Tác hại của nạo phá thai

    BS. Dương Phương Mai
    Trưởng khoa KHGĐ - BV Từ Dũ

    Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

    Hàng năm có khoảng 46 triệu trường hợp phá thai trên thế giới, trong đó có 20 triệu trường hợp phá thai không hợp pháp, các trường hợp này thường xảy ra ở các nước đang phát triển, đó là nguyên nhân cướp đi gần 1 triệu sinh mạng của chị em phụ nữ do những tai biến và biến chứng của phá thai không an toàn. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất ở Châu Á và thế giới, riêng tại BV Từ Dũ hàng năm giải quyết gần 30 triệu trường hợp đến bỏ thai.

    Theo quan điểm của các Hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới, mọi phụ nữ đều có quyền chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, để có những quyết định đúng đắn về đời sống tình dục và sinh sản của chính mình. Chính vì lẽ đó, bệnh viện Từ Dũ là một trong những bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa và kế hoạch gia đình, luôn tập trung vào nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa, ngăn ngừa tình trạng phá thai không an toàn, nâng cao hiệu quả, xử trí tai biến nạo phá thai trong và ngoài viện nhằm giảm bớt hậu quả nạo phá thai.

    Do đó, việc cung cấp một dịch vụ phá thai an toàn, hiệu quả và chất lượng cao là một yếu tố hết sức quan trọng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Cũng cần liên kết nạo phá thai với các dịch vụ sức khỏe sinh sản khác, bao gồm cả tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai để giúp người phụ nữ tránh mang thai lập lại và nhờ đó tránh tái nạo phá thai.

    Các phương pháp phá thai hiện có tại khoa Kế hoạch gia đình - BV TỪ DŨ:

    - Hút thai chân không: Tuổi thai từ 6 đến 12 tuần vô kinh.
    - Phá thai nội khoa: Tuổi thai từ 5 đến 7 tuần vô kinh.
    - Nong và gắp thai: Tuổi thai từ > 12 tuần đến 17 tuần vô kinh.
    - Kovac phá thai to: Tuổi thai từ > 17 tuần đến 22 tuần vô kinh.

    Việc mở rộng khả năng lựa chọn trong kỹ thuật nạo phá thai mới đây, nhất là thông qua giới thiệu phương pháp phá thai bằng thuốc, đã nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế nhằm đáp ứng các nhu cầu và lựa chọn của từng cá nhân phụ nữ, cũng như để cung cấp dịch vụ phá thai tại nhiều cơ sở hơn. Phần lớn các trường hợp phá thai được tiến hành trong 12 tuần đầu của thai kỳ bằng phương pháp sử dụng bơm hút chân không bằng tay - phương pháp này đã thay thế phương pháp nong và nạo - sử dụng thìa sắt, đã trở thành phương pháp thông dụng nhất để phá thai sớm tại các nuớc đang phát triển, từ đó làm giảm tai biến, nguy cơ do nạo phá thai bằng phương pháp cũ gây nên. Tuy nhiên, dịch vụ nạo phá thai, dù chủ động hay do sẩy thai, nếu được thực hiện tại các cơ sở y tế nhà nước thì tai biến hiếm khi xảy ra. Ngược lại, ở những nơi thực hiện dịch vụ này không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, không thực hiện theo chuẩn quốc gia, thì phụ nữ thường phải chịu những phương pháp phá thai không an toàn dẫn đến tai biến, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

    Tỉ lệ trung bình của tai biến và biến chứng của nạo hút thai khỏang 2-10%.

    Tai biến và biến chứng sớm:

    - Chảy máu âm đạo nhiều hoặc ứ máu trong tử cung nhiều: gặp trong các trường hợp thai to, tử cung nhão do sanh đẻ nhiều lần.

    - Rách cổ tử cung khi cổ tử cung siết cứng ở người chưa sanh.

    - Thủng tử cung do tư thế tử cung bất thường.

    - Tai biến do gây mê, tê hay do dị ứng thuốc(hiếm gặp)

    Tai biến và biến chứng muộn:

    - Sót nhau, sót thai: cần trở lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết có mùi hôi, sốt, ớn lạnh…

    - Nhiễm trùng: cần uống thuốc theo toa bác sĩ, giữ vệ sinh phụ nữ.

    - Rong kinh.

    - Dính buồng tử cung gây vô kinh khi tiền sử nạo thai nhiều lần.

    - Ức chế về mặt tình cảm.

    - Vô sinh: 20% người điều trị vô sinh có tiền sử phá thai.

    - Thai ngoài tử cung.

    Do đó, để tránh mang thai ngoài ý muốn, các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có quan hệ tình dục, cần chủ động chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tối đa các trường hợp nạo phá thai, và sau khi phá thai phải áp dụng ngay môt biện pháp tránh thai cần thiết.

    Với trách nhiệm mang đến cho người phụ nữ những giải pháp tốt nhất trong lĩnh vực kế họach gia đình, xin liên hệ với chúng tôi tại phòng Tư vấn khoa KHGĐ - lầu 1- khu Phòng Khám BV Từ Dũ - 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TP Hồ chí Minh, hoặc Điện thoại số (08) 54042835 để được hướng dẫn thêm.

    Tránh thai sau phá thai

    Các biện pháp tránh thai có thể sử dụng sau phá thai

    - Viên uống tránh thai: gồm có viên uống phối hợp và viên uống chỉ có Progestin, có thể bắt đầu uống ngay lập tức sau khi phá thai, kể cả vào chính ngày làm thủ thuật, phương pháp này không phòng tránh được các bệnh viêm nhiễm lây qua đường tình dục/HIV.

    - Thuốc tiêm tránh thai (DMPA, NET-EN, Cyclofem và Mesigyna): có thể tiêm ngay lập tức, phương pháp này không phòng tránh được các viêm nhiễm lây qua đường tình dục/HIV.

    - Thuốc cấy tránh thai (Norplant, Implanon): có thể cấy ngay lập tức, tuy nhiên, phương pháp này không phòng tránh được các viêm nhiễm lây qua đường tình dục/HIV, và cán bộ y tế phải được tập huấn thành thạo về thủ thuật cấy và tháo que.

    - Dụng cụ tử cung: Có thể đặt ngay nếu sàng lọc được nguy cơ hoặc biểu hiện của viêm nhiễm, chưa kiểm soát được băng huyết và thiếu máu cấp tính chưa có tiến triển tốt.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ