Aspirin có liên quan đến việc giảm tỉ lệ tử vong trên bệnh nhân ung thư bàng quang và ung thư vú

    DS. Cao Phan Thu Hằng – Khoa Dược
    (Dịch)

    Việc sử dụng Aspirin liều thấp ở người cao tuổi không có tác dụng làm giảm tỉ lệ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu quan sát mới cho thấy việc điều trị-cụ thể với tần suất ít nhất 3 lần/tuần, có liên quan đến việc giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh ung thư bàng quang và ung thư vú.

    Những kết quả của nghiên cứu đoàn hệ sử dụng dữ liệu từ thử nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng và buồng trứng (PLCO) vừa công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open ngày 15/01/2021 bổ sung thêm cho những bằng chứng đã có trước đó rằng aspirin có thể cải thiện khả năng sống sót đối với một số loại ung thư. Mặc dù các nghiên cứu trước đây tập trung nhiều nhất vào ung thư đường tiêu hóa, các phân tích đã mở rộng thêm những lợi ích liên quan đến việc sử dụng aspirin đối với các bệnh ung thư khác, như ung thư bàng quang và ung thư vú.

    Phát biểu về nghiên cứu, Tiến sĩ John J.McNeil, trưởng Khoa Dịch tễ học và Y tế Dự phòng tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc - người dẫn đầu trong các nghiên cứu về việc sử dụng aspirin ở người cao tuổi, cho biết dữ liệu được lấy từ một nghiên cứu rất lớn và được tiến hành tốt nhưng những kết luận này được rút ra từ phần quan sát của nghiên cứu, do đó có khả năng bị nhiễu bởi các đặc điểm khác giúp phân biệt người sử dụng và không sử dụng aspirin.

    Aspirin/Thiếu sót trong việc nghiên cứu ở người cao tuổi mắc bệnh ung thư

    Với những báo cáo nổi tiếng về việc giảm nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, và tỉ lệ tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong nhóm dân số có dùng aspirin được báo cáo, có đến 25-50% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ sử dụng aspirin hằng ngày hay cách ngày.

    Tuy nhiên, bằng chứng về lợi ích liên quan đến ung thư, đặc biệt là ở người cao tuổi không nhất quán, với một nghiên cứu đáng chú ý gần đây, thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi về “Ảnh hưởng của Asprin trên tử vong do mọi nguyên nhân ở người cao tuổi khỏe mạnh” (1) cho thấy aspirin không có hiệu quả trên tỉ lệ mắc bệnh ung thư, nhưng tỉ lệ tử vong cao hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi được chỉ định aspirin để dự phòng ban đầu.

    Để nghiên cứu sâu hơn về tác động trên bệnh nhân lớn tuổi, tác giả đầu tiên TS. Holli A.
    Loomans-Kropp, PhD và các đồng nghiệp tại Viện Ung thư Quốc gia đã đánh giá dữ liệu trên những bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên hay những bệnh nhân đạt đến 65 tuổi trong quá trình theo dõi thử nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng và buồng trứng (PLCO) từ năm 1993 đến 2001

    Các tác giả xác định 139.986 cá thể với độ tuổi trung bình ở thời điểm ban đầu là 66,4, khoảng một nửa là nữ và 88,5% là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.

    Nghiên cứu kéo dài cho đến thời điểm tử vong, tháng 12/2014 đối với những bệnh nhân đồng ý theo dõi, hay tháng 12/2009 đối với những bệnh nhân từ chối theo dõi. Các tác giả báo cáo rằng có 32.580 trường hợp ung thư bao gồm 5,4% ung thư bàng quang, 14% ung thư vú, 1% ung thư thực quản, 1,2% ung thư dạ dày, 2,7% ung thư tụy và 2,2% ung thư cổ tử cung.

    Nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa việc sử dụng aspirin và tỉ lệ mắc bất kỳ loại ung thư nào ở những người trên 65 tuổi.

    Tuy nhiên, phân tích đa biến về tỉ lệ sống sót cho thấy rằng, với việc điều chỉnh theo dõi thời điểm tử vong đến ngày 31/12/2015 hoặc từ chối theo dõi sớm hơn, việc sử dụng aspirin ít nhất 3 lần/tuần có liên quan đến việc giảm tỉ lệ tử vong đối với ung thư bàng quang (tỷ số nguy cơ 0,67) và ung thư vú (tỷ số nguy cơ 0,75), trong khi không có mối liên quan đáng kể với ung thư đường tiêu hóa, dạ dày, tuyến tụy hay ung thư cổ tử cung

    Các tác giả lưu ý rằng có mối liên quan tương tự giữa sử dụng aspirin ở bất kỳ liều nào (ít hơn 3 lần/tuần) và tỉ lệ sống sót trên bệnh nhân ung thư bàng quang (tỷ số nguy cơ 0,75) và ung thứ vú (tỷ số nguy cơ 0,79).

    Kết quả có thể chỉ ra rằng đối với một số loại ung thư, việc sử dụng aspirin có thể có lợi, tuy nhiên, lợi ích nhận thấy lớn hơn khi tần suất sử dụng tăng lên.

    Cơ chế tập trung vào con đường COX-2

    Các giả thuyết về cơ chế giải thích cho lợi ích của việc sử dụng aspirin trên những bệnh nhân ung thư bàng quang cho rằng ung thư biểu mô làm tăng biểu hiện RNA và protein của COX-2 và prostaglandin E2 trong nước tiểu, điều này cho thấy sự điều tiết của con đường chuyển hóa COX-2 trong tiến triển bệnh ung thư. Ở bệnh nhân ung thư vú, một biểu hiện tăng tương tự của COX-2 được chứng minh để dự đoán kết quả của bệnh, bao gồm tiến triển bệnh và việc giảm khả năng sống sót. Điều này có thể một phần là do tác động qua lại giữa các quá trình tạo mạch, tăng sinh tế bào, chết tế bào theo chương trình và viêm.

    Nghiên cứu không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy lợi ích cụ thể của việc sử dụng aspirin trên bệnh nhân ung thư bàng quang, các nghiên cứu khác bao gồm cả những nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng aspirin ở những bệnh nhân ung thư bàng quang liên quan đến việc gia tăng thời gian sống sót lên 5 năm sau khi phẫu thuật cắt u tận gốc.

    TS. McNeil lưu ý rằng những phát hiện mới từ những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, đặc biệt là về ung thư bàng quang, đang được quan tâm “Tỉ lệ tử vong do ung thư vú giảm còn khiêm tốn, nhưng tỉ lệ tử vong do ung thư bàng quang giảm ấn tượng hơn”.

    Tuy nhiên, phát hiện này là dữ liệu quan sát và là một phát hiện duy nhất trong nhiều phép so sánh, vì vậy nên xem phát hiện này như một gợi ý hơn là chứng minh.

    Về các cơ chế khả thi khác, TS.McNeil phát biểu thêm rằng giống như phần lớn các nghiên cứu trước đó, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra. Đã có nhiều gợi ý về những cách mà aspirin có thể hoạt động về cấp độ phân tử hay tế bào nhưng chưa đạt được sự đồng thuận chắc chắn.

    Nguồn: Medscape 02/2021 https://www.medscape.com/viewarticle/945024

    DS. Cao Phan Thu Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ