Thông tư Hướng dẫn về công tác dinh dưỡng (08/2011/TT-BYT)
HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC DINH DƯỠNG, TIẾT CHẾ TRONG BỆNH VIỆN
Căn cứ Nghị định số188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN VỀ DINH DƯỠNG, TIẾT CHẾ
Điều 1. Khám, tư vấn về dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú
1. Tổ chức khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú.
2. Ghi chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh cần điều trị bằng chế độ ăn vào y bạ hoặc đơn thuốc điều trị ngoại trú.
Điều 2. Theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị
Điều 3. Điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh nội trú
1. Bác sĩ điều trị đánh giá và ghi nhận xét tình trạng dinh dưỡng của người bệnh lúc nhập viện và trong quá trình điều trị.
2. Bác sĩ chỉ định chế độ ăn hằng ngày phù hợp với bệnh của người bệnh và ghi mã số chế độ ăn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế vào phiếu điều trị trong hồ sơ bệnh án.
3. Lập kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh suy dinh dưỡng hoặc người bệnh cần hỗ trợ dinh dưỡng.
4. Xây dựng thực đơn và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý của người bệnh và áp dụng chế độ ăn bệnh lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 4. Tổ chức phục vụ dinh dưỡng, tiết chế
1. Người bệnh được bác sĩ chỉ định chế độ ăn bệnh lý được cung cấp suất ăn tại buồng bệnh.
2. Cung cấp chế độ ăn cho người bệnh tại bệnh viện.
3. Bảo quản, chế biến, vận chuyển suất ăn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điều 5. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trong bệnh viện
1. Thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh phục vụ ăn, uống trong bệnh viện.
2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh phục vụ ăn, uống trong bệnh viện.
Điều 6. Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế
1. Xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện.
2. Tổ chức giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện chế độ ăn bệnh lý và an toàn thực phẩm.
Điều 7. Đào tạo, chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học
1. Tổ chức đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên bệnh viện về dinh dưỡng, tiết chế.
2. Thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công tác dinh dưỡng, tiết chế.
3. Tham gia đào tạo học sinh, sinh viên về dinh dưỡng, tiết chế và chỉ đạo tuyến khi được phân công.
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CÔNG TÁC DINH DƯỠNG, TIẾT CHẾ TRONG BỆNH VIỆN
Điều 8. Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện
1. Bệnh viện công lập từ hạng III trở lên thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế; bệnh viện hạng đặc biệt thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế hoặc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng; các bệnh viện khác thành lập khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế tùy theo điều kiện của từng bệnh viện.
2. Khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế thuộc khối các khoa lâm sàng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc chuyên môn phụ trách.
3. Tổ chức của khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế:
a) Lãnh đạo khoa hoặc tổ gồm trưởng khoa (tổ trưởng), các phó trưởng khoa (phó tổ trưởng).
b) Điều dưỡng trưởng khoa.
c) Các bộ phận chuyên môn:
- Bộ phận dinh dưỡng điều trị.
- Bộ phận chế biến và cung cấp suất ăn: do bệnh viện thực hiện hoặc bệnh viện hợp đồng với cá nhân, đơn vị đáp ứng đủ điều kiện để chế biến và cung cấp chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh. Bộ phận này chịu sự giám sát về chuyên môn và an toàn thực phẩm của khoa Dinh dưỡng, tiết chế.
- Bộ phận hành chính.
4. Bệnh viện có mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế: mỗi khoa lâm sàng cử một bác sĩ hoặc điều dưỡng viên tham gia mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế.
Điều 9. Nhân lực làm công tác dinh dưỡng, tiết chế
1. Lãnh đạo:
a) Đối với khoa: trưởng khoa là bác sĩ hoặc cử nhân dinh dưỡng, tiết chế hoặc cán bộ đại học được đào tạo về dinh dưỡng, tiết chế.
b) Đối với tổ: tổ trưởng có thể là bác sĩ hoặc cử nhân dinh dưỡng, tiết chế hoặc cán bộ đại học được đào tạo về dinh dưỡng, tiết chế.
2. Nhân lực chuyên môn: căn cứ vào qui mô bệnh viện, thành phần gồm: bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên dinh dưỡng, tiết chế, cử nhân dinh dưỡng, tiết chế và cán bộ được đào tạo từ các chuyên ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm.
3. Viên chức và người phục vụ trong khoa Dinh dưỡng, tiết chế phải bảo đảm có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành và được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và được cung cấp đầy đủ trang phục theo quy định.
Điều 10. Nhiệm vụ của khoa Dinh dưỡng, tiết chế và các chức danh khác
1. Nhiệm vụ khoa Dinh dưỡng, tiết chế
a) Tổ chức thực hiện chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh trong bệnh viện theo các quy định hiện hành và hỗ trợ dinh dưỡng (đường ruột, đường tĩnh mạch) cho người bệnh tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
b) Khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.
c) Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người bệnh và các đối tượng khác trong bệnh viện.
đ) Thực hiện công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm.
e) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm trong điều trị, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
2. Nhiệm vụ của các chức danh khác
Do giám đốc bệnh viện quyết định theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 6).
Điều 11. Cơ sở vật chất
1. Khoa Dinh dưỡng, tiết chế (hoặc tổ) tùy điều kiện cụ thể tối thiểu phải tổ chức những khu vực làm việc sau:
a) Phòng hành chính.
b) Khu vực bếp chế biến, bảo quản thực phẩm, pha chế sữa, chuẩn bị các suất ăn và lưu mẫu thức ăn.
c) Khu vực phục vụ ăn uống cho người bệnh, viên chức y tế bệnh viện và các đối tượng khác.
d) Căn cứ nhu cầu thực tiễn bệnh viện có thể bố trí giường bệnh điều trị phục hồi dinh dưỡng; phòng tư vấn, truyền thông về dinh dưỡng.
2. Khoa Dinh dưỡng, tiết chế (hoặc tổ) có hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, nhà vệ sinh, phương tiện phòng chống cháy nổ.
3. Bộ phận chế biến thức ăn được thiết kế một chiều. Nơi chế biến và cung cấp suất ăn trong bệnh viện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
4. Các khoa lâm sàng phải có nơi tiếp nhận và phát suất ăn cho người bệnh. Các bệnh viện Sản, bệnh viện Nhi hoặc bệnh viện Sản - Nhi, khoa Sơ sinh phải có nơi pha chế sữa đúng thực đơn do bác sĩ chỉ định.
Điều 12. Thiết bị, dụng cụ
Khoa (hoặc tổ) Dinh dưỡng, tiết chế có các trang thiết bị, dụng cụ sau đây:
1. Dụng cụ phục vụ công tác khám, tư vấn dinh dưỡng: cân, thước đo chiều cao và các dụng cụ khác đáp ứng yêu cầu chuyên môn của từng bệnh viện.
2. Dụng cụ chuyên dụng: bếp nấu, dụng cụ bảo quản và chế biến thực phẩm, dụng cụ bảo quản thức ăn, dụng cụ lưu mẫu thức ăn, hệ thống rửa và bảo quản dụng cụ.
3. Phương tiện vận chuyển suất ăn tới người bệnh.
4. Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm .
5. Phương tiện văn phòng: máy vi tính, máy in, tủ, bàn ghế.
6. Dụng cụ khác theo yêu cầu chuyên môn.
* Nội dung chi tiết vui lòng bạn tải file .pdf.