gặp phản ứng có hại nặng mang gen chuyển hóa thuốc nhanh, dẫn đến tăng nồng độ của morphin trong máu và gây ngộ độc (như suy hô hấp).
PRAC cũng khuyến cáo thêm rằng, nguy cơ xảy ra phản ứng có hại cũng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Những người mang gen chuyển hóa thuốc nhanh không nên sử dụng codein. Những phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng codein do thuốc có thể được bài tiết vào sữa mẹ. Thông tin kê đơn các thuốc chứa codein cũng nên bổ sung thông tin này để cảnh báo cho cán bộ y tế, bệnh nhân và các đối tượng khác có nguy cơ xảy ra các phản ứng có hại của morphin; cũng như hướng dẫn cách nhận biết các triệu chứng trên.
PRAC cũng lưu ý thêm rằng các dữ liệu dược động học của codein đã được nghiên cứu trên người lớn nhưng trên đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi, thông tin trên rất hạn chế. Các báo cáo ca suy hô hấp do codein cho thấy trẻ dưới 12 tuổi tăng có nguy cơ gặp phản ứng có hại do morphin. Thêm vào đó, bằng chứng về hiệu quả giảm đau của codein ở trẻ em cũng hạn chế, cho thấy tác dụng của codein cũng không lớn hơn rõ rệt so với các thuốc giảm đau không opiod.
Tài liệu tham khảo:
1. European Medicines Agency (2013), PRAC recommends the same cardiovascular precautions for diclofenac as for selective COX-2 inhibitors
2. European Medicines Agency (2013), New recommendations to manage risk of allergic reactions with intravenous iron-containing medicines
3. European Medicines Agency (2013), PRAC recommends restricting the use of codein when used for pain relief in children