Hằng năm cứ mỗi lần mùa hè đến là nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm diễn ra phức tạp, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (sốt xuất huyết Dengue - SXHD). Để ngăn chặn bệnh SXHD bùng phát và có nguy cơ lan rộng cần hiểu biết thêm về nguyên nhân, cơ chế và cách thức lây truyền của bệnh.
Bệnh SXHD lây lan như thế nào?
Người ta thường nhắc đến câu “Không có bọ gậy thì không có bệnh SXHD” có nghĩa là bọ gậy (lăng quăng) là con đẻ của muỗi mà không có bọ gậy thì ắt hẳn không có muỗi. Như vậy chúng ta thấy rằng vai trò quan trọng trong việc làm lây lan bệnh SXHD là muỗi. Bệnh SXHD do virus Dengue gây ra và lây truyền bởi muỗi Aedes, trong đó có 2 loại giữ vai trò hết sức quan trọng là muỗi Aedes egypti và Aedes albopictus.
Đặc điểm của loài muỗi A. aegypti (muỗi vằn) sống chủ yếu ở thành thị, còn loài A. albopictus gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy do quá trình đô thị hóa nhanh nên 2 loài muỗi này đều có mặt ở cả nông thôn và ở thành thị và cùng mang mầm bệnh virus Dengue gây bệnh SXHD truyền bệnh cho người.
Chu trình truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. |
Muỗi vằn (A. aegypti) thường sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt rất dai cho đến khi no mới thôi. Muỗi vằn thường hút máu vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Khi muỗi đã hút no máu thì chúng tìm chỗ tối để đậu, trú ẩn. Chúng có thể đậu cao tới 2m và bay xa khoảng chừng nửa cây số. Các loài muỗi Aedes ưa thích đẻ trứng vào nước sạch như nước lọ cắm hoa, nước sinh hoạt dự trữ trong chum, vại, các phế liệu sinh hoạt có đọng nước hoặc nước ở các hồ, ao tù đọng.
Người nào dễ mắc sốt xuất huyết? Bệnh SXHD không từ một ai khi chưa có miễn dịch đối với virus Dengue. Vì vậy ở mọi lứa tuổi không kể người cao tuổi hay trẻ em, nam hay nữ, khi chưa có miễn dịch với virus Dengue thì đều có thể mắc bệnh SXHD. Qua các điều tra, nghiên cứu cho thấy, ở những địa phương có dịch SXHD lưu hành quanh năm thì trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn do người lớn đã có miễn dịch qua các lần mắc bệnh trước đó. Những vùng và địa phương lần đầu có bệnh SXHD thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh (vì chưa có miễn dịch với virus Dengue). Bệnh SXHD dù là người lớn hay trẻ em khi mắc bệnh đều rất nguy hiểm, đặc biệt là loại SXHD gây sốc. |
Trứng của muỗi sinh tồn trong nước và sẽ phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) sau khoảng 2 tuần lễ, nếu nhiệt độ thích hợp như khí hậu trong thời gian hiện nay (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày trứng muỗi đã phát triển thành bọ gậy. Bọ gậy sẽ trở thành muỗi Aedes trưởng thành. Muỗi Aedes trưởng thành sẽ hút máu người bệnh bị SXHD, qua vết đốt chúng truyền virus Dengue vào máu người lành và người lành sẽ mắc bệnh SXHD.
Phát hiện sớm bệnh SXHD là hết sức quan trọng
Đối với mọi người dân khi thấy sốt, đặc biệt là sốt cao mà trong gia đình, hàng xóm hoặc trong thôn, xã có nhiều người bị bệnh tương tự (sốt hoặc sốt có kèm ban xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi) là nên nghĩ đến bệnh SXHD. Đối với cán bộ y tế cơ sở nên quan tâm đến cả 3 vấn đề chính về bệnh SXHD, đó là các triệu chứng lâm sàng, tính chất dịch tễ học và một số xét nghiệm cần thiết.
Có 2 loại bệnh sốt Dengue cổ điển và sốt xuất huyết. Hai loại bệnh này đều do virus Dengue gây nên, vì vậy gọi là SXHD. Đối với bệnh Dengue cổ điển chủ yếu là sốt, đau nhức, mỏi toàn thân, nổi hạch nhiều nơi, có thể có các ban sẩn nhưng ít khi có dấu hiệu xuất huyết (dưới da, niêm mạc hoặc nội tạng). Nhưng đối với SXHD điển hình, thời kỳ nung bệnh khoảng từ 4 -10 ngày, sau đó xuất hiện các hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao đột ngột, liên tục.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Theo Sức khỏe & đời sống