Bùi Thanh Vân
Thông tin cơ sở: Những tiến bộ trong y khoa ngày nay giúp chúng ta phát hiện ngày càng nhiều những bất thường thai mà với khả năng hiện nay của y học Việt Nam không thể điều trị hoặc chăm sóc tối ưu. Những yếu tố tiên lượng nặng đôi khi phải mất một khoảng thời gian theo dõi, hệ quả là chẩn đoán tình trạng nặng chỉ có khi thai kỳ đã lớn (ở tuổi thai có thể sinh tồn). Việc khởi phát chuyển dạ và cho ra đời một đứa trẻ sống, dị tật nặng thực sự là một sức ép rất lớn cho cả gia đình và êkip bác sĩ, nữ hộ sinh. Điều này đặt ra vấn đề thủ thuật bơm thuốc gây ngưng tim thai trước khi khởi phát chuyển dạ chấm dứt thai kỳ.
Mục tiêu nghiên cứu: đánh giá việc sử dụng lidocaine bơm qua tĩnh mạch rốn để làm ngừng tim thai trong tử cung ở các thai kỳ có chỉ định chấm dứt thai kỳ y khoa muộn
Thiết kế nghiên cứu: quan sát tiền cứu
Nơi tiến hành nghiên cứu: đơn vị chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Từ Dũ
Phương pháp nghiên cứu: thủ thuật bơm thuốc gây ngưng tim thai trong tử cung tiến hành bằng cách tiếp cận dây rốn, bơm vào tĩnh mạch rốn 5μg Sufentanil dẫn đầu, sau đó là Lidocaine 2%.
Kết cục chính: tỉ lệ thành công của thủ thuật (tỉ lệ ngưng tim thai sau bơm tĩnh mạch rốn với lidocaine và tác dụng phụ trên mẹ).
Kết quả: từ 8/2011 đến 3/2012 đã tiến hành thủ thuật trên 183 trường hợp có chỉ định chấm dứt thai kỳ y khoa muộn. Tỉ lệ thành công của thủ thuật bơm thuốc vào tĩnh mạch rốn gây ngưng tim thai trong tử cung với Lidocaine 2% là 91.3 %, có 16 ca phải tiến hành bơm thuốc trực tiếp vào buồng tim bằng 4-5 ml KCl. Không ghi nhận ca nào có tác dụng phụ của thuốc trên mẹ.
Kết luận: Lidocaine 2% là thuốc an toàn và có tỉ lệ thành công cao trong thủ thuật bơm thuốc gây ngưng tim thai các trường hợp chấm dứt thai kỳ muộn vì lý do y khoa.
* Trích Tài liệu HN Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12, ngày 10-11/05/12
Files Attachment