banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

11/07/2008

Sanh 'không đau'

Khoa Sanh - BV Từ Dũ

Đau trong khi sanh đẻ là gì ?
 
 Ông bà xưa nói mẹ phải banh da xẻ thịt mới sanh được con và đau khi chuyển dạ sanh là cơn đau "khủng khiếp", "kiệt sức" và "đau đớn hành hạ" liên tục kéo dài vài giờ hoặc vài ngày để cổ tử cung nở đủ cho đầu em bé ra.

Trong cơn đau bà mẹ có thể bẻ cong được thanh sắt hoặc so sánh với bị gãy một xương mà không hề biết. Cơn đau đó theo suốt cuộc đời mẹ như một kỷ niệm khó quên, đôi khi làm bà mẹ không muốn sanh nữa.

Vậy tôi muốn giảm cơn đau bằng cách nào mà vẫn sanh mẹ tròn con vuông?

Khoa học đã tiến bộ nhiều, tại các nước Châu Âu, Mỹ, Úc gần 50% sản phụ đều được làm đẻ không đau. Các bác sĩ dùng nhiều phương pháp để giảm đau nhưng nổi bật nhất là bơm thuốc tê vào vùng quanh rễ thần kinh lưng để ngăn chặn luồng thần kinh đau về trung ương não trong các cơn gò tử cung. Như thế, những luồng co bóp tử cung vẫn còn để đẩy bé xuống ra ngoài nhưng bà mẹ không cảm thấy đau. Sau khi hết thuốc tê thì cảm giác trở lại bình thường như trước.

Có ảnh hưởng đến em bé không?

Bác sĩ chỉ dùng liều thuốc tê nhỏ pha loãng và bơm liên tục qua máy bơm tiêm điện, do đó không ảnh hưởng gì đến bé. Khi ra đời bé vẫn khóc rất to và da hồng, ấm như các trẻ khác.

Tôi sẽ sanh thường sau khi tiêm thuốc tê giảm đau không?

Chị sẽ được theo dõi để sanh thường trong suốt thời gian chuyển dạ với một êkíp bác sĩ Gây mê, bác sĩ Sản, nữ hộ sinh và máy móc hiện đại, theo dõi tim thai, độ giãn nở tử cung, mạch và huyết áp.

Giúp sanh hoặc mổ lấy thai là do các chỉ định trong sản khoa như tất cả các trường hợp khác.

Tôi cần làm gì để tham gia chương trình "Đẻ không đau" ?

Chị sẽ liên hệ và đăng ký tại phòng cấp cứu hoặc phòng tiếp nhận sanh tại phòng sanh dịch vụ. Tại đây chị sẽ được xét nghiệm máu và thăm khám tim phổi bởi bác sĩ Gây mê - Hồi sức, bác sĩ Sản khoa để đáp ứng điều kiện vào phòng kỹ thuật làm đẻ không đau riêng, bảo đảm sự vô trùng. Chị có thể gặp và nói chuyện thoải mái với thân nhân, xem tivi, nghe nhạc suốt quá trình sanh tại phòng sanh gia đình.

Sau khi truyền dịch các chị được đặt ngồi tư thế thoải mái, hai tay trên đùi, ôm gối và được tiến hành tiêm thuốc tê. Sau đó, khi cổ tử cung nở trọn chị sẽ rặn sanh bé theo sự chỉ dẫn của bác sĩ Sản khoa và các nữ hộ sinh vì không đau.

Bất lợi nào khi tham gia chương trình này ?

Có thể cảm giác lạnh và run thoáng qua, nhưng sau sanh sẽ hết ngay. Sau sanh nên uống nhiều nước. Kinh nghiệm của các bác sĩ Gây mê - Hồi sức của Bệnh viện Từ Dũ đã lâu năm, được tu nghiệp tại Pháp sẽ giúp các chị yên tâm hơn.

Tóm lại: tôi có nên tham gia chương trình đẻ không đau không?

Nên, để chúng ta không còn cảm giác chuyển dạ sinh con là một cực hình. Khi không còn cảm giác đau sản phụ sẽ thư giãn không bị tăng huyết áp, nhức đầu gây thiếu oxy cho thai. Người mẹ hoàn toàn thoải mái được nằm nghỉ vài giờ sẽ đủ sức để rặn và sinh con bình thường.

Đẻ không đau sẽ cho ta những nụ cười vui vẻ khi gặp thân nhân chứ không phải chịu đựng cơn rên la, đau đớn, vật vã và kiệt sức.

Khi tham gia chương trình đẻ không đau chị sẽ có một kỷ niệm đẹp với đứa con thân yêu của mình.

Với bệnh viện Từ Dũ. Đó chính là mục đích tốt đẹp nhất của chương trình " Đẻ không đau" mà nền y khoa tiến bộ thế giới mang lại cho phụ nữ.