Cúm với phụ nữ có thai & trẻ em

    DS. Nguyễn Tấn Xuân Trang
    Khoa Dược – BV Từ Dũ

    Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng

    Cúm là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus gây nên. Hiện nay có 3 loại virus phổ biến: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2), virus cúm B. Bệnh diễn tiến từ nhẹ dến nặng, đôi khi có thể dẫn đến tử vong nhất là ở những người có nguy cơ biến chứng cao như người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh mãn tính (hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim mạch), phụ nữ có thai và trẻ em. Cúm xảy ra đột ngột với một hay nhiều triệu chứng sau:

    - Sốt hay cảm thấy sốt/ ớn lạnh.

    - Ho.

    - Đau họng.

    - Chảy mũi/ nghẹt mũi.

    - Nhức mỏi cơ.

    - Đau đầu.

    - Mệt mỏi.

    - Nôn mữa, tiêu chảy (hay gặp ở trẻ em hơn là ở người lớn).

    Đáng chú ý là không phải tất cả mọi người bị cúm đều sốt và cúm khác với cảm.

    Hầu hết những người bị cúm sẽ khỏi bệnh trong một vài ngày đến ít hơn hai tuần, nhưng một số lại bị các biến chứng (như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai…) có thể đe dọa tính mạng thậm chí tử vong. Với những người có bệnh mãn tính khi bị cúm càng làm cho tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Ví dụ, những người bị bệnh hen suyễn có thể lên cơn suyễn khi bị cúm; những người bị suy tim sung huyết, bệnh sẽ càng nặng hơn khi cúm.

    Phòng ngừa và điều trị

    Khi có triệu chứng nhất là những người có nguy cơ biến chứng cao nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus không phải là một thay thế cho việc chủng ngừa cúm. Không phải có hiệu quả 100% nhưng vaccine ngừa cúm là cách đầu tiên và tốt nhất để phòng cúm, được khuyến khích sử dụng cho tất cả mọi đối tượng (> 6 tháng tuổi). Thuốc kháng virus chỉ là cách thứ hai để điều trị cúm.

    Thuốc kháng virus giúp làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh 1 – 2 ngày. Thuốc cũng có thể ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng (như viêm phổi). Các nghiên cứu cho thấy thuốc kháng virus cho hiệu quả điều trị tốt nhất trong vòng 2 ngày kể từ khi bệnh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc vào thời điểm trễ hơn vẫn hữu ích ở những người bệnh có nguy cơ biến chứng cao hay đang bị bệnh rất nặng do cúm.

    Phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh (cho đến 2 tuần sau sinh) thường có nguy cơ cao bị biến chứng nặng và tử vong do cúm. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những đối tượng này khi có nghi ngờ hoặc đã xác nhận bị cúm và thuốc có thể được dùng trong tam cá nguyệt bất kỳ. Oseltamivir và zanamivir là những thuốc kháng virus được FDA phê chuẩn để điều trị cúm. Các thuốc này không có chống chỉ định đối với thai kỳ và được xếp vào nhóm C – chưa có nghiên cứu lâm sàng đánh giá sự an toàn của những loại thuốc này trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, khi so sánh giữa lợi ích và rủi ro cho thấy rằng phụ nữ mang thai nghi ngờ hoặc đã xác nhận bị cúm nên được điều trị kháng virus nhanh chóng. Hiện nay, oseltamivir được ưa chuộng hơn với thời gian điều trị là 5 ngày.

    Có 2 loại thuốc kháng virus theo khuyến cáo của CDC và được FDA chấp thuận, tác dụng trên cả virus cúm A và B:

    - Oseltamivir (Tamiflu ®): dạng viên, dạng lỏng.

    - Zanamivir (Relenza ®): dạng bột hít. Chống chỉ định cho người bị bệnh về đường hô hấp (hen suyễn, COPD).

    Thuốc

    Công dụng

    FDA chấp thuận cho

    Liều dùng

    Tác dụng phụ

    Trẻ em

    Người lớn

    Oseltamivir (Tamiflu®)

    Điều trị

    ≥ 2 tuần tuổi

    < 1tuổi: 3mg/kg/liều 2 lần ngày.

    ≥ 1 tuổi, ≤ 15 kg: 30mg 2 lần/ngày.

    ≥ 1 tuổi, 15–23 kg: 45 mg 2 lần/ngày.

    ≥ 1 tuổi, 23–40 kg: 60 mg 2 lần/ngày.

    ≥ 1 tuổi, ≥ 40 kg: 75mg 2 lần/ngày.

    75mg 2 lần/ngày

    Buồn nôn, nôn. Tâm thần kinh thoáng qua (không phổ biến, chủ yếu 1 số trường hợp ở thanh thiếu niên Nhật).

    Điều trị dự phòng

    ≥1 tuổi

    ≥ 1 tuổi, ≤ 15 kg: 30mg 1 lần/ngày.

    ≥ 1 tuổi, 15–23 kg: 45 mg 1 lần/ ngày.

    ≥ 1 tuổi, 23–40 kg: 60mg 1 lần/ngày.

    ≥ 1 tuổi, ≥ 40 kg: 75mg 1 lần/ngày.

    75mg 1 lần/ngày

    Zanamivir (Relenza®)

    Điều trị

    ≥7 tuổi

    10mg (2 lần hít) 2 lần/ngày.

    10mg (2 lần hít) 2 lần/ngày.

    Dị ứng: hầu họng, phù mặt.

    TDP: tiêu chảy, buồn nôn, viêm xoang, viêm phế quản, ho, nhức đầu, chóng mặt, nhiễm trùng tai, mũi, họng.

    Điều trị dự phòng

    ≥5 tuổi

    10mg (2 lần hít) 1 lần/ngày.

    10mg (2 lần hít) 1 lần/ngày.

    Thời gian điều trị thường là 5 ngày, có thể dài hơn nếu bệnh vẫn còn nặng.

    Thời gian điều trị dự phòng là 7 ngày sau khi phơi nhiễm. Để kiểm soát các ổ dịch tại các cơ sở chăm sóc (như viện dưỡng lão) và các bệnh viện, CDC khuyến cáo điều trị dự phòng thuốc kháng virus tối thiểu là 2 tuần và tiếp tục 1 tuần sau khi đã được xác định là trường hợp cuối cùng. Điều trị dự phòng nên được xem xét, đặc biệt là đối với các cơ sở viện dưỡng lão, bao gồm cả những người đã được tiêm ngừa cúm.

    Với phụ nữ có thai

    Sự thay đổi về hệ miễn dịch, tim mạch, phổi trong thời kỳ mang thai làm phụ nữ có thai khi bị cúm dễ bị bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ sinh non. Nếu mẹ bị sốt do cúm hay sự nhiễm trùng nào khác trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh. Tỉ lệ trẻ < 6 tháng tuổi bị cúm phải nhập viện cao gấp 10 lần những trẻ lớn hơn, thế nhưng vaccine phòng ngừa lại không sử dụng cho trẻ < 6 tháng vì trẻ không tạo đủ đáp ứng miễn dịch để bảo vệ. Vì vậy tiêm phòng cúm trong thời kỳ mang thai là cần thiết bởi không chỉ bảo vệ được cho mẹ mà cả cho con (tới 6 tháng tuổi).

    Vaccine ngừa cúm đã được sử dụng cho hàng triệu phụ nữ có thai trong thập kỉ qua và không cho thấy tác dụng có hại nào cho mẹ và con. Vaccine có thể dùng trong tam cá nguyệt bất kỳ. Cần khoảng 2 tuần sau khi tiêm vaccine để cơ thể mẹ tạo ra kháng thể và kháng thể có thể qua thai, qua sữa (khi cho con bú) giúp bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của virus. Nếu sau sinh, mẹ vẫn chưa tiêm phòng cúm thì nên tiến hành tiêm phòng kể cả những người thân trong gia đình, người giữ trẻ. Điều này rất quan trọng vì cúm lây truyền từ người qua người.

    Đối với phụ nữ có thai, ta nên sử dụng loại vaccine bất hoạt (dạng tiêm), không dùng vaccine sống giảm hoạt lực (dạng xịt mũi). Đối với phụ nữ sau sinh, kể cả khi đang cho con bú có thể dùng một trong hai dạng vaccine trên.

    Với trẻ em

    Ngoài việc tiêm phòng cúm cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi bệnh bằng những biện pháp sau:

    - Che miệng bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi và vứt giấy vào thùng rác sau khi dùng.

    - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hay dung dịch rửa tay (có cồn).

    - Tránh tiếp xúc với những người đang bệnh. Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng vì virus lây nhiễm theo những đường này.

    - Nếu có người trong nhà bị cúm, cố gắng cách ly (nếu có thể). Vứt bỏ các đồ dùng một lần, khăn giấy của người bệnh khi đã dùng.

    - Giữ sạch các bề mặt bàn, nhà bếp, phòng tắm và đồ chơi trẻ bằng cách lau với những chất khử trùng theo hướng dẫn trên sản phẩm.

    Khi trẻ có triệu chứng bệnh nên đi khám bác sĩ và cho trẻ nghỉ học, chăm sóc tại nhà để tránh lây cho mọi người nhất là những trẻ khác.

    Nguồn:

    http://www.cdc.gov/flu/index.htm

    DS. Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ