An toàn bức xạ trong X-Quang y tế


    Ảnh mang tính chất minh hoạ

    Hoàng Quang Vũ
    Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ

    I/ Các hiệu ứng bức xạ ở mức tế bào

    1.Sự tổn thương tế bào và việc sửa chữa
    Sự tổn thương tế bào do bức xạ chủ yếu do các hiệu ứng trên AND và có thể gồm 3 hiệu ứng chính như sau:

    - Tế bào có thể chết.

    - Chất liệu di truyền của tế bào có thể thay đổi và sự thay đổi này được truyền qua các tế bào mới.

    - Sự thay đổi có thể xảy ra trong tế bào và tế bào đó có thể dẫn tới sự phân chia dị thường.

    Các tế bào có cơ chế sửa chữa rất hữu hiệu và hồi phục khỏi tổn thương do các tác nhân bên ngoài gây ra, kể cả tác nhân bức xạ. Nếu tốc độ tổn thương tế bào khá chậm thì khả năng hồi phục cao.

    Việc chiếu xạ với liều nhận được trong thời gian dài, hàng tháng hay hàng năm, được gọi là chiếu xạ trường cửu ( chronic ) thì khả năng sửa chữa tế bào cao. Đối với chiếu xạ cấp tập ( acute ), nghĩa là một liều lớn nhận được trong một vài giờ hay ngắn hơn thì khả năng sửa chữa tế bào thấp hơn.

    Chính vì vậy, khi điều trị bằng bức xạ, liều chiếu cần được phân ra thành một số lần chứ không chiếu một lần để cho các tế bào khỏe mạnh gần với khối u có thời gian hồi phục trong lúc các tế bào ung thư có độ nhạy cảm bức xạ cao có khả năng tổn thương cao hơn và khó hồi phục.

    2.Sự nhạy cảm bức xạ

    Độ nhạy cảm bức xạ của tế bào nói lên mức độ mất khả năng tái sinh của tế bào nghĩa là mức độ hủy diệt tế bào sau chiếu xạ. Từ lâu người ta đã nhận thấy tác dụng của tia X quang càng lớn ở những tế bào phân chia mạnh và cấu trúc, chức năng của chúng càng chưa cố định. Chính vì vậy mà các cơ quan ung thư (sinh sản mạnh, nhiều tế bào non và có cấu trúc bất thường ) có độ nhạy cảm bức xạ cao hơn các cơ quan lành.

    Độ nhạy cảm bức xạ ở các mô cũng khác nhau. Độ nhạy cảm cao nhất ở các mô tạo máu trong tủy xương, mô sinh dục. Tiếp theo là các mô niêm mạc, da, thủy tinh thể của mắt. Mô liên kết như sụn xương, mạch máu có độ nhạy cảm trung bình. Sau đó là các tế bào của các phủ tạng, mô tuyến nội tiết và cuối cùng là các mô cơ, xương và thần kinh có độ nhạy cảm thấp nhất. Chính vì vậy tia bức xạ có thể gây ra các tổn thương khác nhau ở các mô khác nhau tạo ra các triệu chứng khác nhau.

    II/ Các mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài
    1.Ảnh hưởng các loại bức xạ tới mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài

    - Các mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngồi có thể sinh ra từ 2 nguồn. Một là từ các thiết bị mà khi vận hành sẽ tạo ra bức xạ ion hóa. Hai là từ các chất phóng xạ.

    - Các máy phóng tia X là một loại thiết bị bức xạ ion hóa phổ biến. Khi chúng vận hành các tia X được tạo ra và thiết bị là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngồi. Tuy nhiên khi tắt máy việc sinh ra các tia X bị dừng lại và mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài bị mất đi.

    - Ngược lại các hạt beta, các tia X và tia gamma được phát ra từ các chất phóng xạ là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài liên tục. Các chất phóng xạ không có thể dừng việc phát xạ được nhưng chúng có thể được đặt vào trong các bình chứa hoặc bao xung quanh bằng một vật liệu che chắn mà nó sẽ làm giảm mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngồi tới một mức chấp nhận được.

    2. Kiểm soát mối nguy hiểm của bức xạ chiếu ngoài
    a.Các biện pháp kỹ thuật cơ bản

    Khi nhân viên làm việc với nguồn bức xạ, mà chủ yếu là nguồn phóng xạ kín và máy phát tia X, để giảm liều chiếu ngoài tại vị trí người làm việc, có thể sử dụng 3 biện pháp như sau đây:
    - Giảm thời gian làm việc.
    - Tăng khoảng cách từ người đến nguồn.
    - Tăng chiều dày vật che chắn bức xạ ( đối với máy X -quang di động : áo chì bảo vệ tốt có độ dày 0,5 mm )

    b. Các biện pháp kiểm sốt hành chính về an toàn bức xạ để giảm liều chiếu ngoài

    - Phân loại các vùng làm việc
    - Sử dụng các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng đối với mỗi vùng được phân loại
    - Huấn luyện an toàn bức xạ cho nhân viên và người quản lý
    - Xây dựng các quy trình làm việc phối hợp việc sử dụng các yếu tố thời gian, khoảng cách và che chắn
    - Xây dựng nội quy làm việc hợp lý
    - Bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn
    - Duy trì, thống kê, theo dõi các nguồn bức xạ
    - Thiết lập duy trì hệ thống kiểm tra an toàn bức xạ bao gồm việc đánh giá an toàn các quy trình làm việc, nhà máy thiết bị
    - Sử dụng các mức điều tra đối với kiểm soát liều cá nhân và kết quả kiểm soát nơi làm việc

    III/ Giới hạn liều:
    1. Đối với nhân viên bức xạ

    Chiếu xạ nghề nghiệp đối với mọi nhân viên bức xạ phải được kiểm soát sao cho :
    - Liều hiệu dụng toàn thân trong một năm được lấy trung bình trong 5 năm liên tục không được vược quá 20 mSv.
    - Liều hiệu dụng toàn thân trong một năm riêng lẻ bất kỳ không được vượt quá 50 mSv.
    - Liều tương đương trong một năm đối với thể tinh thể của mắt không vượt quá 150 mSv.
    - Liều tương đương trong một năm đối với tay chân và da không vượt quá 500 mSv.

    2. Đối với dân chúng

    - Liều hiệu dụng toàn thân trong một năm không được vượt quá 1 mSv .
    - Trong các trường hợp đặc biệt liều hiệu dụng có thể tăng tới 5 mSv cho một năm riêng lẻ, như liều hiệu dụng cho trung bình 5 năm liên tục không vượt quá 1 mSv trong một năm.
    - Liều tương tương trong một năm đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 15 mSv.
    - Liều tương đương trong một năm đối với chân tay hoặc da không được vượt quá 50 mSv.

    3. Đối với người thăm, người trợ giúp bệnh nhân

    - Giới hạn liều được lập ra trong điều này sẽ không áp dụng cho những người chăm sóc bệnh nhân, có nghĩa là các cá nhân bị chiếu trong khi tình nguyện trợ giúp bệnh nhân ( khác với những công việc hoặc nghề nghiệp của họ ) trong khi tiến hành các xét nghiệm hoặc điều trị, hoặc khách đến thăm bệnh nhân, bởi vậy:
    - Liều của một cá nhân bất kỳ tham gia chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân và khách đến tham cần phải được kiềm chế sao cho liều bức xạ không vượt quá giá trị 5 mSv trong cả thời kỳ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.
    - Liều chiếu với các trẻ em đến thăm bệnh nhân đang sử dụng dược chất phóng xạ cũng phải được kiềm chế ở mức nhỏ hơn 1 mSv

    Tóm lược từ tài liệu tập huấn về an toàn bức xạ trong X-quang y tế tháng 8/2008 của Sở khoa học và Công nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh.



    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ