banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

26/03/2010

Các xét nghiệm thường qui trong thai kỳ

 CN. Nguyễn Thảo Phương Khanh
K. Xét nghiệm - BV Từ Dũ

Ảnh do tảc giả cung cấp.

Khi bạn đến khám thai tại bệnh viện Từ Dũ cũng như các bệnh viện khác, các bác sĩ sẽ cho xét nghiệm CTM (công thức máu), GS-Rh (nhóm máu), HIV, HbsAg(viêm gan B), BW(thử giang mai,) Glycemie(đường trong máu). Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về mỗi xét nghiệm, ở đây chúng tôi đưa ra một số khái niệm đơn giản cũng như thông tin cần thiết để các thai phụ có thể tham khảo

 

1. Công thức máu (CTM)

Công thức máu còn gọi là huyết đồ là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng nhiều nhất trong xét nghiệm huyết học cũng như xét nghiệm y khoa

Các thông số trong CTM:

- Dòng hồng cầu:

RBC (Red blood cell): số lượng hồng cầu trong một lít hay mm3 máu
HGB: nồng độ hemoglobin trong máu (đơn vị tính bằng g/l hay g/dl)
Hct   : đây là phần trăm thể tích của các tế bào máu 

 

Thường ở thai phụ các bác sĩ sẽ lưu ý các thông số RBC, Hb, Hct,.Vì thai phụ thường bị thiếu máu nhược sắc do cơ thể mẹ phải qui tụ sắt để nuôi bào thai.    
                      
                Ảnh do tảc giả cung cấp.

Các chỉ số trong dòng hồng cầu                         

MCV   : thể tích trung bình của hồng cầu
MCHC: nồng độ hemoglobin trong một hồng cầu
MCH  : số lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu

 

- Dòng bạch cầu:

WBC (White blood cell): số lượng bạch cầu trong một mm3 máu

- Dòng tiểu cầu:

PLT (Platelet): số lượng tiểu cầu trong một mm3 máu

 Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu. Vì vậy, với phụ nữ trong thời kỳ thai nghén giảm số lượng hay chức năng của tiểu cầu cần được lưu ý, bởi vì các nguy cơ chảy máu có thể xảy ra và đặc biệt là lúc sinh đẻ.

Nếu số lượng tiểu cầu giảm do bệnh lý của thai kỳ các bác sĩ sẽ hướng dẫn và có phương pháp điều trị tích cực.

2.GS-Rh:

Định nhóm máu để biết nhóm máu ABO của thai phụ. Đặc biệt yếu tố Rhesus(+ hay -) rất cần thiết trong trường hợp phải truyền máu. 

Trường hợp nhóm máu Rh âm các thai phụ cần khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thai phụ có thể tham khảo bài viết Định nhóm máu trong thai kỳ của bác sĩ Hoài An.

3.HIV, HBsAg, BW

HIV (human immunodeficiency virus)

Xét nghiệm tìm kháng thể HIV trong máu. Hiện tại chúng ta có những phác đồ điều trị dự phòng lây truyền mẹ - con giúp giảm rõ ràng tỉ lệ nhiễm HIV cho con. Người phụ nữ nên được hiểu và chấp nhận “tự nguyện tầm soát xét nghiệm  HIV”, từ đó việc can thiệp điều trị dự phòng sẽ thuận lợi hơn, thuốc sẽ được sử dụng cho cả mẹ và thai nhi.

HBsAg (Hepatits B surface Antigen tức là kháng nguyên bề mặt của siêu vi B)
 
Xét nghiệm này nhằm ngăn chặn sự lây truyền bệnh viêm gan từ mẹ sang con, và từ đó có những phương pháp phòng ngừa thích hợp cho cả mẹ và thai nhi.

Tốt hơn hết là người mẹ cần làm xét ngiệm này trước khi mang thai. Nếu mẹ không bị nhiễm và chưa có miễn dịch thì nên tiêm phòng viêm gan siêu vi  B.

BW

Xét ngiệm chẩn đoán bệnh giang mai. Xoắn khuẩn giang mai có thể thâm nhiễm vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, khi nhau đã phát triển đủ cho sự di chuyển xoắn khuẩn vào thai. Bệnh có thể làm ngưng sự phát triển của thai nhi, làm sinh non và thai chết ngay sau sinh, hay sinh trẻ bình thường nhưng sẽ phát triển những dấu hiệu giang mai bẩm sinh trễ

4.Glycemie: 

Xét nghiệm đường huyết lúc đói. Xét nghiệm này nhằm tầm soát bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Những trường hợp có nguy cơ cao các bác sĩ sẽ chỉ định cho các thai phụ test dung nạp đường để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm giảm nguy cơ cho thai kỳ.  

Tài liệu tham khảo:

1. Vi khuẩn học (khoa Y-Bộ môn vi sinh)
2. Virut học (khoa  Y-bộ môn vi sinh)
3. Lâm sàng huyết  học(PGS-Trần Văn Bé)