Căng thẳng tâm lý vào cuối thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển vận động của trẻ

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (Dịch)
    Khoa Dược – Bv Từ Dũ

    Theo một nghiên cứu gần đây, căng thẳng trong giai đoạn cuối thai kỳ có tác động tiêu cực đến sự phát triển vận động của trẻ.

    Những việc gây căng thẳng như là các vấn đề về tài chính, hôn nhân cũng như việc chuyển nhà vào khoảng cuối thai kỳ cho thấy có liên quan đến sự chậm phát triển vận động ở trẻ cho đến 17 năm sau đó. Ảnh hưởng này không thể hiện rõ ở những trẻ có mẹ bị căng thẳng tâm lý trong giai đoạn đầu thai kỳ. [Child Dev 2015; doi: 10.1111/cdev.12449]

    Những căng thẳng liên quan về tài chính là thường gặp nhất, 789 thai phụ (28,1%) cho biết đã từng gặp những căng thẳng này vào trước tuần thứ 18, trong khi đó 665 thai phụ (25,7%) đã gặp căng thẳng vào 4 tháng cuối thai kỳ.

    Vấn đề gây căng thẳng phổ biến thứ hai là những vấn đề liên quan đến thai kỳ, 26,1% thai phụ đã từng gặp những căng thẳng này trước tuần thứ 18 và 19,8% gặp phải vào 4 tháng cuối thai kỳ.

    2.900 phụ nữ ở trung tâm nghiên cứu đoàn hệ về thai kỳ ở Tây Úc (Raine) đã được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi ở tuần tuổi thai thứ 18 và 34. Theo dõi thu thập số liệu về sự phát triển vận động ở những trẻ này khi 10, 14 và 17 tuổi. Các nhà nghiên cứu sử dụng các chỉ số phát triển thần kinh cơ (NDI) để xác định điểm phát triển vận động, và điểm ≤ 85 biểu thị cho sự chậm phát triển vận động mức độ nhẹ.

    Vào thời điểm 10 tuổi, 80 trẻ trong nhóm có mẹ không bị căng thẳng cho thấy có biểu hiện sự chậm phát triển vận động mức độ nhẹ so với 156 trẻ trong nhóm có mẹ bị căng thẳng nhiều (22,7 vs 28,8%, p = 0,082). Vào thời điểm 17 tuổi, 68 trẻ trong nhóm có mẹ không bị căng thẳng có biểu hiện chậm phát triển vận động mức độ nhẹ so với 144 trẻ trong nhóm có mẹ bị căng thẳng nhiều (26,2 vs 34%, p = 0,029).

    Trẻ sinh ra từ các bà mẹ hay gặp căng thẳng nhiều (≥ 3 sự việc gây căng thẳng trong khi mang thai) có khả năng vận động thấp hơn so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ không hoặc ít (0-2 sự việc gây căng thẳng) bị căng thẳng  ở cả 3 thời điểm khảo sát. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một hiệu ứng tích lũy, mẹ càng gặp phải căng thẳng nhiều sẽ càng gây ra tác động lớn đến sự phát triển vận động ở trẻ.

    Cần có thêm những nghiên cứu để xác định cách thức mà sự căng thẳng vào giai đoạn cuối thai kỳ gây ảnh hưởng phát triển vận động của trẻ, có thể là thông qua nội tiết hoặc sự phát triển vỏ tiểu não hoặc các tế bào thần kinh trong hệ viền của trẻ.

    Việc chăm sóc tốt hơn sức khỏe tinh thần khi mang thai có thể giúp giảm bớt căng thẳng ở thai phụ và do đó cải thiện kết cục của trẻ.

     

    Nguồn:

    Stress in late pregnancy affects offspring’s motor development (Roshini C. – MIMs doctor 12/2015)

    DS Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ