Caffein - Những điều phụ nữ mang thai cần biết

    DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
        P. Dược lâm sàng - Thông tin thuốc, BV. Từ Dũ

    Caffein là một chất kích thích được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn, đồ uống và một số loại thuốc. Caffein tự nhiên có nguồn gốc thực vật được  cho vào thức ăn và đồ uống để tạo hương vị. Cà phê là  nguồn caffein chính đối với hầu hết chúng ta.

    Caffein có nhiều trong cà phê, trà, nước sô-đa, một số thức ăn và đồ uống khác. Phụ nữ mang thai hoặc đang cố gắng mang thai cần phải nhận biết được các loại thức ăn và đồ uống nào là nguồn caffein chính để chú ý hạn chế.

    Caffein được tìm thấy trong: 

    • Cà phê và các sản phẩm từ cà phê như sữa chua, kem trà;
    •  
    • Một số nước giải khát;
    •  
    • Sô-cô-la và các sản phẩm từ sô-cô-la như si-rô sô-cô-la và ca-cao nóng.

    Số lượng caffein trong thức ăn và đồ uống  rất khác nhau.

    Caffein có ảnh hưởng gì đến cơ thể?

     Caffein là một chất kích thích làm tăng cường sự tỉnh táo. Caffein làm tăng nhẹ huyết áp, nhịp tim và lượng nước tiểu. Phụ nữ có thai có thể đặc biệt nhạy cảm với caffein hơn những người khác vì thời gian đào thải ra khỏi cơ thể lâu hơn. Caffein có thể làm cho một số người bồn chồn, khó tiêu hoặc khó ngủ.

    Trong thai kỳ, caffein qua nhau thai và đến bào thai, có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai và gây hại cho bào thai.
    Cho đến nay các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của caffein đến sẩy thai hay các biến chứng khác ở thai kỳ vẫn còn mâu thuẫn, chưa được chứng minh rõ ràng. 

     Phụ nữ mang thai  hoặc dự định sẽ mang thai được khuyến cáo không nên tiêu thụ hơn 200 miligram (mg) caffein mỗi ngày (tương đương 300ml cà phê  hay 750ml trà) (4)

    Caffein có làm giảm khả năng sinh sản không?

    Lượng caffein trung bình có thể không làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ. Hầu hết các nghiên cứu đã tìm thấy rằng,  khi tiêu thụ ít hơn 300mg caffein mỗi ngày sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã cho thấy mối liện hệ giữa mức caffein cao (khoảng 500 mg/ngày hoặc cao hơn và giảm khả năng sinh sản) (2).

    Caffein có ảnh hưởng gì đến trẻ sơ sinh?

    Các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được thống nhất. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh ở những phụ nữ mang thai uống hơn 500mg caffein/ ngày có thể có nhiều khả năng  thở nhanh, nhịp tim nhanh và ít ngủ trong vài ngày đầu mới chào đời (3).

    Caffein có an toàn ở phụ nữ cho con bú?

    Một lượng nhỏ cà phê  được tiết vào sữa mẹ. Do vậy, phụ nữ cho con bú nên hạn chế dùng caffein. Trẻ sơ sinh ở những bà mẹ uống 2-3 tách cà phê trong ngày có thể trở nên cáu gắt hoặc khó ngủ (1).


    Caffein và thuốc?

    Một số thuốc giảm đau, trị đau nửa đầu, cảm lạnh có chứa caffein. Phụ nữ mang thai không được dùng các thuốc có  chứa caffein, trừ khi được bác sĩ chỉ định cụ thể.

    Một vài thuốc và thảo dược gây hại khi tương tác với caffein. Chẳng hạn, kháng sinh Ciprofloxacin, Norfloxacin làm  tăng thời gian lưu trữ caffein trong máu nên tăng tác hại của caffein. Dùng Theophylline cùng lúc với các đồ uống có  chứa caffein làm tăng nồng độ Theophylline trong máu và gây những tác dụng xấu như buồn nôn, ói mữa và đánh trống ngực. Caffein làm tăng các rủi ro có thể xảy ra khi dùng thảo dược Ephedra.

    Cần tư vấn với bác sĩ hay dược sĩ về nhu  cầu cà phê nếu bạn đang uống các thuốc này.
     
    Tài liệu tham khảo

    1. American Academy of Pediatrics, Committee on  Drugs. (2001). Policy statement: The Transfer of drugs and other chemicals into  human milk. Pediatrics, 108 (3), 776-789.

    2. Cnattingus, S., Signorello, L.B., Anneren, G., Clausson, B., Ekbom, A., et  al. (2000). Caffeine intake and the risk of first-trimester  spontaneous abortion. New England Journal of  Medicine, 343 (25), 1839-1845.

    3. Organization of Teratology Information Services  (OTIS). (2008). Caffeine and pregnancy.

    4. http://www.marchofdimes.com/pregnancy/nutrition_caffeine.html

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ