The HELLP Syndrome: an update and controversies

    ThS. BS. Lê Quang Thanh, BS. CKI. Phạm Thanh Hải, ThS. BS. Nguyễn Xuân Trang,
    BS. Nguyễn Long,BS. Trần Thị Ngọc, CN. Nguyễn Hoàng Bảo Sơn

    Hội chứng HELLP gồm 3 dấu chứng sinh hóa là tán huyết, tăng men gan và tiểu cầu thấp. Bệnh thường diễn tiến nhanh và xảy ra  biến chứng nặng có thể đe dọa tính mạng của cả thai phụ và thai nhi. Chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời làm cải thiện đáng kể bệnh suất và tử suất. Khoảng 70% trường hợp xảy ra trước sinh, phần lớn trong khoảng 27 – 37 tuần; phần còn lại trong vòng 48 giờ sau sinh. Hội chứng HELLP có thể toàn phần hoặc  bán phần. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của hệ thống phân loại Tennessee đối với hội chứng HELLP bao gồm tán huyết với LDH > 600 U/L, tăng men gan với AST hoặc ALT ≥ 70 U/L và tiểu cầu thấp < 100.000/mm3. Theo hệ thống Mississipi thì chẩn đoán mức độ nặng theo số lượng tiểu cầu. Những BN không có  đủ những tiêu chuẩn trên được xem là hội chứng HELLP bán phần. Điều trị bảo tồn  (≥ 48 giờ) vẫn chưa thống nhất, nhưng có thể được cân nhắc trong trường hợp thai < 34 tuần và tình trạng ổn định. Chấm dứt thai kỳ được chỉ định nếu hội chứng HELLP xảy ra sau tuần thứ 34 hoặc tình trạng thai nhi và/hoặc thai phụ bị đe dọa. Sinh ngả âm đạo được ưa chuộng. Nếu cổ tử cung không thuận lợi, chỉ định làm chín cổ tử cung và khởi phát chuyển dạ. Nếu tuổi thai từ 24 tới 34 tuần hầu hết tác giả sử dụng một đợt điều trị corticosteroid để hỗ trợ trưởng  thành phổi, có thể dùng 2 liều 12 mg betamethasone cách nhau 24 giờ hoặc 4 liều 6 mg dexamethasone cách nhau 12 giờ trước khi sinh. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng lâm sàng về phác đồ điều trị corticosteroid chuẩn ở hội chứng HELLP. Nên tránh điều trị corticosteroid liều cao và lập lại vì lo ngại những tác dụng phụ lâu dài trên não thai nhi. Trước 34 tuần, chỉ định chấm dứt thai kỳ nếu tình trạng mẹ xấu hoặc những dấu hiệu suy thai trong tử cung. Huyết áp nên được giữ  dưới 155/105 mmHg. Trường hợp thai dưới 24 tuần, chỉ định chấm dứt thai kỳ ngay. Tiếp tục theo dõi sát BN tối thiểu 48 giờ sau sinh. Tại bệnh viện Từ Dũ,  từ 6/2010 đến 6/2011 có 51 trường hợp được chẩn đoán hội chứng HELLP toàn phần và bán phần, tất cả các trường hợp này đều rất nặng và điều trị kéo dài, t = 8,12  +/- 0,359 ngày (2 –14 ngày), về phía mẹ: 7 trường hợp sản giật, 2 ca tổn thương não, 3 ca rối loạn đông máu nặng, 7 ca suy thận cấp, trong đó 2 ca suy đa cơ quan, 1 suy gan nặng và 1 suy thận cấp chuyển bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trường hợp tử vong do xuất huyết não. Về phía con có 5 trường hợp thai lưu, 4 trường hợp  tử vong sau sinh chủ yếu do non tháng, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, hoặc biến chứng sản khoa. Biến chứng nặng nề và diễn tiến phức tạp của hội chứng HELLP  đòi hỏi người bác sĩ lâm sàng phải không ngừng cập nhật kiến thức, giải đáp các vấn đề còn tồn tại để có thể điều trị tốt nhất cho người bệnh.

    * Trích Tài liệu HN Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12, ngày 10-11/05/12

    Files Attachment

    Connect with Tu Du Hospital