tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg
Em gái thân mến !

Trường hợp sau khi bỏ thai thì bắt buộc phải trở lại tái khám để chắc chắn là lòng tử cung đã sạch hoàn toàn. Thông thường qua thăm khám lâm sàng, kết hợp với siêu âm và triệu chứng lâm sàng như đau bụng nhiều hay ra huyết nhiều... có thể giúp chẩn đoán sót nhau hay sót thai hay không. Một số trường hợp khối thai và nhau đã được lấy sạch nhưng trong lòng tử cung còn ứ máu và dịch chưa thoát được, siêu âm có thể cho kết quả khối echo hỗn hợp trong lòng tử cung, Những trường hợp này có thể điều trị nội khoa và theo dõi thêm một thời gian, và can thiệp thủ thuật khi khối dịch nhiều, không giảm sau thời gian theo dõi.
 
Bình thường, buồng tử cung vô khuẩn tuyệt đối. Sau thủ thuật bỏ thai cho dù các thao tác có được thực hiện cẩn thận, kỹ thuật tốt thì quá trình chảy máu vẫn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng niêm mạc tử cung. Nếu tuổi thai càng lớn, có tình trạng viêm nhiễm sinh dục kèm theo thì khả năng xảy ra biến chứng càng cao.

Một số triệu chứng sau giúp nghĩ đến trường hợp có nhiễm trùng: ra máu hôi kéo dài, đau bụng tăng dần, có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, hơi thở hôi, mệt mỏi…Cần phải được điều trị xử trí sớm nếu không sẽ gây biến chứng nhiễm trùng tiểu khung và nhiẽm trùng huyết.

Do đó trường hợp của em nếu đã có những dấu hiệu trên thì cần phải được điều trị và theo dõi thật sát tại những bệnh viện chuyên khoa.
Chúc em mạnh khoẻ và hạnh phúc

BS.CKII. Dương Phương Mai
Trưởng khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ



Chào em,
 
Em nên cung cấp thêm một số thông tin cho Bác sĩ như: tuổi, mấy con, có rối loạn kinh nguyệt không ... Chỉ dựa vào mỗi nội mạc tử cung Bác sĩ không thể tư vấn cụ thể.
 
Thân chào!

BS. CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Với những triệu chứng em kể, có thể em đã bị nhiễm trùng tiểu và viêm phần phụ 2 bên. Chúng tôi khuyên em nên sớm đến khám tại bệnh viện chuyên khoa sản phụ khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm; không nên tự mua thuốc uống.

Thân mến!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Với tính chất khí hư em kể đó là huyết trắng sinh lý không phải là bệnh. Huyết trắng sinh lý thường có ở phụ nữ khi gần ngày có kinh, giữa chu kì kinh và khi hoạt động thể thao nhiều; huyết trắng loãng, không mùi, không gây ngứa ngáy, khó chịu. Em chỉ cần rửa và giữ vệ sinh vùng âm hộ khô ráo và sạch sẽ, không mặc quần áo bó chật.

Thân mến!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Tại bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi có phòng tư vấn về chích ngừa HPV. Vì em còn độc thân nên sẽ không cần phải làm xét nghiệm trước khi chích ngừa. Em có thể đến tư vấn tại đây trước khi chích ngừa.
 
Thân mến!

BS.CKI.Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Nhiễm khuẩn âm đạo do nấm Candida là bệnh mà 75% phụ nữ bị mắc phải, dễ tái phát. Các yếu tố thuận lợi để bị nhiễm nấn âm đạo là:

1) Dùng kháng sinh phổ rộng như cephalosporin, tetracyclin,...

2) Hay gặp trong thai kỳ, bệnh đái tháo đường, dùng thuốc ngừa thai estrogen liều cao.

3) Môi trường âm đạo ẩm nóng, mặc quần bó chặt...

Vì vậy, em nên giữ vệ sinh vùng kín khô, không mặc đồ bó chặt và hạn chế dùng kháng sinh quá nhiều. Em nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, khi tái khám hãy đem theo toa điều trị viêm xoang trước kia để bác sĩ xem.
 
Thân mến!
BS.CKI.Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Với trường hợp của em, em bị xuất huyết âm đạo bất thường. Em không nên uống thuốc cũ vì toa thuốc đó dùng để điều trị viêm âm dạo do nhiễm Gardnerella. Chúng tôi khuyên em nên tái khám sớm để bác sĩ chẩn đoán nguyên gây ra tình trạng của em như trên và dùng thuốc điều trị thích hợp. Thân mến!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,
 
Sau khi phá thai bang thuốc kỳ kinh nguyệt tiếp theo sẽ trở lại sau từ 4 - 6 tuần. Đây là thời gian vừa đủ để hoạt động nội tiết của cơ thể ổn định trở lại. Sau thời gian này, niêm mạc tử cung cũng được tái tạo lại và có thể rụng trứng để tạo kinh nguyệt nếu trứng không được thụ tinh. Trong thời gian 2 tuần sau phá thai có quan hệ tình dục trở lại mà không sử dụng các biện pháp tránh thai thì cực kỳ dễ có thai trở lại bởi đây chính là thời kỳ trứng phóng noãn (rụng trứng) ở người phụ nữ.
 
Nếu sau phá thai bằng thuốc đã chắc chắn thai đã sẩy hoàn toàn thì em có thể theo dõi thêm 2-3 tuần sau, sau thời gian này vẫn không có kinh nguyệt trở lại thì em cần phải quay trở lại phòng khám để kiểm tra

BS.CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ
Chào em,
 
Thông thường sau khi phá thai bằng thuốc khoảng 2 tuần sẽ có hiện tượng rụng trứng để chuẩn bị cho chu kỳ kinh tiếp theo.
 
Em đã quan hệ tình dục trở lại nhưng không ngừa thai hiệu quả, thì em có thể theo dõi thêm nếu trong vòng 4-6 tuần (tính từ ngày đầu tiên bỏ thai), nếu vẫn chưa có hiện tượng hành kinh trở lại thì phải trở lại tái khám và siêu âm kiểm tra mới xác định được. Nếu đã chắc chắn có thai, và em không muốn giữ thai thì tùy theo tình trạng sức khỏe em có thể chọn phương pháp phá thai bằng thuốc.
 
Việc phá thai nhiều lần và gần nhau thì cũng phần nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của em rất nhiều,do lượng máu mất sau mỗi lần bỏ thai, lớp nội mạc tử cung chưa hoàn toàn hồi phục, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn về lâu dài có thể khó điều trị, chưa kể vể mặt tâm lý của em cũng bị ảnh hưởng theo...

BS.CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Ung thư cổ tử cung là một trong hai loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV (human papilloma virus). Nhiễm HPV thường gặp và có thể gây:

- Ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo (chủ yếu HPV 16, 18, 31 và 45).

- Mụn cóc sinh dục (chủ yếu HPV 6, 11).

Hiện nay trên thị trường VN có hai loại văcxin dự phòng nhiễm HPV:

- Văcxin nhị giá: Cervarix: phòng ngừa hai type HPV 16 và 18. Tiêm ba lần (0, 1, 6 tháng).

- Văcxin tứ giá: Gardasil: phòng ngừa bốn type HPV 6,11,16, và 18. Tiêm ba liều (0, 2 và 6 tháng).

Văcxin được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm (18%), chóng mặt (11%), xây xẩm (11%), sốt (9%) và buồn nôn (9%).

Tuổi được Bộ Y tế VN khuyến cáo tiêm hiện nay là 9-26 tuổi (không khuyến cáo tiêm ngừa HPV cho phụ nữ trên 26 tuổi). Tuy nhiên một vài nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26. Hiệu quả thế nào chưa được chứng minh rõ ràng. Cho dù tiêm ngừa hay không, việc khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là cần thiết.

Thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Nhưng ở những người từng quan hệ tình dục, việc tiêm ngừa vẫn có hiệu quả dự phòng. Không cần thiết xét nghiệm HPV trước tiêm ngừa.

Thân mến!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào em,

Nếu vòng T mất dây và vòng vẫn nằm trong tử cung thì khi lấy vòng sẽ khó hơn những trường hợp vòng còn dây, nhưng vẫn có thể lấy được. Bất kỳ một thủ thuật nào đưa vào tử cung đều có nguy cơ thủng tử cung. Khi lấy vòng cần phải đưa dụng cụ vào lòng tử cung nên có nguy cơ thủng tử cung, nhưng tỉ lệ này rất hiếm khi xảy ra; khi có kèm theo một số yếu tố nguy cơ thì khả năng xảy ra cao hơn như có vết mổ cũ ở tử cung, đặt vòng quá lâu, hoặc phụ nữ mãn kinh lâu năm... Để an toàn em nên thực hiện tại những cơ sở chuyên khoa và nhân viên y tế có kinh nghiệm về thủ thuật này. Sau khi lấy vòng khả năng mang thai vẫn như trước, em có thể để có thai lại sau 1-2 chu kỳ kinh. Em đừng nên qúa lo lắng nhé

BS.CKII. Dương Phương Mai
Khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn,
 
Với trường hợp của bạn có thể bạn bị xuất huyết giữa kì kinh hoặc là rong huyết - ra huyết âm đạo bất thường. Bác sĩ đang dùng thuốc ngừa thai để điều chỉnh lại tình trạng rong huyết của bạn.
 
Thuốc ngừa thai Marvelon ngoài tác dụng ngừa thai còn là thuốc nội tiết phối hợp dùng để điều trị các trường hợp ra huyết âm đạo bất thường. Vì vậy, bạn nên dùng thuốc và theo lịch tái khám của bác sĩ. Mặc dù bạn đã có 1 bé tuy nhiên bạn để tự nhiên hơn 1 năm mà vẫn chưa có thai lần thứ 2, đó cũng là một biểu hiện bất thường. Trong lần tái khám sau, bạn nên nói với bác sĩ để bác sĩ kiểm tra và tư vấn rõ ràng cụ thể cho bạn.
 
Thân mến!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ