banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

20/07/2012

Giao lưu trực tuyến "Dự phòng & điều trị bệnh ung thư vú", lúc 08g30 ngày 20/7/2012

Ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở nữ trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể và dẫn tới tử vong. Bệnh sẽ có cơ hội chữa khỏi lên tới hơn 80% ở giai đoạn đầu; ở giai đoạn 2 tỷ lệ này là 60% và thấp dần khi sang giai đoạn 3 và 4. Vậy bệnh ung thư vú là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiệm sớm và điều trị kịp thời. 

Sau chương trình Giao lưu trực tuyến với chuyên đề “Phòng tránh & điều trị bệnh ung thư phụ khoa”, website bệnh viện Từ Dũ tiếp tục với chuyên đề “Dự phòng & điều trị bệnh Ung thư vú” nhằm giúp chị em có cuộc sống tốt hơn nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Website bệnh viện Từ Dũ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyếnDự phòng và điều trị bệnh ung thư vú” nhằm giúp phụ nữ hiểu hơn về ung thư và khuyến khích phòng, phát hiện và chữa trị sớm. Buổi giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 08g30, Thứ sáu, ngày 20/7/2012 với sự tham gia của:

     
  • ThS. BS. Lê Tự Phương Chi – Phó trưởng khoa Ung bướu phụ khoa
  •    
  • BS. CKII. Đỗ Thị Lệ Chi – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp.

  • ThS. BS. Hà Tố Nguyên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ành
 
Chào bác sĩ, Để phát hiện ung thư vú thì có những triệu chứng gì? Và triệu chứng như thế nào thì nên đến khám bác sĩ? Bác cho em hỏi thêm là phương tiện nào thì có thể phát hiện bệnh chính xác. Cảm ơn bác.
     
loanngo@.....
Các triệu chứng của ung thư vú có thể là có khối u ở vú, tiết dịch máu đầu vú.
Khi sờ thấy có khối u bất thường ở vú hoặc tiết dịch đầu vú thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám
Các phương tiện để chẩn đoán bệnh hiện nay gồm có: siêu âm vú, chụp nhũ ảnh và cộng hưởng từ
Mỗi phương pháp đều có những giá trị nhất định và tùy theo tuổi của người phụ nữ bệnh lý sẽ có sự chỉ định thích hợp, ví dụ người trẻ dưới 35 tuổi thì sẽ siêu âm, người phụ nữ trên 40 thì nên chụp nhũ ảnh. Dù phương pháp nào đi nữa cũng chỉ là phương tiện chẩn hình ảnh nên để chẩn đoán chính xác là u lành hay ác cần phải chẩn đoán bằng sinh thiết (giải phẩu bệnh hoặc tế bào học)

* Chào bác sĩ, cháu năm nay 23 tuổi.hồi nhỏ ngực cháu chậm phát triển so với lứa tuổi,nhưng bây giờ ngực cháu cân đối, bình thường hai bầu ngực của cháu tròn,căng, không có cục u gì, nhưng không có nhũ hoa, nhũ hoa thut vào. Cháu kéo thì nó thụt ra chút,rồi lại như cũ. Cháu rất lo lắng, bác sĩ cho cháu hỏi, cháu có bị ung thư gì không. Cháu muốn điều trị để có nhũ hoa phải điều trị thế nào? Có phẫu thuật được không? Chi phí bao nhiêu ạ? Cháu chân thành cảm ơn bác sĩ. Chúc bác sĩ vui vẻ, mạnh khỏe.  

loanng_211@....

ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em,

Năm nay em 23 tuổi, ngực em phát triển cân đối, tròn căng, không u. Như vậy là em có một bầu ngực đẹp. Tuy nhiên, cả hai đầu ngực của em bị thụt vào. Thường do bẩm sinh, không phải là ung thư vú. Để điều trị đầu vú  thụt vào thường phải dùng phẫu thuật. Em có thể đến khoa Tạo hình - thẩm mỹ của BV Từ Dũ để chúng tôi khám và tư vấn cho em cách điều trị nào là thẩm mỹ và hiệu quả. Chúc em vui, khỏe.  

* Xin chào bác sĩ, em tên Hằng, năm nay 29 tuổi. Em đang mang thai được 7 tuần thì phát hiện có 1 u nang BTP 55*88mm. Em rất lo lắng, mong bác sĩ tư vấn  dùm em. Nếu phải mổ bóc tách khối u thì đến tuần thứ mấy của thai kỳ ạ. Em xin cảm ơn bác sĩ.

lehang1010@....

ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào Hằng,
Em đang có thai được 7 tuần, siêu âm phát hiện buồng trứng (P) có 1 u nang # 55 X 88mm. U nang buồng trứng trong giai đoạn mang thai sớm có thể là nang hoàng thể, hay là u thực sự. Nếu hiện nay em không có những dấu  hiệu đau bụng do khối u gây ra, em nên theo dõi khám thai định kỳ. Khi thai của em từ 14 – 16 tuần, bác sĩ khám thai cho em sẽ đánh giá lại khối u buồng trứng này, nếu cần thiết phải mổ, em sẽ được mổ bóc u nang buồng trứng qua nội soi trong tuổi thai từ 14 – 17 tuần. Nếu em đau bụng nhiều do u buồng trứng thì sẽ mổ cấp cứu. Chúc em khỏe mạnh. 



* Hai năm trước cháu có tới Bệnh viện Từ dũ khám và được các bác sĩ khám chuẩn đoán là cháu có 1 biếu vú bên phải. Do điều kiện không cho phép cháu quay lại để chuẩn đoán. Giờ cháu muốn hỏi nếu cháu bị như thế thì có nên mổ đi không. Và chi phí hết bao nhiêu ạ. Cảm ơn các bác sĩ.

leduong1982tb@....

ThS. BS. Hà Tố Nguyên: Em nên đến khám lại, tùy loại bệnh có thể chỉ cần theo dõi hoặc cần thiết phải mổ. Chi phí tùy loại phẫu thuật

 * Chào bác sĩ,
Độ tuổi nào thì bị mắc ung thư vú và phòng ngừa như thế nào? Theo em biết thì hiện nay giới trẻ cũng bị mắc bệnh này? Cảm ơn bác sĩ.
huyentran@.....

ThS. BS. Hà Tố Nguyên
Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh

ThS. BS. Hà Tố Nguyên:
Trên 40 tuổi thì xuất độ ung thư vú tăng cao, tuy nhiên hiện nay ung thư cũng gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi
Không thể phòng ngửa ung thư vú, chỉ có cách là tầm soát để phát hiện bệnh sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt.
 

* Thưa Bác sĩ. Bé gái nhà em được 07 tháng tuổi mà sao hai bên vú của bé đều có cục rắn như hai hạt đỗ đen, mà em theo dõi từ 5 tháng đến giờ em thấy càng ngày càng to. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn cho em xem hiện tượng đó  có khỏi bất thường không ạ? Có khỏi bị vào trường hợp dậy thì sớm không a? Vì con trai em năm nay 4 tuổi ngày nhỏ không có hiện tượng đó. Em rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Em cảm ơn.

soipt@.....  
 
ThS. BS. Hà Tố Nguyên: Chào em, em nên đưa bé đến khám tại Nhi Đồng 1 để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh.

* Chào bác sĩ
Bác có thể hướng dẫn cách tự khám vú tại nhà để kiểm tra xem mình có bị ung thư vú không? Khi biết mình ung thư vú thì nên kiêng cữ những gì để tránh sự tái phát của tế bào ung thư. 

Xuanth12389@.... 

BS. CKII. Đỗ Thị Lệ Chi:  
Em có thể khám vú mỗi tháng 1 lần theo cách sau:
 
1. Quan sát: Nên quan sát dưới nguồn sáng tốt. Đứng thẳng trước gương, bộc lộ hoàn toàn vùng ngực, hai tay buông thõng 2 bên thân mình. Sau khi quan sát ở tư thế này,  em đổi tư thế đặt tay sau gáy, hơi ưỡn ngực ra phia trước và quan sát thêm lần nữa. Quan sát độ cân đối 2 bên của tuyến vú xem có bên cao bên thấp, hay bên to bên nhỏ không. Những tổn thương ung thư có thể gây biến dạng, co kéo khiến tuyến vú mất cân đối. Vùng da trên chỗ tổn thương có thể thay đổi màu sắc, cấu trúc, hoạc hình thành ổ loét. Núm vú bên tổn thương có thể lõm vào, hoặc biến dạng.
 
2. Sờ nắn: Sau khi quan sát, em dùng 3 ngón tay ấn và day tròn nhẹ nhàng khắp bầu vú theo chiều xoắn ốc hoặc theo hình nan hoa, cách này giúp không bỏ sót vùng nào trên vú. Sờ nắn tuyến vú ở tư thế đứng, tay cùng bên với tuyến vú cần khám đặt lên đỉnh đầu, tay đối bên sờ nắn khắp bầu vú, lên đến nách và vùng trên xương đòn nhằm phát hiện các khối u. Cũng có thể khám ở tư thế nằm với 1 tay gối sau đầu và kê gối dưới vai. Sau khi sờ  nắn dùng tay bóp nhẹ đầu vú xem có dịch hoạc máu chảy ra hay không. Khám lần lượt từng bên ngực
 
3. Sau khi tự kiểm tra nếu thấy có bất thường em phải đến khám lại tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Những phụ nữ trên 40 tuổi cần được tầm soát vú hàng năm và chụp nhũ ảnh mỗi 2 năm nhằm phát hiện sớm căn bệnh này.
 
Chúc em khỏe


* Chào bác sĩ,
Em mới chẩn đoán là bị ung thư giai đoạn 3, em đã cắt một  bên vú. Bác sĩ cho em hỏi là bệnh có tái phát nữa không? Và em mới 32 tuổi và đang rất muốn có em bé, không biết là thời điểm lúc nào thì có em bé được? Cám  ơn bác sĩ. 

Nguyethanh6546@...

BS. CKII. Đỗ Thị Lệ Chi:  
Bệnh của em có thể tái phát, nên việc theo dõi chặt chẽ sau điều trị là cần thiết. Thời điểm có thai trở lại dựa trên kết quả theo dõi và các bàn luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư đang điều trị cho em.
 
Chúc em mau lành bệnh