Thuyên tắc ối - nỗi khiếp sợ của sản phụ và bác sĩ

    Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, tâm sự khi nghe đến cụm từ thuyên tắc ối (TTO), đó không chỉ là nỗi ám ảnh của các bác sĩ sản khoa mà còn của nhà quản lý.

     

    Đến ngày nay khi kiến thức y học đã được nâng cao thông qua các kênh thông tin đa dạng, TTO còn là nỗi lo lắng cho mọi thai phụ và than nhân khi đến gần ngày khai hoa nở nhuỵ
    Trước đây, trên thế giới ngay tại các quốc gia có nền y học tân tiến bậc nhất, thì TTO làm tử vong người mẹ đến 90%, và tử vong thai nhi từ 20-60%. Ngày nay tỉ lệ cứu sống mẹ và thai nhi đã được cải thiện rõ rệt, nhờ các tiến bộ của khoa học và các cảnh báo sớm về dấu hiệu báo động có thể xảy ra TTO.
    Gần đây, các BV chuyên Sản phụ khoa tại TP.HCM đã cứu sống nhiều trường hợp TTO, nhờ sự phối hợp tốt của các bác sĩ sản khoa với các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như gây mê hồi sức, hồi sức tích cực, tim mạch, huyết học, ngoại niệu, mạch máu...
    Bài 1: Một tuần cứu 2 sản phụ nghi thuyên tắc ối
    Một sản phụ mất gần như hết máu (6,1 lít) và một sản phụ mất 1,8 lít máu sau khi vừa sinh con xong nghi TTO được BV Từ Dũ TP.HCM cứu sống thành công chỉ trong vòng một tuần qua.
    Bác sĩ (BS) CKI Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ TP.HCM, cho biết thành công của hai trường hợp này, ngoài sự hồi sức tích cực, ngoài BV, còn có sự hỗ trợ của các BV Chợ Rẫy, Bình Dân, ngân hàng máu trong quy trình báo động đỏ nội viên và liên viện.

     

     

    4 lần ngưng tim trên đường chuyển viện

    Hơn 13 giờ ngày 13.4, sản phụ Đ.T.T.M (38 tuổi, ngụ Bến Tre) đến BV Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre mổ bắt con lần 3, đó là một bé trai nặng 3,2 kg.
    Ngay sau khi các BS bắt con ra thì sản phụ đột ngột tím tái, da nổi bông, mạch chỉ còn 30 lần/phút, huyết áp không đo được, SpO2 (ô xy máu) chỉ còn 80%. Ngay lập tức sản phụ được hồi sức tích cực, đồng thời cắt tử cung bán phần và khâu cầu máu. Lúc này sản phụ mất khoảng 2 lít máu và đã được truyền bù 9 đơn vị máu các loại và lập tức chuyển BV Từ Dũ.
    Trên đường chuyển viện, sản phụ ngưng tim 4 lần, đã được thoa bóp tim ngoài lồng ngực và truyền tiếp 5 đơn vị máu các loại.
    “Lúc tới BV Từ Dũ, sản phụ đã hôn mê, da xanh, niêm nhạt, mạch và huyết áp không đo được, đang bóp bóng qua nội khí quản, dẫn lưu hố chậu ra 900 ml dịch đỏ sậm… “, BS CKI Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ thuật lại. Theo BS Hải, bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu, xuất huyết nội, phẫu thuật cắt tử cung ngoại viện trước đó 3 giờ, theo dõi TTO.
    Khi tiếp nhận bệnh nhân, BV đã kích hoạt báo động đỏ nội viện để tiếp tục phẫu thuật cho bệnh nhân. Lúc mở bụng bệnh nhân, BS đã hút ra 2,5 lít máu đỏ loãng… mạc treo ruột và các quay ruột dính vào thành bụng trước (vết mổ cũ), niệu quản trái giãn to, niệu quản đoạn chậu bị thắt tại vị trí mỏm cắt. Các BS tiến hành gỡ dính và cắt phần tử cung còn lại, cắt ống dẫn trứng phải; phối hợp với BV Bình Dân cắm niệu quản trái vào bàng quang… Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tiếp 3,2 lít máu.
    “Sau phẫu thuật thì mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định và được chuyển qua BV Chợ Rẫy theo dõi tim mạch. Bệnh nhân đã mất gần như hết máu, tổng cộng là 6,1 lít”, BS Hải thông tin.

     

     

    Tim phổi bị tắc nghẽn

    Ngày 14.4, thai phụ T.H.P.T (45 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) đến BV Từ Dũ khám và nhập viện trong tình trạng thai con so, 37 tuần tuổi, ngôi ngang, nhau tiền tạo chưa chuyển dạ. Thai phụ được lên chương trình mổ vào ngày 17.4 vì bà không thể sinh ngã âm đạo được do thai ngôi ngang, bánh nhau che hết đường ra của em bé. Hơn nữa với thai khó thì việc chuẩn bị chu đáo mọi việc sẽ đảm bảo an toàn hơn.
    “Lúc 11 giờ ngày 17.4, khi thai nhi vừa lấy ra thì sản phụ đột ngột tím tái toàn thân, da nổi bông tím đen, máu chảy đen. Phòng mổ báo động đỏ vì nghi sản phụ TTO. Tất cả bác sĩ có kinh nghiệm hồi sức của BV đều tập trung vào”, BS CK.II Hồng Công Danh, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức BV Từ Dũ, nói.

     

     

    Lúc này mạch bệnh nhân giảm mạnh chỉ còn 20-30 lần/phút, huyết áp không đo được. Các BS tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực 25 phút để hỗ trợ tim cho bóp đẩy máu, đặt đường truyền theo dõi huyết áp trên động mạch, dùng thuốc tăng huyết áp, dùng thuốc chống toan máu và khởi động đỏ liên viên với BV Chợ Rẫy để chi viện BS tim mạch và chuẩn bị máu. Đồng thời lúc này BS BV Từ Dũ đã tiến hành cắt tử cung khẩn cấp cầm máu cho bệnh nhân “30 phút sau da bệnh nhân hồng lại, bớt tím, bớt xanh. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn tiếp tục được truyền thuốc vận mạch, truyền bù máu. Sau 4 giờ cấp cứu mọi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân hầu như trở lại bình thường”, BS Danh nói.
    Lúc này, kết quả siêu âm tim trên bàn mổ phát hiện động mạch phổi và tim phải bệnh nhân có rất nhiều khối choán chỗ, tim phải bệnh nhân giãn lớn gấp đôi bên trái. Đây là dấu hiệu thuyên tắc rất rõ ràng. Có thể là TTO hoặc do huyết khối.

     

     

    Bệnh nhân nhân được chuyển qua BV Chợ Rẫy theo dõi, điều trị thuyên tắc mạch. Theo BS Danh, nếu bệnh nhân bị thuyên tắc phổi do khối huyết khối thì sẽ được dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch; còn nếu do nước ối thì bệnh nhân sẽ được lọc máu… (còn tiếp)

     

    Theo BS Phạm Thanh Hải, tại Mỹ, tỷ lệ TTO xảy ra từ 2-8/100.000 ca sinh và chiếm từ 7,5-10% các trường hợp tử vongn mẹ. Tại Việt Nam, chưa có thống kê về TTO nhưng tại BV Từ Dũ, năm 2016 có 68.00 ca sinh, có khoảng 8-10 ca nghi TTO được cứu sống. Tuy nhiên, ca nặng nhất là sản phụ T.H.P.T.

     

     

    Nguồn

    https://thanhnien.vn/suc-khoe/thuyen-tac-oi-noi-khiep-so-cua-san-phu-va-bac-si-955008.html

    BS. Lê Ngọc Diệp

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ