Đề kháng kháng sinh - Mối đe dọa toàn cầu
BS. Nguyễn Phương Thảo
P. Kế hoạch tổng hợp
Đề kháng kháng sinh là tình trạng các vi sinh vật kháng lại với các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm trước đây. Năm 1940, các nhà nghiên cứu lần đầu ghi nhận chủng vi khuẩn Staphylococcus kháng Penicillin, năm 1968 ghi nhận thêm 4 chủng vi khuẩn kháng thuốc và đến năm 2013 theo báo cáo của CDC 2013 đã ghi nhận hàng chục chủng vi khuẩn kháng thuốc, trong số đó có 18 chủng vi khuẩn nguy cơ cao.
Theo nghiên cứu đề kháng kháng sinh (SMART - 2008) về các chủng vi khuẩn tiết men betalactam ESBL (Extended spectrum Beta lactamase - men giúp vi khuẩn chống lại kháng sinh) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tại Việt Nam ghi nhận vi khuẩn E.Coli tiết ESBL chiếm 35%, K.peumoniae là 40% và K.oxyloca là 50%. Hiện nay, theo báo cáo của WHO giai đoạn 2011- 2014, Việt Nam nằm trong các nước có tỉ lệ vi khuẩn E.Coli sinh ESBL cao nhất trên thế giới với tỷ lệ trên 60% (hình 1). Bên cạnh đó, tỉ lệ chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA) ngày càng trở nên phổ biến với tỉ lệ 40 - 59% (hình 2) và vi khuẩn Klebsiella pneumonia kháng lại nhóm Carbapenem từ 20 – 50%. Kháng sinh là được xem là “vũ khí” then chốt để đối phó vi khuẩn kháng thuốc. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra đời nhiều loại kháng sinh như Vancomycin (1972), Linezolid cho chủng MRSA, Imipenem (1985) dành cho vi khuẩn tiết ESBL... Tuy nhiên, để đưa ra đời một loại kháng sinh mới phải mất gần 10 năm cho các khâu nghiên cứu, thử nghiệm và lượng giá trước khi được sử dụng trên con người trong khi chỉ cần vài ba năm cho vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, trước tình hình bùng nổ các chủng vi khuẩn đề kháng và sự bão hòa các thuốc kháng sinh, các tổ chức y tế toàn cầu buộc phải đưa ra những phác đồ phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh nhằm tạm thời ứng phó với đề kháng kháng sinh. Do đó, trong vài năm sắp tới, chúng ta phải gánh chịu chi phí khổng lồ từ việc sử dụng kháng sinh cũng như tỉ lệ tử vong ngày càng gia tăng. Theo dự báo đến năm 2050, số lượng tử vong do kháng thuốc sẽ lên đến con số 10 triệu người, dẫn đầu và vượt xa so với ung thư 8,2 triệu; đái tháo đường 1,5 triệu; tai nạn giao thông 1,2 triệu và các nguyên nhân khác.