Một số câu sản phụ thường hỏi trong thời kỳ hậu sản
HS Thái Thị Lệ Thu Phòng Điều dưỡng |
1. Chế độ ăn uống sau sanh thường
Sản phụ vừa mới trải qua một cuộc chuyển dạ, tiêu hao nhiều năng lượng, nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, giúp mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.
Sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây…, tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Chú ý ăn chín, tăng cường rau xanh, trái cây để tránh táo bón.
Để có đủ sữa cho con bú, ngoài việc tích cực cho con bú, các bà mẹ nên uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày )và uống thêm nước hoa quả, sữa…
2. Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sanh thường
Sản phụ vừa trải qua một cuộc chuyển dạ, tiêu hao nhiều năng lượng, mất máu nhiều. Vì vậy việc nghỉ ngơi sau sanh rất quan trọng, tốt cho sức khỏe bà mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vận động:
Vận động sau sinh là điều cần thiết, giúp tử cung co hồi tốt tránh chảy máu sau sanh, tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc mạch. Những ngày đầu sau sanh, sản phụ có thể ngồi dậy ra khỏi giường, đi lại nhẹ nhàng ở trong phòng. Chú ý vệ sinh vùng kín và lau khô sau mỗi lần tiêu, tiểu; thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm. Tùy tình trạng sức khỏe của sản phụ, sau 1 tuần sản phụ có thể tập các động tác thể dục nhẹ nhàng.
Trong quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ tiết ra nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Phòng tắm phải kín gió và tắm bằng nước ấm; không ngâm mình trong bồn tắm. Tắm nhanh từ 5 – 10 phút, tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo.
3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho thật khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc. Không tắm gội cùng lúc, ví dụ: nên tắm khoảng 9-10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa hoặc xế trưa để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh bị chóng mặt và có thể té ngã do phải vận động nhiều và cúi đầu lâu.
Nghỉ ngơi:
Ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Những người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Trung bình mỗi ngày, mẹ ngủ khoảng 8 - 9 tiếng. Lúc ngủ, cơ thể các bà mẹ sẽ lấy lại sức khỏe, năng lượng và giúp sự tiết sữa tốt. Đồng thời tránh được trầm cảm của bà mẹ sau sinh.
3. Chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi sau sanh mổ
Sanh mổ, thông thường sản phụ sẽ mất nhiều máu hơn sanh thường. Vì vậy cần chú trọng đến việc bồi dưỡng, giúp sản phụ mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.
Chế độ ăn, uống: sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Chú ý nguyên tắc sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, ăn cơm khi đã xì hơi.
Trong ngày đầu, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa…, tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Chú ý uống đủ nước (khoảng 2 lít nước), ăn chín, tăng cường rau xanh, trái cây để tránh táo bón.
Chế độ vận động, nghỉ ngơi: ngày đầu sau mổ, sản phụ có thể cử động chân tay, xoay trở nhẹ nhàng tại giường. Sau đó, tùy tình trạng sức khỏe, sản phụ có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại để giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật (như bế sản dịch, thuyên tắc …).
Tuy nhiên, với những sản phụ đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định mổ lấy thai hoặc mất nhiều máu lúc sanh thì cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Chăm sóc vết mổ: sau 3-5 ngày vết mổ sẽ lành da. Nếu vết mổ may bằng chỉ tiêu, sẽ không cần cắt chỉ. Nếu vết mổ may bằng chỉ không tiêu, thông thường sẽ cắt chỉ vào khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau mổ (tùy chỉ định của Bác sĩ). Thời gian này người mẹ có thể lau người hoặc tắm nhanh với nước ấm, sau đó lau khô toàn thân và vết mổ. Chú ý không băng kín vết mổ hoặc bôi các dung dịch sát khuẩn lên vết mổ nếu không có chỉ định của Bác sĩ.
Cho con bú: tùy tình trạng sức khỏe của sản phụ, sau sinh mổ bằng hình thức gây tê, sản phụ có thể cho con bú sau 30 phút hoặc một giờ sau đó. Với sản phụ gây mê toàn thân, thời gian nâng lên, thông thường khoảng sau 6g.
4. Sau khi sanh, sản phụ thấy bụng vẫn còn to và sờ thấy có một khối cứng trong bụng
Trong quá trình mang thai, tử cung của các bà mẹ sẽ lớn nhanh để chứa thai nhi, nhau, và nước ối. Sau sanh, tử cung sẽ co hồi nhanh để giúp cầm máu sau sanh. Nếu sau sanh, các bà mẹ sờ thấy có một khối cứng, ngang rốn; đó là tử cung. Đây là sinh lý bình thường, nên các bà mẹ an tâm.
5. Ngày xuất viện sau sanh thường hoặc sanh mổ
- Sanh thường: nếu sức khỏe mẹ và bé ổn định, sẽ xuất viện vào ngày thứ 3 sau sanh.
- Sanh mổ: nếu sức khỏe mẹ và bé ổn định, sẽ xuất viện vào ngày thứ 5 sau sanh.
6. Khi xuất viện, Tôi thanh toán ở đâu? Khi nào có giấy tờ, xuất viện buổi sáng hay chiều?
Thông thường, sản phụ sẽ được nhân viên y tế thông báo trước 1 ngày xuất viện.
Sau khi làm xong các thủ tục hành chính, NHS tại Khoa sẽ mang các giấy tờ liên quan xuống tận phòng cho sản phụ.
Sản phụ/ thân nhân sẽ đóng tiền ở tầng 8 Khu N. Khi đi thanh toán viện phí, thân nhân mang theo các giấy tạm ứng tiền, CMND, hộ khẩu để lấy giấy chứng sanh cho bé tại bàn cấp giấy chứng sanh ở tầng 8 Khu N.
Xuất viện buổi sáng trước 12 giờ.
Xuất viện buổi chiều trước 17 giờ (khi sản phụ còn chích thuốc cử chiều hoặc chờ bé tái khám lại)
7. Tôi mới sanh sữa rất ít, có đủ sữa để nuôi bé không? Làm cách nào để có nhiều sữa?
Sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ, chứa nhiều năng lượng và kháng thể. Sữa non có màu vàng nhạt và đặc hơn sữa sau này, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng. Những ngày đầu sau sanh, dạ dày trẻ rất nhỏ, các bà mẹ tích cực cho trẻ bú sữa non và bú nhiều lần là đủ năng lượng cho trẻ.
Các bà mẹ cho con bú mẹ càng sớm càng tốt. Việc cho bé bú sớm và nhiều lần trong ngày sẽ giúp mẹ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bà mẹ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.
Làm thế nào để sữa nhiều hơn:
- Bà mẹ cần tự tin rằng mình luôn đủ sữa cho con.
- Tâm trạng thoải mái, thư giãn.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tăng cường sữa, trái cây…
- Mẹ cần bế trẻ và ở bên trẻ càng nhiều càng tốt.
- Cho trẻ ngậm vú đúng cách.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu (cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú)…
8. Trẻ bú bao nhiêu lần trong ngày là đủ ? khoảng cách giữa các cử bú là bao nhiêu?
Các mẹ hãy cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú (cả ban ngày và ban đêm). Thông thường mỗi cử bú của trẻ sẽ kéo dài từ 10 đến 15 phút. Tuy nhiên một số trẻ lại muốn bú lâu hơn, khoảng 20 phút. Khi trẻ đã nhận đủ sữa, trẻ sẽ tự nhả vú, hài lòng và ngủ rất ngon.
Gợi ý cho các bà mẹ:
- Trẻ bú đủ sữa, thường đi tiểu ít nhất từ 6-8 lần/ ngày, nước tiểu loãng, không nặng mùi.
- Nếu trẻ bú không đủ sữa, trẻ đi tiểu dưới 6 lần/ ngày. Nước tiểu trẻ bị cô đặc, nặng mùi và có màu vàng đậm.
9. Tôi thấy con tôi đi tiêu nhiêu phân lỏng? như vậy có bất thường không?
Thông thường từ 6-12 giờ sau khi sinh trẻ sẽ đi phân su màu xanh đậm, nhưng trẻ sinh non có thể sẽ muộn hơn. Phân su màu xanh đậm này thường duy trì 2-3 ngày sau sinh. Về sau, phân su sẽ từ từ đổi màu nhạt dần sang vàng.
Trẻ sơ sinh bú mẹ thường xuyên sẽ đi tiêu 5-6 lần/ ngày. Phân sẽ nhão lỏng hoặc hơi sệt, có màu vàng hoa cà hoa cải, phân không có mùi đáng kể và không có bọt.
10. Con tôi thường thức ban đêm, ngủ vào ban ngày, vậy bé có gì bất thường không?
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh là điều rất được các mẹ quan tâm, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Trẻ sơ sinh thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ra môi trường tự nhiên bên ngoài, đồng thời trẻ cũng chưa phân biệt được ngày và đêm, nên có những trẻ sẽ ngủ nhiều vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.
Trẻ sơ sinh gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Thông thường, không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú, nhưng cũng không nên để bé ngủ quá lâu >3 giờ mà không cho bú.
11. Tại sao con tôi bị vàng da? Vàng da có nguy hiểm không? Làm thế nào để phát hiện vàng da?
Tại sao con tôi bị vàng da?
Phần lớn trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da trong vòng 1 tuần sau khi ra đời (20-30% trẻ đủ tháng và 80% ở trẻ non tháng). Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, một lượng lớn bilirubin, một chất có sắc tố màu vàng, được phóng thích vào máu, làm cho trẻ bị vàng da.
Vàng da sơ sinh có nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày, khi chất bilirubin được đào thải hết qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao và thấm vào não (y học gọi là vàng da nhân). Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong hoặc di chứng tâm thần vận động vĩnh viễn.
Làm thế nào để phát hiện vàng da?
Chứng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hằng ngày, các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra; nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.
Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.
12. Thế nào là vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh?
Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
- Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
- Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…)
- 5. Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng.
- 6. Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
(Chữ màu đậm giành cho nhân viên y tế, không giải thích với sản phụ)
Vàng da phải được coi là bệnh lý khi có bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
13. Bệnh viện Từ Dũ đang triển khai chiếu đèn tại Phòng mẹ? Lợi ích của chương trình?
Đối với các trẻ đủ tháng bình thường, bú tốt mà chỉ bị vàng da sinh lý mức độ nhẹ hoặc trung bình thì có thể được chiếu đèn tại phòng riêng của mẹ tại Khoa đang điều trị, dưới sự theo dõi của cả bác sĩ, nữ hộ sinh lẫn các thành viên trong gia đình.
Lợi ích của chương trình này là:
- Chiếu đèn sớm nên khi trẻ xuất viện thì đại đa số trẻ không còn nguy cơ vàng da nặng.
- Không phải cách ly mẹ con.
- Có thể tận dụng nguồn sữa mẹ tối đa, tránh mất sữa mẹ do trẻ phải xa mẹ.
- Gia đình được trực tiếp chăm sóc và theo dõi trẻ, tạo tâm lý yên tâm, tránh lo lắng cho mẹ và gia đình.
- Giảm bớt tình trạng quá tải tại khoa sơ sinh.
- Giảm nguy cơ bị nhiễm trùng bệnh viện.
15. Chăm sóc vú khi cho trẻ bú sữa mẹ
Trước và sau mỗi lần cho trẻ bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm lau nhẹ nhàng bầu vú và núm vú.
Cho trẻ bú đúng cách, bú đều hai bên vú. Nếu sữa nhiều mà trẻ bú ít, bạn nhớ nhẹ nhàng vắt cạn lượng sữa thừa để tránh tình trạng ứ đọng sữa gây viêm tắc tuyến sữa. Không nên cho trẻ vừa ngủ vừa ngậm vú. Khi trẻ vừa bú vừa ngủ thường nhay, cắn vào núm vú, có thể gây tổn thương dẫn đến viêm nhiễm núm vú.
Sau khi sinh, ngực của bà mẹ thường căng, to và chảy xệ, do đó cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực, không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát.
Nếu bà mẹ có sốt và vú có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau; nứt núm vú,… bà mẹ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị nếu có viêm nhiễm.
16.Cách bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ vắt ra, cho ngay vào lọ chứa có nắp đậy hoặc túi bảo quản chuyên dụng, ghi ngày vắt sữa và bảo quản ngay vào tủ lạnh.
Mỗi túi/ lọ chứa sữa chỉ chứa vừa lượng sữa cho mỗi lần bú, tránh lãng phí sữa và đảm bảo vệ sinh, khi rã đông thuận tiện hơn.
Không đổ sữa đầy túi/ lọ chứa sữa (để lại một khoảng trống nhỏ), vì khi sữa đông sẽ tăng thể tích, có thể gây vỡ túi/ lọ.
- Cách bảo quản:
- Ngăn đá tủ lạnh thông thường : 03 tháng
- Ngăn mát tủ lạnh (<= 4 độ C) : 03 ngày
- Nhiệt độ phòng (từ 19 độ đến 26 độ C): 03 giờ
- Cách sử dụng sữa mẹ sau bảo quản:
- Lấy sữa từ tủ lạnh, rã đông bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh
- Khi sử dụng, làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một tô nước nóng. Không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng
- Nên cho trẻ ăn bằng cốc và thìa
- Không nên:
- Không tái đông lại sữa sau khi đã rã đông
- Không pha sữa rã đông với sữa mới vắt
16. Một số điểm các mẹ cần lưu ý khi theo dõi trẻ bú mẹ:
Trong những ngày đầu sau sanh, trẻ sơ sinh phải dần thích nghi với môi trường bên ngoài; phản xạ thở, bú, nuốt của trẻ chưa hoàn chỉnh; dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang, và dung tích dạ dày rất nhỏ (ngày 1: 5-7ml; ngày 3: 22 – 27ml; ngày 10: 60- 80 ml) ; các mẹ cho trẻ bú mẹ cần lưu ý:
- Không cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo; vì dễ làm cho trẻ ói, ọc, sặc.
- Khuyến khích các mẹ ngồi cho con bú, nhằm giúp trẻ ngậm bắt vú đúng và mẹ dễ quan sát trẻ .
- Sau khi cho trẻ bú, mẹ bế trẻ đầu cao, vỗ nhẹ vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai), giúp cho trẻ ợ hơi trước khi đặt trẻ nằm.
- Đặt trẻ nằm tư thế đầu nghiêng sang một bên, nếu có ọc sữa sẽ dễ chảy ra ngoài, tránh sữa chảy vào mũi gây sặc sữa.
- Phòng nuôi trẻ phải để đèn đủ sáng, nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc và theo dõi trẻ (thay tã, cho bú, theo dõi trẻ sau bú …)
- Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu bà mẹ và thân nhân phát hiện các dấu hiệu bất thường (trẻ thở khó, khóc quấy, tím, sặc . .), liên hệ ngay với nhân viên y tế gần nhất hoặc Bác sĩ, Nữ hộ sinh tại Phòng trực.