banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

29/03/2011

Yasmin: Cập nhật về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

    DS. Nguyễn Thị Thúy Anh
Khoa Dược – BV Từ Dũ

    Drug Safety Update - Volume 3, Issue 9 April 2010 from MHRA and CHM

Các nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) liên quan đến việc dùng thuốc ngừa thai phối hợp đường uống Yasmin có thể cao hơn một chút so với nguy cơ được ước đoán trước đây, và ở giữa nguy cơ gây ra do viên tránh thai kết hợp chứa levonorgestrel (còn gọi là  thuốc ngừa thai thế hệ thứ hai) và viên chứa desogestrel hay gestodene (thuốc ngừa thai thế hệ thứ ba). Nguy cơ VTE do Yasmin, cũng như các thuốc tránh thai đường uống khác, rất thấp so với nguy cơ phát triển bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khi mang thai. Bác sĩ kê đơn cần biết về chứng cứ mới khi chọn lựa loại thuốc tránh thai phù hợp nhất cho người phụ nữ muốn bắt đầu hay chuyển đổi biện pháp ngừa thai.

Tất cả các thuốc ngừa thai chứa hormon dạng phối hợp, kể cả Yasmin, đều làm gia tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi, so với không dùng thuốc. Với liều oestrogen định trước, tần suất tuyệt đối của VTE thay đổi tùy theo loại progestogen nhưng rất thấp đối với tất cả thuốc tránh thai phối hợp đường uống (COCs). Nguy cơ lớn nhất trong năm đầu tiên sử dụng đối với tất cả các COCs.

Yasmin chứa drospirenone, một progestogen tương đối mới. Yasmin  được cấp phép lần đầu tiên vào năm 2000 và xuất hiện trên thị trường Anh quốc vào tháng 04/2002. Tại Anh, Yasmin chiếm tỷ lệ 11% các đơn thuốc có thuốc tránh  thai phối hợp đường uống vào năm 2008/09. Khoảng 19% các đơn thuốc chỉ định Yasmin  là trường hợp sử dụng lần đầu tiên.

Tần suất VTE liên quan đến việc sử dụng viên thuốc chứa levonorgestrel, desogestrel và gestodene đã được nghiên cứu rộng rãi. Nói chung, các nghiên cứu này đã chứng tỏ rằng phụ nữ dùng viên thuốc chứa desogestrel hay gestodene có  nguy cơ cao hơn bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch so với những người sử dụng viên có levonorgestrel. Yasmin mới được cấp phép lưu hành nên có ít nghiên cứu về nguy cơ xảy ra do thuốc này.

Năm 2006, các kết quả của hai nghiên cứu tiền cứu đoàn hệ (EURAS và Ingenix), cho thấy nguy cơ VTE ở người sử dụng Yasmin tương đương với  nguy cơ do các thuốc tránh thai khác chứa cùng hàm lượng oestrogen, kể cả viên có  levonorgestrel. Gần đây hơn, các kết quả nghiên cứu đoàn hệ của Đan Mạch và nghiên cứu bệnh chứng của Hà Lan cho rằng nguy cơ này có thể cao hơn một chút so với đánh giá trước đây và ở giữa nguy cơ gây ra do viên tránh thai chứa  levonorgestrel và viên chứa desogestrel hay gestodene (nguy cơ tương đối của Yasmin so với viên tránh thai chứa levonorgestrel lần lượt là: 1.64; 95% CI  1.27-2.10 và 1.7; 0.7-3.9).

Do một số giới hạn về phương pháp của các nghiên cứu mới này, cần phân tích thêm trước khi đưa ra kết luận chắc chắn. Trong thời gian này, các thầy thuốc nên được thông tin về các bằng chứng mới và lưu ý đến tiền sử y khoa và bất kỳ chống chỉ định nào khi chọn lựa biện pháp ngừa thai cho một người phụ nữ.

Tất cả thuốc tránh thai chứa hormon đều có hiệu quả cao, an toàn, và có lợi đối với sức khỏe, kể cả việc tránh mang thai ngoài ý muốn. Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ sử dụng Yasmin, cũng như tất cả các thuốc tránh thai phối hợp đường uống, thấp hơn so với nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong thai kỳ.

Thông tin sản phẩm của Yasmin, cũng như các thuốc tránh thai kết hợp đường uống, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và sẽ được cập nhật các dữ liệu mới.

Khuyến cáo đối với thầy thuốc

  • Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ sử dụng Yasmin, cũng như đối với tất cả các thuốc tránh thai phối hợp đường uống, thấp hơn nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch do thai kỳ.
       
  • Bằng chứng mới đây cho rằng nguy cơ VTE do Yasmin có thể cao hơn một chút so với đánh giá trước đây, và ở giữa nguy cơ do viên tránh thai chứa levonorgestrel và viên chứa desogestrel hay gestodene. Cần tiến hành phân tích thêm trước khi đưa ra kết luận chắc chắn bởi một số giới hạn  về phương pháp của các nghiên cứu gần đây.
       
  • Các thầy thuốc cần biết về chứng cứ mới khi lựa chọn loại thuốc ngừa thai phù hợp cho người phụ nữ muốn bắt đầu hoặc chuyển đổi biện pháp tránh thai.
       
  • Bất cứ quyết định kê đơn nào cũng nên lưu ý đến các chống chỉ định và các yếu tố nguy cơ của người phụ nữ.
       
  • Tất cả thuốc tránh thai phối hợp đường uống, bao  gồm Yasmin, nên được kê đơn thận trọng đối với trường hợp béo phì (chỉ số thể  trọng > 30), hay những người có nguy cơ cao thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
       
  • Tất cả thuốc tránh thai chứa hormon đều có hiệu quả cao, an toàn và có lợi đối với sức khỏe, bao gồm cả việc tránh mang thai ngoài ý muốn. Nếu sử dụng hợp lý, lợi ích của các thuốc ngừa thai kết hợp đường uống lớn hơn nguy cơ VTE vốn hiếm khi xảy ra.