10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về khám thai

    1.  Muốn khám thai tại bệnh viện Từ Dũ thì đến đâu?

    Khi khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ bạn có thể lựa chọn:

    1. Khám thường (không dịch vụ) - Khu M

    2. Khám Bảo hiểm y tế (đối với trường hợp có giấy chuyển tuyến hợp lệ) - Khu M

    3. Khám dịch vụ - Khu N

    4. Khám dịch vụ hẹn giờ - Khu N

    5. Khám dịch vụ VIP - Khu N

    Khu M (vào cổng số 2)

    Khu N (vào cổng số 5)

    ☎️ Tổng đài đặt lịch khám dịch vụ là: 028 1081 hoặc 19002125

    2. Khám thai thường khác với khám thai dịch vụ như thế nào?

    Khám thai thường và khám thai dịch vụ hiện tại được tổ chức ở 2 địa điểm, khác nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

    3.  Khám thai dịch vụ khác với khám VIP như thế nào?

    Khám VIP khác với khám dịch vụ là: khám VIP bạn được chọn khung giờ khám theo nhu cầu, được bác sĩ trưởng phó khoa phòng hoặc bác sĩ cột 1 thăm khám và tư vấn. Thực hiện các cận lâm sàng tại chỗ ngay khu vực phòng khám (lầu 4 - khu N) nên hạn chế di chuyển,  ít tốn thời gian hơn. Bạn sẽ có kết quả khám nhanh chóng hơn.

    4.Tôi đã đặt lịch hẹn khám rồi nhưng tôi đi khám vào ngày khác không đúng lịch hẹn được không? Có bị mất tiền không, hay tôi phải làm sao?

    Bạn đặt lịch hẹn khám qua tổng đài thì trước tiên mình chỉ mất phí cuộc gọi 3000đ/ phút.

    Còn chi phí khám chỉ khi nào bạn đến bệnh viện khám thì mới tính.

    Bạn đã đặt lịch hẹn giờ cho ngày mai và không đi khám được thì ngoài tiền cước gọi điện thoại ra bạn không mất phí gì cả.

    Tuy nhiên, nếu bạn muốn đến khám vào một ngày khác và hẹn giờ khám thì cần gọi điện để đặt lịch lại nhé.

    5. Tôi trễ kinh và thử que 2 vạch, vậy tôi nên đi khám ngay hay đợi trễ kinh bao nhiêu ngày mới khám?

    Thông thường sau khi trễ kinh, thử que 2 vạch, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám sau khi trễ kinh khoảng 2-3 tuần.

    Trong trường hợp bạn đang có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra huyết âm đạo thì bạn cần đi khám ngay

    6. Có bắt buộc nhịn đói trước khi làm xét nghiệm máu không? Nếu đã ăn rồi thì kết quả xét nghiệm có đúng không?

    Ngoại trừ xét nghiệm đường huyết đói, các xét nghiệm máu thường qui khác đều không cần nhịn đói trước khi làm xét nghiệm.

    Kết quả xét nghiệm vẫn không thay đổi dù đã ăn hay nhịn đói.

    Nếu cần xét nghiệm đường huyết đói mà bạn lỡ ăn rồi thì bác sĩ sẽ hẹn bạn làm lại lần sau nếu cần thiết.

    Khi khám thai, bạn cần nhịn đói ở lần thực hiện xét nghiệm đường huyết đói (thường sẽ được bác sĩ dặn thực hiện chung với xét nghiệm máu tổng quát cho mẹ).

    Có thể thực hiện ở thời điểm thai 7-8 tuần có tim thai, hoặc 11-13 tuần 6 ngày.

    Và nhịn đói ở lần khám thai ở thời điểm 24-28 tuần, để làm xét nghiệm dụng nạp đường.

    Ngoài ra, bạn không cần nhịn đói ở những lần khám thai khác. Khi nào cần thiết bác sĩ sẽ dặn dò trước.

    7. Sàng lọc dị tật thai 3 tháng đầu là làm gì? Chi phí bao nhiêu?

    Sàng lọc dị tật thai nhi 3 tháng đầu nhằm phát hiện sớm một số dị tật thai nhi không thể sống được sau sinh hoặc sống nhưng gây gánh nặng gia đình và xã hội, từ đó đưa ra lời khuyên cho gia đình và sản phụ về việc nên chấm dứt thai kỳ sớm.

    Sàng lọc dị tật 3 tháng đầu thường quy gồm:

    - Siêu âm hình thái (siêu âm đo độ mờ da gáy) 3 tháng đầu

    - Xét nghiệm sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể (Double test), độ nhạy 70-80%

    Chi phí sàng lọc dị tật giai đoạn này: #500.000đ - 600.000đ

    Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn Xét nghiệm NIPT có độ nhạy cao hơn (trên 90%) thay cho xét nghiệm Double test, chi phí # 4.600.000 đồng.


    8. Xét nghiệm Double test là xét nghiệm những bệnh gì?

    Xét nghiệm Double test xét nghiệm nhằm sàng lọc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể thường gặp của thai nhi như:

    Hội chứng Down, Edwards, Patau và nhiễm sắc thể giới tính.

    9. Kết quả xét nghiệm Double test của em là nguy cơ cao. Nguy cơ cao có nghĩa là gì và giờ em phải làm sao?

    Kết quả XN Double test có độ chính xác 70-80%, tuy nhiên đây chỉ là xét nghiệm sinh hóa máu giúp cảnh báo nguy cơ trẻ có thể mắc một số rối loạn di truyền chứ không chẩn đoán xác định.

    Vì thế nếu kết quả xét nghiệm Double test cho thấy có nguy cơ cao thì mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng.

    Bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ bầu thực hiện thêm một số xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao hơn Double test như: xét nghiệm NIPT hoặc XN chẩn đoán như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối để có kết luận chính xác về tình trạng của thai .

    10. Xét nghiêm Double test bao lâu có kết quả? Tôi đến đâu để lấy kết quả? Tôi có thể đăng ký gởi kết quả về nhà được không?

    Tại bv Từ Dũ kết quả Double test sẽ có sau 10-14 ngày, tuy nhiên nếu kết quả ổn bạn có thể kết hợp lần tái khám tiếp theo để lấy kết quả tại Quầy trả kết quả tại khu khám N hoặc khám M (bạn khám thai ở khu nào thì sẽ vào khu đó để nhận kết quả)

    Nếu nhân viên bệnh viện điện thoại mời bạn đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm, đây là trường hợp đặc biệt, thai phụ phải trực tiếp đến lấy kết quả xét nghiệm sớm để được tư vấn cụ thể.

    Hiện tại đối với kết quả Double test, bệnh viện chưa áp dụng dịch vụ trả kết quả qua đường bưu điện. 

    11. Khi nào thì em có thể làm xét nghiệm NIPT? Xét nghiệm là xét nghiệm những bệnh gì? Giá xét nghiệm này là bao nhiêu?

    Về mặt lí thuyết có thể làm xét nghiệm NIPT từ tuần 10 của thai kì.

    Tuy nhiên khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm NIPT sau khi đo độ mờ da gáy trong giới hạn bình thường từ 11 – 13 tuần 6 ngày.

    Đây là xét nghiệm sàng lọc khảo sát 23 cặp nhiễm sắc thể của thai.

    Tuy nhiên nó có giá trị cao trong các bất thường NST 21,18,13 và giới tính với độ nhạy lần lượt 99,3%; 97,4%; 92% và 91%. Độ đặc hiệu của xét nghiệm là 99.8%, và giảm giá trị ở các cặp NST còn lại. 

    Giá xét nghiệm tại BV TD hiện nay là #4.600.000đ.

    Nếu kết quả xét nghiệm NIPT tại viện cho kết quả nghi ngờ/ bất thường sẽ được trợ giá một phần phí các xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối và sinh thiết gai nhau. 

    12. Tôi đã làm xét nghiệm NIPT ở tuần thứ 10, thì có cần làm xét nghiệm Double test nữa không? Có cần làm siêu âm độ mờ da gáy nữa không?

    Giá trị của NIPT cao hơn nhiều so với XN Double test, nên nếu XN NIPT từ tuần 10 kết quả tốt thì không cần làm xét nghiệm Double test.

    Tuy nhiên vẫn cần đo độ mờ da gáy lúc thai 11-13 tuần 6 ngày.

    Đo độ mờ da gáy (NT) dày có thể liên quan các bất thường về tim, bất thường NST/gen mà NIPT không phát hiện được.

    Những trường hợp NT dày phải cần làm các xét nghiệm chẩn đoán như: sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối tùy mong muốn bệnh nhân và vị trí của bánh nhau.

    13. Xét nghiệm NIPT có thể biết được giới tính em bé không?

    Tại BV TD, XN NIPT không cho biết giới tính thường qui, ngoại trừ một số trường hợp tiền căn gia đình bệnh lí di truyền có liên quan giới tính, cần chẩn đoán giới tính sớm trong bào thai để điều trị kịp thời, thì NIPT là công cụ hữu hiệu. 

    15. Thai 20 tuần rồi có thể làm xét nghiệm NIPT được không?

    Xét nghiệm NIPT có thể thực hiện từ tuần thứ 10 cho tới cuối thai kì, nên 20 tuần vẫn làm được xét nghiệm này.

    Tuy nhiên cần siêu âm chi tiết hình thái học thai nhi trước khi quyết định làm NIPT.

    Do nếu có bất thường hình thái trên siêu âm nên chọn các xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối thay vì xét nghiệm sàng lọc như NIPT.

    14. Xét nghiệm NIPT bao lâu có kết quả?

    Tại bv Từ Dũ kết quả NIPT sẽ có sau 14 ngày, tuy nhiên nếu kết quả ổn bạn có thể kết hợp lần tái khám tiếp theo để lấy kết quả.

    Nếu nhân viên bệnh viện điện thoại mời bạn đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm, đây là trường hợp đặc biệt, thai phụ phải trực tiếp đến lấy kết quả xét nghiệm sớm để được tư vấn cụ thể.

    15. Làm xét nghiệm dung nạp đường huyết để làm gì? Được thực hiện khi nào? Làm trễ hơn chỉ định của BS có được không?

    Làm xét nghiệm dung nạp đường huyết để phát hiện đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường trước khi có thai nhưng chưa được phát hiện.

    Xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ thai kỳ (OGTT) được thực hiện sớm ngay từ lần khám thai đầu tiên nếu bạn có yếu tố nguy cơ. Với những trường hợp không có yếu tố nguy cơ hoặc không được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ ở 3 tháng đầu, bạn sẽ được làm (hoặc làm lại) xét nghiệm OGTT lúc thai 24-28 tuần.

    Làm trễ hơn có thể được nhưng kết quả có thể không chính xác và khiến cho việc điều trị bị chậm trễ. Bạn nên làm đúng theo thời gian quy định.

    16. Hướng dẫn cho tôi cách thực hiện xét nghiệm dung nạp đường?

    Để xét nghiệm phản ánh chính xác tình trạng dung nạp glucose của cơ thể, bạn nên có chế độ ăn carbohydrate bình thường ít nhất 3 ngày và nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Trước ngày làm xét nghiệm, bạn không ăn từ sau 22 giờ và chỉ được uống nước lọc. Ngày làm xét nghiệm, bạn phải nhịn đói và đến khám sớm vào buổi sáng.

    Bạn sẽ được lấy mẫu máu 3 lần ở 3 thời điểm:

    • Lần 1: Lấy máu lúc đói (nhịn ăn ít nhất 8 giờ). Sau đó bạn uống 75g đường glucose.
    • Lần 2: 1 giờ sau khi uống 75 gam glucose
    • Lần 3: 2 giờ sau khi uống 75 gam glucose

    Kết quả bình thường khi:

    • Đường huyết lúc đói:  92 mg/dL
    • Sau 1 giờ:  180 mg/dL
    • Sau 2 giờ:  153 mg/dL

    Khi có một kết quả bất thường, bạn được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.

    17. Tôi làm xét nghiệm dung nạp đường và bị ói sau khi uống đường thì xử lí như thế nào?

    Tùy theo thời gian ói sau uống bao lâu sẽ xử trí tiếp. Bạn có thể cần làm lại xét nghiệm vào ngày hôm sau.

    Để tránh bị ói, lần sau bạn có thể mang theo 1 miếng chanh và vắt vào chai nước đường trước khi uống.

    18. Xét nghiệm GBS khi nào thực hiện. Bao lâu có kết quả?

    GBS (Group B streptococcus hay Streptococus agalactiae) là tên viết tắt của liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn sống trong âm đạo và trực tràng.

    GBS được phát hiện bằng xét nghiệm sàng lọc trước sinh khi thai từ 36 tuần đến 37 tuần 6 ngày.

    Mẫu xét nghiệm được lấy từ âm đạo và trực tràng của phụ nữ mang thai. Sau được đưa đến phòng xét nghiệm để nuôi cấy để tìm ra sự có mặt của GBS.

    Tại BV Từ Dũ kết quả có sau 2-3 ngày, tuy nhiên bạn có thể kết hợp lần khám thai kế tiếp để lấy kết quả.

    19. 3 tháng đầu em chưa làm xét nghiệm máu mẹ gì cả, đã qua 3 tháng đầu rồi, giờ 16 tuần còn làm xét nghiệm sàng lọc được không?

    Em đã bỏ lỡ xét nghiệm sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ, giờ không thể làm lại, tuy nhiên tại thời điểm thai 16 tuần cũng có các xét nghiệm sàng lọc trước sanh như Triple test hoặc NIPT (tùy tình trạng kinh tế và tình trạng thai mà chọn xét nghiệm phù hợp). Triple test: #450.000đ

    Ngoài ra em cần làm thêm các xét nghiệm tổng quát khác của mẹ như: huyết đồ, nhóm máu ABO, Rh, đường huyết đói, tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm viêm gan B, HIV, giang mai…Em đền khám thai để bác sĩ sản khoa tư vấn và thực hiện các xét nghiệm càng sớm càng tốt.

    20. Tôi chưa làm siêu âm độ mờ da gáy, thai tôi 14-15 tuần có làm được không?

    Siêu âm đo ĐMDG được thực hiện thai từ tuần 11 – 13 tuần 6 ngày của thai kỳ tương ứng thai có chiều dài đầu mông từ 45 - 84mm.

    Còn với vào tuần thai đã quá 14 tuần trở đi chất dịch dư thừa tích tụ vùng da gáy lúc này đã được hệ bạch huyết của thai nhi phát triển và hấp thụ hết.

    Do đó, thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể ĐMDG trong giai đoạn này cũng trở về bình thường.

    Lúc này siêu âm đo ĐMDG sẽ không còn ý nghĩa.

    Bạn cần được siêu âm thai chi tiết để khảo sát các bất thường nếu có và kết hợp các xét nghiệm sàng lọc vào quí 2 thai kì như Triple test hoặc xét nghệm sàng lọc không xâm lấn NIPT.

    21. Em siêu âm độ mờ da gáy tại BVTD được đo NT 1.2 là bình thường không? NT như thế nào là bất thường?

    Kết quả độ mờ da gáy là 1.2mm trong giới hạn bình thường.

    Độ mờ da gáy trên 3mm trong tuổi thai từ 11- 13 tuần 6 ngày là bất thường.

    Tuy nhiên, cần lưu ý: kết quả đo độ mờ da gáy bình thường không thể kết luận chắc chắn rằng thai nhi có nhiễm sắc thể bình thường mà chỉ có thể phản ánh rằng các vấn đề đó khó có thể xảy ra do đó vẫn cần theo dõi khám thai định kì.

    Tương tự vậy, kết quả đo độ mờ da gáy bất thường không có nghĩa là thai nhi có vấn đề về nhiễm sắc thể mà chỉ cảnh báo thai nhi có nguy cơ cao với bệnh này mà thôi.

    Do đó những trường hợp thai nhi có độ mờ da gáy dày cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như sinh thiết gai nhau, hoặc chọc ối

    22. Làm sao để biết cân nặng thai nhi như thế nào là bình thường?

    Bảng chiều dài và cân nặng thai nhi chuẩn theo tuần tuổi là thước đo tham khảo để mẹ bầu có thể biết được tổng quan sự phát triển của con khi ở trong bụng mẹ.

    Thông thường trên kết quả siêu âm có ghi nhận cân nặng thai nhi theo bách phân vị, nếu con bạn có cân nặng trong khoảng bách phân vị từ 10-90 là bình thường,

    Thai nhỏ khi cân nặng dưới bách phân vị thứ 10 và thai to khi cân nặng trên bách phân vị thứ 90.

    Chính xác nhất là theo dõi sự phát triển của thai nhi qua ít nhất 3 lần siêu âm ở 3 thời điểm tuổi thai khác nhau để có thể vẽ ra biểu đồ tăng trưởng.

    Sau khi thăm khám và so sánh với bảng theo dõi cân nặng thai nhi, mẹ bầu sẽ biết con mình có đang phát triển tốt hay không. Thai nhi có bị nhỏ hơn hoặc lớn hơn so với tiêu chuẩn cân nặng thai nhi không. Từ đó, mẹ bầu sẽ có sự thay đổi về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, tập luyện sao cho hợp lý.

    23. Chỉ định chọc ối là gì? Chọc ối thì nên làm lúc nào? Có nguy hiểm gì không?

    Chọc ối là một thủ thuật y khoa được thực hiện từ tuần 16 trở đi để lấy mẫu dịch ối của thai.

    Dịch ối được lấy bằng cách sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối.

    Mẫu dịch ối sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lý của thai.

    Chọc ối có thể giúp bạn biết được liệu thai nhi có bị các bất thường về nhiễm sắc thể, gen, nhiễm trùng bào thai, hoặc thiếu máu hay không.

    Do đó, xét nghiệm này được chỉ định khi thai kỳ có các yếu tố nghi ngờ bị bệnh lý về gen hoặc nhiễm sắc thể, bệnh di truyền hoặc nhiễm trùng bào thai, thiếu máu.

    Bác sĩ sẽ giải thích lý do vì sao chỉ định chọc ối và cần có sự đồng thuận của bạn trước khi thực hiện thủ thuật.

    Do chọc ối là một thủ thuật xâm lấn, nên sẽ có một số nguy của thủ thuật như sẩy thai, rỉ ối, sanh non, nhiễm trùng…Tuy nhiên tỉ lệ rủi ro của chọc ối khá thấp.

    Ước tính nguy cơ sảy thai do chọc ối thấp hơn 0,5% (trong 1000 trường hợp chọc ối, có ít hơn 5 trường hợp sảy thai).

    Lượng ối lấy ra rất ít (khoảng 15-30mL) nên sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nếu chọc ối được thực hiện sau tuần thứ 16 của thai kỳ.

    24. Em mang thai lần đầu nhóm máu hiếm Rh (-). Lộ trình em cần chích anti D như thế nào? Nếu em mang bầu lần thứ 2 có cần phải chích nữa không?

    Trường hợp bạn có thai lần đầu có nhóm máu Rh-, chồng có nhóm máu Rh+, sẽ có ít nhất 50% con sinh ra sẽ có nhóm máu Rh+ giống bố.

    Em sẽ được xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường để tiêm globulin miễn dịch Rh (anti-D Immunoglobulin.).

    Nếu chưa có kháng thể bất thường sẽ được tiêm Anti D. Tiêm anti D cần được tiến hàng dưới sự tư vấn chỉ định của bác sĩ:

    Tại BV TD hiện nay tiêm 1 liều anti-D IgG 1500 IU duy nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ.

    Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng sau sinh, tiêm anti-D IgG 500IU – 1500 IU trong vòng 72 giờ sau khi sinh (nếu con sinh ra có nhóm máu Rh(D) dương tính).

    Nếu xét nghiệm sàng lọc kháng thể cho thấy bạn đã sản xuất kháng thể thì việc tiêm Anti D sẽ không có hiệu quả. Mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi cẩn thận và sát sao tại các trung tâm sản khoa, một số trường hợp thai nhi có thể phải truyền máu qua dây rốn hoặc ngay sau khi sinh.

    Trường hợp bạn mang thai lần 2 vẫn làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường như lần đầu ngay cả khi trước đó em đã được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin.Vì khi đã tiêm phòng anti-D Immunoglobulin sẽ không bảo vệ sản phụ suốt đời để chống lại bệnh rhesus, do đó em vẩn cần tiêm nhắc lại đáp ứng các điều kiện cần thiết để cần phải tiêm lại.

    25. Em đang mang song thai, em cần lưu ý những gì để thai kỳ được thuận lợi?

    Nếu người mẹ mang thai đôi (song thai), nguy cơ biến chứng trong thai kì và khi sinh cao hơn mang thai đơn.

    Mẹ cần phải khám thai thường xuyên hơn với bác sĩ sản khoa.

    Em cần phải phân biệt trường hợp song thai của mình là song thai 2 nhau 2 ối hay song thai 1 nhau 2 ối hay chung 1 buồng ối, vì các trường hợp này sẽ có tiên lượng khác nhau.

    Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, có thể kiểm tra siêu âm 2-4 tuần một lần. Trẻ song sinh có nhiều khả năng gặp vấn đề về tăng trưởng hơn so với những đứa trẻ khác. Nếu nghi ngờ về hạn chế tăng trưởng ở một hoặc cả hai thai nhi, cần được kiểm tra siêu âm thường xuyên

    Một số biến chứng song thai như: Biến chứng sinh non là phổ biến nhất khi mang thai đôi. Một số các biến chứng xảy ra trong song thai 1 nhau 2 ối như: truyền máu song thai, chậm tăng trưởng chọn lọc, thiếu máu- đa hồng cầu. Những trường hợp này cần được theo dõi sát tại trung tâm quản lí song thai

    Ngoài những nguy cơ cho thai, mẹ mang song thai cũng có thể gặp các biến chứng về sản khoa như như sinh non, tiền sản giật, đái tháo đường. băng huyết sau sanh.

    Trẻ sơ sinh có thể có vấn đề về hô hấp hoặc lượng đường trong máu thấp.

    Chế độ ăn uống, tập thể dục, và đôi khi thuốc có thể làm giảm nguy cơ của các biến chứng này.

    Một số lưu ý cho mẹ bầu khi mang song thai

    Đầu tiên về chế độ dinh dưỡng: Thông thường, phụ nữ mang song thai có sẽ tăng cân nhiều hơn so với phụ nữ mang đơn thai. Cần thêm 300 calo mỗi ngày cho mỗi thai nhi. Chẳng hạn, nếu bạn mang thai cặp song sinh, bạn cần thêm 600 calo mỗi ngày. Vì vậy, phụ nữ mang song thai cần phải bổ sung dinh dưỡng gấp đôi để giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, đồng đều.

    Duy trì hoạt động trong khi mang thai nhất là thai đôi rất quan trọng đối với sức khỏe của thai phụ. Tuy nhiên, thai phụ cần tránh tập thể dục quá nặng. Hãy thử tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng, chẳng hạn như bơi lội, yoga trước khi sinh và đi bộ.

    26. Em đang mang thai, khi nào em có thể bắt đầu uống viên canxi được? Liều lượng khuyến cáo nên uống là bao nhiêu? Uống vào thời điểm nào là tốt nhất?

    Nhu cầu cụ thể của canxi trong thai kỳ:

    -       3 tháng đầu thai kỳ: trong giai đoạn này, lượng canxi mà các bà bầu cần được bổ sung mỗi ngày là 800mg.

    -       3 tháng giữa thai kỳ: thời kỳ này, mỗi mẹ phải cung cấp 1.200mg để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

    -       3 tháng cuối thai kỳ: mỗi ngày mẹ cần đáp ứng 1.500mg đến 2.000mg canxi cho cơ thể

    Việc bổ sung canxi có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, từ chế độ ăn giàu canxi hàng ngày (tăng cường sử dụng sữa, các chế phẩm từ sữa, các thức ăn giàu canxi… hoặc qua viên canxi dược phẩm.

    Em nên bổ sung canxi từ đầu thai kỳ, khi bổ sung viên nang canxi, tốt nhất nên uống sau bữa sáng (hoặc bữa trưa) 1 giờ sau ăn. Tránh uống canxi vào buổi tối, đặc biệt không uống trước giờ đi ngủ vì có thể gây sỏi thận hoặc cản trở giấc ngủ. Thừa canxi làm tăng nguy cơ sỏi thận, cản trở cơ chế hấp thu sắt và kẽm trong các loại thức ăn. Không bổ sung canxi cùng lúc với những thực phẩm có chưa oxalate như chocolate, trà (cả trà thảo dược), dâu tây, nước ép hoa quả…vì vậy thực phẩm chứa oxalate khi kết hợp với canxi sẽ làm giảm hấp thu canxi. Không nên uống canxi và sắt cùng 1 lúc (nên uống cách nhau 1 giờ)

    Không bổ sung quá liều canxi, vì vậy em cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định loài và liều canxi phù hợp.

    27. Khi nào em được chỉ định mổ lấy thai chủ động?

    Có rất nhiều lý do để mổ lấy thai chủ động, ví dụ như:

    -         Khung chậu hẹp, con to.

    -         Ngôi thai bất thường như ngôi ngang, song thai ngôi mông-đầu…

    -         Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, mạch máu tiền đạo, khối u tiền đạo.

    -         Vết mổ cũ mổ lấy thai mới (dưới 18 tháng) hoặc vết mổ cũ mổ lấy thai từ 2 lần trở lên.

    -         Có sẹo mổ cũ trên thân tử cung (mổ bóc u xơ tử cung, mổ xén góc tử cung do thai ngoài tử cung đoạn kẽ…)

    Trước tiên, bác sĩ cần khám và xác định liệu em có khả năng sinh thường được hay không.

    Nếu có yếu tố nguy cơ khiến em không thể sinh thường, em sẽ được chỉ định mổ lấy thai chủ động.

    28. Em thai lần 3 (2 lần trước sanh mổ). Thai bao nhiêu tuần thì em xuống bệnh viện mổ lấy thai được?

    Nếu không có vấn đề cấp cứu hoặc không có các chỉ định sản khoa khác cần chấm dứt thai kỳ sớm, em sẽ được mổ chủ động lúc thai 39 tuần

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ