10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Bác sĩ cho em hỏi về vấn đề tiêm ngừa

Hỏi - 18/06/2012

Thưa bác sĩ, hiện tại em đang mang thai tuần 27. Quá trình mang thai trước kia em hay bị mệt, huyết áp lúc thì lên cao 140 trong 3 tháng đầu và đôi khi lên hoặc xuống thấp ở mức 80 ở những tuần sau đó,( hiện tại huyết áp em bình thường là 100-110), ăn uống ko được, nôn ói dẫn đến hiện tượng hạ canxi, co rút tay chân, hạ đường huyết, thiếu chất nên bác sĩ sản khoa em đang theo nói rằng em quá yếu nên ko thể tiêm ngừa. Và hiện tại đến bây giờ dù đã ăn uông lại được đôi chút nhưng bác sĩ sản khoa vẫn không cho em tiêm ngừa và nói không tiêm cũng không sao. Theo em biết mũi tiêm ngừa uốn ván thường cách nhau 1 tháng, nếu đến giờ không tiêm thi e không đủ thời gian vì đến đầu tháng 9 là đến ngày dự sinh của em. Xin hỏi bác sĩ , bác sĩ sản khoa của em nói vậy có đúng ko ạ, thật sự là em rất lo, vì em thấy ai cũng phải tiêm ngừa, ít nhất là 2 mũi uốn ván, mà nếu em cứ yếu như vầy, tiêm ngừa có ảnh hưởng gì đến mẹ và em bé ko? Mong hồi âm sớm của bác sĩ, em cảm ơn rất nhiều !

Trả lời

Em Huyền Trang thân mến,

Tetanus (uốn ván) là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium  tetani bacilli, vi khuẩn này vào cơ thể xuyên qua vết thương. Vết thương bẩn do vùng da hoặc vật gây ra vết thương (dao, kéo, đinh, kẽm gai,…) bị nhiễm vi  khuẩn có nguy cơ cao bị nhiễm. Người bị tetanus sẽ co rút cơ, co giật, khó thở,…nặng nề dẫn đến tử vong. Bệnh cảnh tetanus xuất hiện sau 2 ngày đến vài tuần sau khi  bị nhiễm.

Khi sinh, cả mẹ và con đều có nguy cơ bị tetanus. Mẹ bị nhiễm khuẩn thông qua vết cắt tầng sinh môn hoặc vết rách. Con bị nhiễm thông qua vết cắt rốn.

VAT là vaccine anti tetanus tiêm cho thai phụ nhằm tránh nguy cơ tetanus cho cả mẹ và con. Với người sinh lần đầu, tiêm VAT 2 mũi, mũi 1 càng sớm càng  tốt, mũi thứ 2 cách mũi 1 tối thiểu 30 ngày và trước ngày dự sinh tối thiểu 30 ngày. Với người mang thai lần 2 trở đi, nếu các lần sinh trước tiêm đủ VAT, thì lần này chỉ cần tiêm 1 mũi, trước ngày sinh tối thiểu 30 ngày.

Cách đây khoảng 50 năm về trước, có khá nhiều sản phụ sinh tại nhà, các vật dụng đỡ sinh chưa được vô trùng, nguy cơ nhiễm tetanus khá cao. Việc tiêm VAT là rất cần thiết. Ngày nay, với dụng cụ y tế được tiệt khuẩn, các thai phụ đều sinh tại cơ sở y tế, nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium tetani bacilli giảm đáng kể. Tuy nhiên, để đạt an toàn cao cho cả mẹ và bé vẫn duy trì việc tiêm  VAT trong thai kỳ cho tất cả các thai phụ, trừ những trường hợp đặc biệt.

VAT tương đối an toàn cho thai phụ và thai nhi, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra 1 vài tác dụng phụ: đau chỗ tiêm; sưng đỏ vùng tiêm; sốt; đau cơ; phản ứng dị ứng (đỏ da, ngứa da, nhức đầu, yếu cơ, co giật, nôn ói,… và có thể ảnh hưởng đến thai nhi.). Em có một số biểu hiện mệt mỏi, nôn ói, co rút tay chân do hạ canxi huyết trong thai kỳ, vì vậy sẽ khó phân biệt các dấu hiệu xảy ra nếu có sau tiêm ngừa là do phản ứng dị ứng hoặc do tình trạng hạ canxi huyết sẵn có của em. Với những trường hợp như thế thì không nên tiêm VAT.

Em sẽ sinh tại các bệnh viện có chuyên khoa sản, với điều kiện y tế hiện nay, rất hiếm xảy ra tình trạng tetanus.  Chúc em và bé khỏe.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ