09/10/2009

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (P. 3)

BS CKII Dương Phương Mai
Trưởng khoa KHHGĐ - BV Từ Dũ

>> Bệnh lây truyền qua đường tình dục (P. 1)
>> Bệnh lây truyền qua đường tình dục (P. 2) 

5. Hạ cam mềm (CHANCROID)

 


 

Vi trùng Hemophylus Ducreyi, là vi khuẩn hình que gram âm yếm khí ưa máu.
Gặp ở các nước đang phát triển.

Triệu chứng lâm sàng:

- Chancre thường không triệu chứng, khởi đầu là sẩn mềm, sau đó thành mụn mủ và vỡ ra thành vết loét .

- Đặc điểm loét: loét sâu, hình tròn kích thước 1-2cm, bờ vết loét rất rõ, bờ đôi, 2 viền (trong vàng, ngoài  đỏ), bề mặt vết loét có mủ màu vàng, đáy vết loét không bằng phẳng, vết loét nằm trên vùng da phù nề, mềm đau.

- Hạch: được coi là biến chứng của bệnh, xuất hiện trong tuần lễ đầu, thường một hạch ở một bên bẹn.

Chẩn đoán:

- Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng, xét nghiệm nhuộm gram cho thấy trực trùng gram âm xếp theo kiểu đàn cá.
Cấy mủ có Hemophylus Ducreyi .

Điều trị:

- Nguyên tắc: điều trị cho cả 2 (bệnh nhân và bạn tình).

- Xét nghiệm cần phải thử huyết thanh chẩn đoán giang mai và HIV. Lặp lại sau ba tháng nếu hai phản ứng này âm tính.

- Điều trị song song toàn thân và tại chỗ.

- Tại chỗ: dung dịch màu Milian, Eosin 2%, thuốc tím pha loãng 1/5.000 đến 1/10.000.

- Toàn thân: Azitromycine 1g uống liều duy nhất.

- Ciprofloxacine 500mg x 2 lần /ngày x 3 ngày (uống)

- Erythromycine 500mg x 4 lần /ngày x 7 ngày (uống)

- Ceftriaxone 250mg liều duy nhất (tiêm bắp)

Theo dõi sau điều trị:

- Bệnh nhân nên được tái khám sau khi điều trị 3-7 ngày.

- Khuyên bệnh nhân kiêng giao hợp trong suốt thời gian điều trị.

- Hạch lành chậm hơn và đôi khi cần phải hút mủ ngay cả khi điều trị thành công.

6. Giang mai ( SYPHILIS)

Do xoắn trùng Treponema pallidum lây truyền do tiếp xúc sinh dục và từ mẹ sang con gây giang mai bẩm sinh.

Triệu chứng lâm sàng: thường gặp tổn thương âm hộ âm đạo, cổ tử cung, hậu môn, môi. 

 

Tiến triển qua ba giai đoạn :

Giang mai kì I : tổn thương âm hộ là chancre, xuất hiện ba tuần sau lần giao hợp bị nhiễm. Chancre là một vết loét tròn, bờ cứng hơi gờ cao trên nền đỏ ẩm, không đau kèm hạch bẹn. Có thể mọc ở cổ tử cung và âm đạo. Vết loét có thể tự mất trong 2-6 tuần.

Giang mai kì II: tổn thương là chồi sùi, tròn, dính thành từng đám, bờ cứng xuất tiết dịch màu xám hoại tử và hạch bẹn viêm rất lây.

Giang mai kì III : tổn thương là gồ giang mai (gumma) là một nốt chồi loét, đau phù nề và bội nhiễm cùng hạch viêm.

- Tổn thương da niêm mạc, lòng bàn tay, bàn chân và màng niêm nổi nhiều ban sần, mồng  gà, viêm hạch bạch huyết toàn thân.

- Tổn thương nội tạng: phình động mạch chủ, teo thần kinh thị giác, bệnh Tabès, giang mai màng não.

Giang mai bẩm sinh : ở các phụ nữ không điều trị giang mai. 1/3 trường hợp thai lưu hoặc thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai tự nhiên ở thai 12-28 tuần. 1/3 số trẻ được sinh ra với tình trạng giang mai bẩm sinh.1/3 không bị nhiễm vì nguy cơ nhiễm qua nhau chỉ chiếm tỉ lệ 70%.

Thai hoặc trẻ sơ sinh bị nhiễm có dấu hiệu giang mai kì II ngay sau sanh hoặc muộn hơn sau nhiều tháng nhiều năm. Dấu hiệu sớm là gan to, lách to, sưng hạch, viêm  mũi, thiếu máu ngoại ban, dát sẩn với sẩn ướt, thiếu máu giảm tiểu cầu và chậm phát triển. Dấu hiệu muộn: trẻ bị dị dạng hệ răng xương, điếc và viêm xoang cảnh. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kháng thể IgM.

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.

Giai đoạn tiên phát với một vết loét cứng điển hình, xem một lam phết chất dịch tươi ở tổn thương bằng kính hiển vi nền đen.

Giai đoạn tiến triển và thứ phát dựa huyết thanh chẩn đoán VDRL (Venereal disease  research laboratory ), RPR ( rapid plasma reagin ), FAT-ABS (Fluorescent treponema antibody absorbed )và MHA-TP (Microhemagglutination assay for treponema pallidum ).

Điều trị: PNC  G là thuốc được lựa chọn đầu tiên vì hiệu quả trị liệu của nó.

Giang mai kì I: ở người lớn điều trị Benzathine Penicilline G, 1 liều duy nhất 2,4 triệu UI tiêm bắp chia đôi mỗi bên mông hoặc Procain PNC G pha loãng tiêm bắp 1,2 triệu /ngày x 10 ngày. Nếu dị ứng PNC và không có thai thì điều trị bằng Doxycycline 100 mg x 2 lần /ngày uống x 15 ngày.

Giang mai kì II: người lớn điều trị Benzathine Penicilline G, 2,4 triệu UI tiêm bắp chia đôi mỗi bên mông, 2 liều ở ngày thứ 1 và ngày 14 hoặc Procain PNC G pha loãng tiêm bắp 1,2 triệu /ngày x 15 ngày.

Giang mai trong khi có thai kì I: điều trị PNC giống như liều không có thai. Nếu dị ứng PNC thì dùng Erythromycine 500 mg uống 1 viên x 4lần / ngày x 15 ngày. Kì II của giang mai, Erythromycine uống 500 mg x 4lần / ngày x 30 ngày.

Giang mai bẩm sinh sớm: (dưới 2  tuổi) PNC G pha loãng 50.000 UI/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 2 lần / ngày x  10-15 ngày hoặc Procaine PNC G pha 50.000 UI/kg tiêm bắp 1 lần mỗi ngày x 10 ngày hoặc Benzathine PNC G pha loãng 50.000 UI/kg tiêm bắp 1 liều duy nhất.

* Ảnh do tác giả cung cấp.