Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ
ThS. BS. Nguyễn Hữu Mai Khanh
Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là cao huyết áp gây ra do thai kỳ với tần suất 2-5%. Cùng với xuất huyết và nhiễm trùng, tiền sản giật là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ. Không những gây nguy hiểm cho mẹ, tiền sản giật còn là một trong những nguyên nhân chính của tử vong sơ sinh vì những nguy cơ của non tháng do việc phải chấm dứt thai kỳ sớm trên nền tảng bào thai suy dinh dưỡng.
Một số yếu tố nguy cơ của tiền sản giật bao gồm:
- Có tiền sử bị tiền sản giật
- Tuổi thai phụ trên 40 tuổi
- Tiền căn gia đình có tiền sản giật
- Béo phì
- Đa thai
- Tiền sử: tăng huyết áp mãn tính, bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh hệ thống (ví dụ lupus ban đỏ)
Tại sao nên tầm soát sớm tiền sản giật trong quý 1 thai kỳ?
Tầm soát tiền sản giật trong quý 1 thai kỳ giúp nhận diện sớm những phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật, từ đó cho phép bác sĩ có kế hoạch giám sát và can thiệp sớm để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cho mẹ và bé.
Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm combined test (tầm soát các bất thường nhiễm sắc thể 13, 18, 21) thời điểm từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày vì có thể xét nghiệm trên cùng 1 mẫu máu. Đây là loại xét nghiệm không xâm lấn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Quy trình xét nghiệm ra sao?
Thu thập thông tin của thai phụ: tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình, tuổi, cân nặng và chiều cao.
Mẫu máu thai phụ từ 11 tuần – 13 tuần 6 ngày để đo nồng độ PlGF (Placental growth factor- yếu tố tăng trưởng bánh nhau) trong máu mẹ.
- PlGF là chất do nhau thai tiết ra, là một protein tiền sinh mạch máu (proangiogenic protein) có liên quan trong việc điều hòa sự phát triển hệ thống mạch máu của bánh nhau và chức năng nội mô của mẹ trong suốt thai kỳ. Thông thường PlGF tăng trong 2 quý đầu của thai kỳ và giảm dần ở quý 3. Ở các thai phụ có nguy cơ tiền sản giật, chất này sẽ giảm nhiều trong máu mẹ trong suốt thai kỳ.
Đo huyếp áp động mạch trung bình (HAĐMTB).
- Đo huyết áp 2 tay, 2 lần (chi tiết theo hướng dẫn tại https://fetalmedicine.org/).
- HAĐMTB = (HA tâm thu – HA tâm trương)/3 + HA tâm trương
Siêu âm bụng đo chỉ số xung động mạch tử cung:
- Sinh bệnh học chính của tiền sản giật là do suy giảm sự xâm nhập vào các nguyên bào nuôi của hệ động mạch xoắn và thất bại trong việc tái cấu trúc thành các mạch máu tại giường trao đổi tử cung-nhau làm tăng trở kháng trong các dòng chảy.
- Ở thai kỳ bình thường, trở kháng động mạch tử cung sẽ giảm theo tuổi thai nhưng trong các thai kỳ tiền sàn giật và thai chậm tăng trưởng, chỉ số trở kháng sẽ tăng.
Các thông tin trên sẽ được kết hợp tính toán bằng thuật toán để cho ra kết luận về nguy cơ tiền sản giật.
Ý nghĩa của xét nghiệm tầm soát tiền sản giật như thế nào?
- Đây là một xét nghiệm tầm soát, không phải xét nghiệm chẩn đoán.
- Xét nghiệm có độ nhậy là 90%, dương tính giả là 10%
- Xét nghiệm cho kết quả nguy cơ thai phụ có khả năng xuất hiện tiền sản giật tại các thời điểm < 32 tuần thai và < 37 tuần thai là cao hay thấp.
- Kết quả nguy cơ thấp: nghĩa là thai phụ gần như không xuất hiện tiền sản giật. Tuy nhiên không có nghĩa là hoàn toàn không xuất hiện. Do vậy vẫn sẽ phải tiếp tục khám thai định kỳ như bình thường.
- Kết quả nguy cơ cao: thai phụ sẽ được bác sĩ theo dõi sát và có kế hoạch can thiệp thích hợp.
- Theo nghiên cứu ASPRE, với các thai phụ nguy cơ cao tiền sản giật qua tầm soát, việc sử dụng Aspirin (150mg hàng ngày, buổi tối) bắt đầu trước 16 tuần thai và kéo dài đến 36 tuần thai cho thấy có hiệu quả ngăn ngừa tiền sản giật < 34 tuần là hơn 80% và <37 tuần là hơn 60%.
Liên hệ xét nghiệm
Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học – Bệnh viện Từ Dũ
191 Cống Quỳnh, Quận 1, TPHCM; Khu N – Lầu 3
ĐT: 028 5404 2829 – 239 hoặc số trực tiếp: 028 5404 2812
Tài liệu tham khảo
Rolnik DL, et al. (2017), “ASPRE trial: performance of screening for preterm pre-eclampsia”, Ultrasound in Obstetrics and Gynecology. 50(4): 492-495.
Tan MY, et al. (2017), “Protocol for the prospective validation study: ‘Screening programme for pre-ecclampsia’ (SPREE)”, Ultrasound in Obstetrics and Gynecology. 50(2): 175-179.
Tan MY, et al. (2018), “Screening for pre-eclampsia by maternal factors and biomarkers at 11-13weeks’ gestation”, Ultrasound in Obstetrics and Gynecology. 52(2): 186-195.