Chọn thực phẩm nào khi dùng thuốc?

    Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm (Dịch)
        P. Dược lâm sàng- Thông tin thuốc, BV. Từ Dũ


    Chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng loại thuốc đang điều trị sẽ loại trừ được  nguy cơ thực phẩm gây tác dụng không mong muốn cho người dùng thuốc. Dưới đây xin giới thiệu một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người đang điều trị một số thuốc khá phổ biến.

    Bệnh nhân Parkinson, không nên ăn yến mạch, ngũ cốc vì chúng có chứa nhiều Pyridoxin, làm giảm nồng độ Levodopa.

    Thuốc điều trị chống huyết khối – dẫn xuất  4- Hydroxycoumarin, Neodicoumarin, Pelentan, Dicoumarin không tương hợp với rau  xanh, có chứa nhiều Vitamin K (rau xà lách xanh, cải xoăn, rau bina, mù tạc xanh, ngò tây, các loại rau diếp, cải xanh, củ cải đường, bông cải xanh, cải bruxen và bắp cải).Trong khi đó, nguồn thực phẩm giàu Vitamin C lại hữu ích trong điều trị chống huyết khối (khoai tây, hành lá, cà chua, tỏi, ớt đỏ, chanh, cam). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dùng thuốc điều trị chống huyết khối không  được ăn rau xanh mà chỉ nên ăn điều độ vừa phải.

    Bệnh nhân đang uống thuốc hấp thụ chậm, ví dụ như Digoxin nên tránh các thuốc nhuận tràng và một số thực phẩm làm tăng nhu động ruột: thức ăn có chứa nhiều magiê (sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau rền, mùng tơi, rau khoai lang, khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu) do magiê có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhu động  ruột.

    Trong  khi điều trị Acid Acetylsalicylic (Aspirin) không nên ăn nhiều cá kéo dài, đặc biệt là mỡ cá, vì sẽ tăng nguy cơ biến chứng xuất huyết. 

    Hiệu quả điều trị Sulfanilamid có thể bị giảm hoặc thậm chí bị mất hoàn toàn nếu trong khẩu phần ăn quá giàu axít folic hay axít benzoic. Chúng chứa nhiều trong rau có màu xanh thẫm (cải xoăn, rau bina, ngũ cốc), đậu hạt, các loại hạt như vừng, lạc, súp lơ xanh, cam, bưởi, đặc biệt là gan (trong 300gr gan gà có chứa tới 176mg axit folic) và các bộ phận nội tạng. Do độ hòa tan kém, chúng có thể hình thành các tinh thể ở thận và làm tắc nghẽn đường tiết niệu. Để tránh hiện tương này, nên uống Sulfanilamid (tốt nhất lúc bụng đói) với nhiều nước khoáng đã được kiềm hóa (2-3 lít 1 ngày) hoặc uống Sô-đa (pha nửa muỗng trà trong một ly nước).

    Sulfanilamid, Glycosid trợ tim và thuốc chống huyết khối có ái lực hóa học cao với protein. Chế độ ăn giàu protein có thể làm giảm hiệu quả điều trị các thuốc này. Do đó nên uống chúng 30-40 phút trước bữa ăn.

    Trong khi uống thuốc có thành phần hóa học là các amin bậc 2 và bậc 3 (Chlorpromazin, Biguanid trị đái tháo đường, Tetracyclin) không nên ăn xúc xích hun khói vì có thể hình thành Nitrosamin – tác nhân gây ung thư. 

    Corticosteroid và các hormon steroid gây ra những thay đổi trong chuyển hóa nước- chất điện giải, protein, carbohydrat và chất béo. Do đó cần chế  độ dinh dưỡng đầy đủ protein (pho mát, gan, thịt nạc, cá), muối kali (đu đủ, chuối, cam, dưa hấu, lê, lá lốt, rau lang, rau dền), can-xi (sản phẩm từ sữa), vitamin. Ngược lại nên giảm lượng carbohydrat dễ hấp thu (đường, kẹo, sô cô la, bánh ngọt), chất béo, muối và thức phẩm có chứa axít oxalic (rau muối, đại hoàng,khế, mùi tây, rau bina, củ cải đường, sôcôla, phần lớn các loại quả hạch hay quả mọng và các loài đậu, đỗ) và  thịt cừu.

    Trong thời gian trị liệu bằng thuốc chống ung thư, bệnh nhân cần chế độ dinh dưỡng mang tính cải thiện máu.

    Ví dụ như cần bổ sung gan, cá, trứng cá, cà rốt, thì là, dâu tây. Uống mật ong hay nước lô hội cũng rất bổ ích.

    Bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh hay thuốc điều trị lao nên bổ sung đầy đủ các loại Vitamin bằng chế độ dinh dưỡng  giàu trái cây và rau xanh.

    Sử dụng thuốc lợi tiểu (Furosemid, Mannitol, Dichlorthiazid, Hypothiazid) có thể làm giảm kali huyết. Vì vậy hàng ngày nên bổ sung thực phẩm giàu kali.

    Ngược lại, bệnh nhân đang điều trị bằng Spironolacton, Triamteren (Triampur), Amilorid cần hạn chế thức ăn chứa nhiều kali.

    Sử dụng Salicylat và kháng viêm không Steroid dài ngày sẽ gây kích ứng dạ dày và xuất huyết dạ dày. Cần tránh loại thức ăn giàu chất sợi thô như lương thực thô, rau cần, hẹ, dưa cải, măng tre, các loại củ khô. Những thức ăn này thường kích thích mạnh và gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

    Tóm lại, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng loại thuốc đang được điều trị sẽ làm tăng hiệu quả và giảm tác dụng không mong muốc của thuốc.                                                                                                                         

    Nguồn:

    http://medicalhandbook.ru/farmatsevtika/2861-vliyanie-pishchi-na-vsasyvanie-i-farmakokinetiku-lekarstv.html

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ