02/05/2019

PLGF trong tiền sản giật

ThS. Trần Nguyễn Uyên Phương

Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học

 

PlGF

PlGF (Placental Growth Factor) là yếu tố tăng trưởng bánh nhau thuộc nhóm tăng trưởng mạch máu nội mô. Protein này xuất hiện chủ yếu ở nhau thai và được tổng hợp trong các nhung mao của nguyên bào nuôi. Ngoài ra PlGF cũng xuất hiện ở các mô khác với nồng độ thấp như tim, phổi, tuyến giáp, gan và cơ xương.

Gen PlGF của người nằm trên nhiễm sắc thể 14q14 và mã hóa 4 đồng phân của PlGF (PlGF-1, 2, 3, 4). Trong đó PlGF-1 và PlGF-2 là những dạng phổ biến nhất trong thai kỳ.


PlGF có vai trò quan trọng làm tăng sinh mạch của nhau thai, quyết định sự tăng trưởng và phát triển của thai. Nồng độ của PlGF tăng dần theo sự phát triển của thai, đạt đỉnh từ tuần 26 - 30 và giảm xuống cho đến lúc sinh.

 

 

PlGF và tiền sản giật

Trong bệnh lý tiền sản giật, các nhung mao của nguyên bào nuôi bị suy giảm khả năng xâm nhập vào các động mạch xoắn của bánh nhau sẽ làm cho bánh nhau bị thiếu máu cục bộ. Để phản ứng lại với tình trạng thiếu oxy, bánh nhau tăng sản sinh ra các yếu tố gây ra rối loạn chức năng nội mô trong đó có sFlt-1 (soluble Fms-like tyrosine kinase -1), là một chất kháng tạo mạch. sFlt-1 sẽ kết hợp với PlGF và ngăn cản sự gắn kết bình thường của PlGF với receptor mFlt-1. Hiện tượng này dẫn đến nồng độ PlGF giảm thấp trong suốt thai kì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhau thai.

Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ PlGF thấp làm giảm tính thấm mạch máu, giảm chức năng nội mô, ảnh hưởng đến hình thành, tăng sinh các tế bào ống nội mô và ngoại mạch máu nhau thai. Điều này dẫn đến sự giảm phân nhánh các mạch máu và hạn chế lượng
máu lưu thông tới nhau thai, dẫn đến thai nhi chậm phát triển.

 

 

PlGF và tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ

Hiện nay, PlGF được xem là một trong những dấu ấn sinh hóa trong tầm soát tiền sản giật quý 1 thai kỳ. Đối với thai phụ có nguy cơ cao tiền sản giật hoặc khởi phát tiền sản giật có nồng độ PlGF trong huyết thanh giảm trong suốt thai kỳ. Trong xét nghiệm tầm soát tiền sản giật ở 3 tháng đầu thai kỳ dựa vào PlGF, độ phát hiện là 72% cho tỷ lệ dương tính giả 10%. Nhưng khi kết hợp với các yếu tố khác như tiền sử thai phụ, chỉ số xung động mạch tử cung (UTPi) và huyết áp động mạch trung bình (MAP) – thì sẽ tăng độ phát hiện lên 90% (https://fetalmedicine.org/research/assess/preeclampsia/background ).

 

Liên hệ xét nghiệm

Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học – Bệnh viện Từ Dũ

191 Cống Quỳnh, Quận 1, TPHCM; Khu N – Lầu 3

ĐT: 028 5404 2829 – 239 hoặc số trực tiếp: 028 5404 2812

 

Tài liệu tham khảo

Chau K, Hennessy A, Makris A: Placental growth factor and pre-eclampsia. Journal of Human Hypertension: 1-5, 2017.

Girardi G, Yarilin D, Thurman JM, Holers VM and Salmon JE: Complement activation induces dysregulation of angiogenic factors and causes fetal rejection and growth restriction. J Exp Med 203: 2165-2175, 2006.