04/10/2018
KỶ NIỆM 30 NĂM
NGÀY MỔ TÁCH ĐÔI CẶP SONG SINH VIỆT – ĐỨC
(4/10/1988 – 4/10/2018)
Ngày 4/10/2018, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách đôi hai cháu song sinh Việt – Đức.
Nguyễn Đức cùng vơ và hai con sau 30 năm |
Thắm thoát đã 30 năm, nhưng sự kiện y học mang tính đột phá ngoài mong đợi của y học Việt Nam qua thành công tuyệt vời của cuộc phẫu thuật tách đôi cặp song sinh dính liền Việt – Đức đến từ vùng rừng núi sâu nghèo khổ của xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum vẫn còn đọng mãi trong tâm thức những thành viên đã trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc xúc động của ca mổ này, vào ngày 4/10/1988. Nguyễn Việt, với những phần cơ thể đẹp nhất dành cho em Nguyễn Đức, sau hơn 20 năm sống đời thực vật, đã trở về với cát bụi. Và cậu bé Nguyễn Đức ngày nào, giờ đây đã là một thanh niên năng động, tuy hình thể không hoàn chỉnh, nhưng đã có cuộc sống hữu ích cho xã hội tại Làng Hòa Bình và đã tạo dựng được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách đôi hai cháu song sinh Việt – Đức được Ban Giám đốc Bệnh việnTừ Dũ tổ chức năm 2018 mang một ý nghĩa rất đặc biệt nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Cùng với việc nhắc nhớ về một sự kiện y học của Bệnh viện Từ Dũ vào một giai đoạn khó khăn, nhiều biến động của đất nước Việt Nam những năm đầu sau ngày thống nhất, thời kỳ mà hoàn cảnh lịch sử tác động, chi phối đáng kể đến từng con người, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có đội ngũ thầy thuốc. Hai em Việt và Đức đã được tách đôi trong một ca mổ kỳ tích, bằng những đôi tay điêu luyện tuyệt vời và con tim tràn đầy nhân ái của các bác sĩ Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách đôi hai cháu song sinh Việt – Đức còn là sự tri ân của Bệnh viện Từ Dũ và Làng Hòa Bình gửi đến các Hội Chữ Thập đỏ Nhật Bản, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Hội Vì sự phát triển của hai cháu Việt - Đức (Negaukai), chính phủ và nhân dân Nhật Bản …, về sự giúp đỡ chí tình của các bạn Nhật Bản không chỉ về trang thiết bị, kỹ thuật, kinh phí cho ca mổ Việt - Đức, mà còn hỗ trợ cuộc sống lâu dài cho hai cháu Nguyễn Việt và Nguyễn Đức cũng như giúp đỡ, chăm sóc các trẻ khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học da cam/dioxin hiện đang được nuôi dưỡng tại làng Hoà Bình – Bệnh viện Từ Dũ....
Ba thập niên sau ca mổ tách rời cặp song sinh dính liền Việt – Đức làm nên dấu son của ngành y Việt Nam, hiện diện trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay, tuy không còn đông đủ êkip thầy thuốc hàng đầu của TP Hồ Chí Minh tham gia ca phẫu thuật tách đôi hai cháu song sinh Việt – Đức của 30 năm trước, vì lý do sức khoẻ hoặc có vị đã về cỏi vĩnh hằng như GS Ngô Gia Hy, BS Bùi Sĩ Hùng, BS Vũ Tam Tĩnh …, đặc biệt là Viện sĩ – Tiến sĩ – Bác sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, người nhạc trưởng tuyệt vời của kíp mổ ngày 4/10/1988 đã tập hợp lực lượng trí tuệ hùng hậu của ngành y thành phố, làm nên một kỳ tích không chỉ được ghi nhận trong nước mà còn trên trường quốc tế.
GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ,
BS NGuyễn Thị Ngọc Phương bên các trẻ khuyết tật nđược nuoi dạy tại Làng Hòa Bình, BV Từ Dũ |
người được biết đến với những cống hiến lớn lao cho sự kiện y học mang tính đột phá của ngành y tế Việt Nam qua cuộc phẫu thuật tách đôi hai cháu song sinh Việt – Đức năm 1988. “Bà ngoại” Nguyễn Thị Ngọc Phương, người thầy thuốc - mẹ hiền mang lại niềm vui, hạnh phúc được làm cha, làm mẹ cho nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nay đã hơn 70 tuổi, nhưng BS Ngọc Phượng vẫn tiếp tục con đường đã tâm niệm, là chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, đến vùng sâu, vùng xa phát hiện và điều trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và đấu tranh cho những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh. Con người ấy, tấm lòng ấy suốt một đời tận tụy, thầm lặng vì nhân dân mà chưa bao giờ biết mệt mỏi.
GS.BS Trần Đồng A củng gia đình của Nguyễn Đức |
Với GS. BS Trần Đông A, như người cha thứ hai đã sinh ra hai đứa trẻ mang tên Việt và Đức. Ở tuổi đời 77, BS Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh Nhi Đồng 2 vẫn vẫn tiếp tục tỉ mẩn từng đường dao mũi chỉ, luôn cố gắng làm việc không ngơi nghỉ. Hiện ngày ngày “bố” Đông A vẫn chạy xe vào bệnh viện, cùng họp giao ban với Ban Giám đốc của bệnh viện, hỗ trợ những ca phẫu thuật khó. Hàng trăm nghìn, hàng triệu cuộc đời bệnh nhi được nâng niu cứu sống cũng là từng ấy những đau đáu, trĩu nặng suy tư của bậc thầy cầm dao mổ. Rất nhiều bệnh nhi đã gọi ông bằng “bố nuôi”, “ông nội”, “ông ngoại”... như một cách thể hiện tấm lòng tri ân trước sự hồi sinh kỳ diệu….
Sự hoà quyện trí tuệ, lòng yêu nghề, lương tâm, trách nhiệm và tình người, của các bậc tiền bối dù được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đã cùng thống nhất ý chí và hành động vì sức khỏe của người dân, sự hoàn thiện của những mầm sống - tương lai của đất nước, mãi mãi là tấm gương và là bài học vô cùng quý giá dành cho các thế hệ y – bác sĩ trẻ…
CN Nguyễn Thị Minh Tâm
(P. CTXH)