banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

07/06/2012

Về nguồn thăm khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi

 KTV. Huỳnh Thị Ngọc Luận
K. Phẫu thuật Gây mê hồi sức - BV Từ Dũ

Mặc dù tôi đã tham quan địa đạo Củ Chi từ năm lớp 9, nhưng trở lại đây lần nữa trong lòng tôi chứa đầy cảm xúc thật khó tả. Lúc đầu, tôi chỉ biết tham quan, chui hầm, tròn xoe mắt nhìn mọi thứ và khâm phục chiến sĩ ta. Nhưng lần đi này cùng với các đoàn viên trong chi đoàn tôi hiểu được sâu sắc hơn, cảm nhận mạnh mẽ và đầy đủ hơn về những gian khổ và sự kiên cường của bộ đội Cụ Hồ.

Địa đạo Củ Chilà một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Địa đạo là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Biết vậy chúng ta mới thấy rằng sự bền bỉ, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của chiến sĩ ta. Đúng như câu nói “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đường hầm sâu dưới đất 3-8m, chiều cao chỉ đủ một người đi lom khom. Hãy một lần chui vào địa đạo Củ Chi, ta sẽ cảm nhận rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, y chí bất khuất của “vùng đất thép” và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Hoa Kỳ. Ta sẽ hiểu vì sao Củ Chi mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 20 năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi.

 

 

 

Bây giờ đến đây, hình ảnh của “đất thép thành đồng” Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến như phần nào được tái hiện qua các tượng anh lính giải phóng quân đội mũ tai bèo, phụ nữ mặc áo bà ba đen, quàng khăn rằng và đi dép lốp, ở bên trong những bụi cây, ở mỗi khúc quanh trong khu địa đạo. Đến địa đạo Củ Chi, ai cũng sẽ phải khâm phục sự thông minh của chiến sĩ ta khi sáng chế ra bếp “Hoàng Cầm”. Một sáng kiến về thiết kế phục vụ công tác hậu cần rất độc đáo, nhờ bếp này mà người chiến sĩ “anh nuôi” Hoàng Cầm có thể nấu ăn cho các đồng đội mà không sợ địch phát hiện vì đã có một hệ thống dẫn khói mà không phải ai cũng có thể làm được và suy nghĩ ra. Ở đây, chúng tôi được ăn “đặc sản” của những năm tháng gian khổ đó. Như câu nói ai thường nhắc trong thời chiến tranh là “Muối trường kỳ, mì kháng chiến”. Ngày xưa, chiến sĩ ta không đủ gạo, thiếu cơm phải ăn độn từng củ khoai mì thay cho cơm từ năm này qua tháng nọ. Vậy mà, y chí chiến đấu đánh giặc thật kiên cường, thật mạnh mẽ.

 

Bản thân tôi là một nhân viên y tế, được làm ở bệnh viện đầu ngành nhưng thật sự sửng sốt khi đứng trước nơi cứu thương cho các chiến sĩ năm xưa. Đó là một căn hầm và một chiếc giường được đóng bằng tre thô sơ, tấm vải dù để che và …những dụng cụ phẫu thuật thật đơn giản. Thiết nghĩ, những thương binh năm xưa thiếu thốn và đau đớn đến chừng nào. Tham quan nơi làm việc, hầm công binh xưởng và những hầm chông…tôi hiểu rõ rằng các chiến sĩ ngày đêm tận tụy, cống hiến hết sức mình vì Đảng vì dân, thật sự kiên cường và tôi khâm phục biết bao. Đến đền Bến Dược, ngôi đền được xây nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  19/5/1993, ngôi đền rộng 7ha trong quần thể khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Về phong thủy, ngôi đền nằm trên thế đất rất đẹp của vùng đất Củ Chi, hiện là đền tưởng niệm lớn nhất Việt Nam. Chính giữa cổng Tam Quan là biển đề “Đền Bến  Dược” và trên các thân cột là những câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang. Mấy dòng thơ như sau:

Trải tấm lòng son vì đất nước
    Đem dòng  máu đỏ giữ quê hương
    Lòng biết công ơn nhang thơm một nén
    Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm

Tham quan bảo tàng, xem lại những tư liệu, hình ảnh, hiện vật đã gắn liền lịch sử và bây giờ tôi mới cảm nhận được hết những gian khổ, cơ cực, hy sinh, mất mát và y chí kiên cường, mạnh mẽ, thông minh, cùng tinh thần yêu nước bất khuất của chiến sĩ ta.

 

 

Chúng tôi trở về thành phố, kết thúc chuyến đi với bao nhiêu cảm xúc, niềm yêu thương, kính trọng và khâm phục vô bờ của thế hệ trẻ Việt Nam. “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”. Trên đường về, tôi thầm hứa sẽ cống hiến hết sức mình cho Tổ Quốc, cho cuộc sống. Là một nhân viên y tế, tôi nhận thức sâu sắc về sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đem một phần nhỏ công sức của mình góp phần cho đất nước ngày càng giàu đẹp và hoàn thiện hơn, để xứng đáng với những gì mà ông cha ta cũng như bao lớp người và các chiến sĩ đã nằm xuống để hy sinh cho đất nước, cho chúng ta có ngày hôm  nay.