Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật

                                                                         Pgs. Ts. Mai Phương Mai
    ĐH Y Dược


    Kháng sinh dự phòng ( antibiotic prophylaxis ) là việc sử dụng kháng sinh trước khi xảy ra nhiễm trùng nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng này. Khi thực hiện kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật ( surgical antibiotic prophylaxis ), kháng sinh phải hiện diện ở nơi có nguy cơ bị nhiễm trùng ngay khi can thiệp giải phẫu, do đó kháng sinh cần được cho dùng trước lúc phẫu thuật. Trái lại, việc kéo dài kháng sinh dự phòng sau khi giải phẫu thường là vô ích. Sau cùng, kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật nhắm tới mục tiêu vi khuẩn xác định đó là một hay nhiều vi khuẩn thường liên quan đến sự nhiễm trùng tại nơi làm phẫu thuật .

    Như vậy, theo quan điểm mới, kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật đối lập với kháng sinh dự phòng cổ điển mang ý nghĩa phòng vệ nhiễm trùng bao phủ các mục tiêu không được xác định, các chỉ định quá rộng, việc ngăn ngừa quá chậm trễ, thời gian dùng thuốc bị kéo dài dẫn đến kết quả ngừa nhiễm trùng kém hay âm tính.

    Kháng sinh dự phòng có thể làm giảm tần số nhiễm trùng xảy ra sau một số ca phẫu thuật, nhưng lợi ích trị liệu này phải được đánh giá dựa trên nhiều mặt: nguy cơ do các phản ứng không mong muốn của thuốc, sự xuất hiện các chủng đề kháng hay bội nhiễm, và giá cả của thuốc.

    1.Trong điều kiện nào cần tiến hành kháng sinh dự phòng?

    Phẫu thuật có thể chia làm 4 lọai:
      -   Mổ sạch.
      -   Mổ sạch – nhiễm.
      -   Mổ nhiễm. 
      -   Mổ dơ. 

      Dù có sự quan tâm  của nhà giải phẫu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, luôn luôn có những tình trạng hay tần số nhiễm trùng sau phẫu thuật không thể chấp nhận. Chính vì vậy,  thường kháng sinh dự phòng được đặt ra trước các trường hợp phẫu thuật “sạch –  nhiễm”. Trong phần lớn các ca mổ “sạch” thì kỹ thuật và kinh nghiệm giải phẫu  là biện pháp tốt nhất để có được một tỷ lệ nhiễm trùng thấp, ngọai trừ trường hợp cấy ghép một vật thể lạ. Trong trường hợp sau thì cần kháng sinh dự phòng vì vật lạ ảnh hưởng đến sức đề kháng của bệnh nhân và hậu quả của nhiễm trùng nếu có sẽ vô cùng nghiêm trọng. Trước tình trạng đã bị nhiễm trùng trong “mổ nhiễm” hay “mổ dơ”, thì các kháng sinh chỉ có vai trò trị liệu. 

    Các yếu tố khác có thể giúp dự đóan nguy cơ nhiễm trùng, đó là kinh nghiệm về lọai phẫu thuật  tiến hành, tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, bệnh mãn tính của người  bệnh.

    2.  Khi nào cho kháng sinh dự phòng?

    Thời điểm cho dùng kháng sinh dự phòng là vấn đề mấu chốt. Kháng sinh cần hiện diện trong máu và các mô vào lúc có thể bị nhiễm trùng. Như vậy không thể xem việc sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật là biện pháp ngăn ngừa thích đáng, vì nguy cơ các tai  biến do nhiễm trùng tương đương với trường hợp không dùng kháng sinh dự phòng.  Do đó hiệu lực của việc dự phòng bằng kháng sinh chủ yếu là do thuốc được đưa vào cơ thể trước lúc phẫu thuật. Một liều kháng sinh bằng đường tiêm chích vào  lúc dẫn mê hay tối đa 30-45 phút trước khi mổ thông thường cho phép đạt nồng độ ở mô cần thiết trong lúc phẫu thuật.  

    Nếu cuộc phẫu thuật kéo dài ( >3 giờ) hay bị mất máu nhiều thì một liều thứ hai cần cho thêm vào lúc trước hay đang khi giải phẫu. Việc cho kháng sinh sớm (lúc tiền mê) hoặc cách khoảng 2 giờ trước lúc rạch dao có thể đưa đến tình trạng nồng độ thuốc trong mô giảm quá thấp lúc đóng da ( khi chưa cho thêm liều thuốc lập lại).

    * Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ