CN. Lại Thị Lý
Khoa Xét nghiệm - BV Từ Dũ
Khí máu là một xét nghiệm có thể xa lạ đối với nhiều người nhưng lại rất thông dụng và hữu ích cho người bác sĩ điều trị ở các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực… Chỉ trong khoảng 15 phút, chúng ta đã có rất nhiều thông số máu, trong đó quan trọng là các thông số: pH, PaO2, PaCO2, HCO3-… giúp các bác sĩ bước đầu xác định được các rối loạn thông khí máu, rối loạn thăng bằng acid base… từ đó xác định nguyên nhân và chữa trị.
I. Các trường hợp được chỉ định làm khí máu động mạch:
1. Khi có nghi ngờ suy hô hấp: để chẩn đoán, phân độ và tìm nguyên nhân.
2. Khi sử dụng oxy: để cho chỉ định, định mức độ và theo dõi hiệu quả.
3. Để theo dõi mức thông khí phế nang, thông khí khoảng chết.
4. Khi thở máy: để cài đặt các thông số thở máy, theo dõi hiệu quảvà quyết định cai thở máy.
5. Khi có nghi ngờ rối loạn thăng bằng toan kiềm: để phân loại rối loạn, xác định mức độ, tính toán lượng toan kiềm phải cho bệnh nhân và tìm nguyên nhân.
6. Đánh giá chức năng hô hấp trước khi giải phẫu lồng ngực hay vùng bụng cao.
7. Trong cấp cứu hồi sinh và các tình trạng nguy kịch khác để theo dõi tình trạng cung cấp oxy cho mô.
II. Kỹ thuật lấy mẫu và bảo quản mẫu trong phân tích khí máu động mạch:
A. Kỹ thuật lấy mẫu:
1. Giai đoạn chuẩn bị:
- Bệnh nhân cần trong tình trạng hô hấp ổn định.
- Đối với bệnh nhân thở máy: thông số được đặt ổn định 30 phút trước khi lấy mẫu.
- Lấy mẫu phải được trong tình trạng kị khí.
2. Lấy mẫu bằng xi lanh:
- Dụng cụ lý tưởng để lấy mẫu là loại xi lanh dùng một lần có thể tích 1,3 hoặc 5 ml, tiện lợi nhất là dùng ống chích có tráng sẵn Heparin khô.
- Phủ kín khoảng chết của xi lanh bằng chất chống đông, sau đó đẩy khí và chất chống đông ra khỏi xi lanh.
- Mẫu máu cần được lấy một cách nhẹ nhàng nhất, sự ứ đọng máu sẽ làm tăng PaCO2 và giảm pH.
- Lấy một lượng mẫu bằng khoảng 20 lần dung tích khoảng chết.
- Loại bỏ bọt khí và thay kim cùng mũ ngay sau khi lấy mẫu.
- Trộn đều mẫu bằng cách lăn tròn trên tay theo chiều ngang xi lanh ít nhất là 5 lần. Mẫu đã sẵn sàng dùng để phân tích.
C. Bảo quản mẫu:
- Nên phân tích mẫu ngay, tốt nhất l trong vòng 5 phút sau khi lấy mẫu.
- Nếu phải đợi hơn 10 phút thì phải ngâm vào nước đá bào nhuyễn để ức chế sự chuyển hoá, vốn làm cho pH và PaO2 sẽ giảm, còn PaCO2 sẽ tăng trong mẫu máu, dù đã đậy kín. Mức độ thay đổi này tuỳ thuộc vào nhiệt độ, PaO2và số lượng các thành phần hữu hình trong máu.
- Trước khi phân tích cần:
+ Nên xoay nhẹ ít nhất 2 phút trước khi phân tích, có thể dùng tay hoặc máy với điều kiện xoay mẫu trên 2 trục.
- Cần xét nghiệm lại nếu:
+ Kết quả tự mâu thuẫn với nhau (khi mà bác sĩ nhận định điều đó không thể xảy ra)
+ Kết quả vượt quá xa giới hạn cho phép.
III. Ý nghĩa và ứng dụng lâm sàng của các chỉ số chính trong phân tích khí máu động mạch:
Tên chỉ số | Ý nghĩa và ứng dụng | Trị số bình thường | Thay đổi bệnh lý | Lưu ý |
Phân áp Oxy trong máu động mạch (PaO2) | - Đánh giá khả năng oxy hóa máu của phổi | 90 ± 5 | - PaO2 tăng: Tăng oxy máu | - PaO2 cao tạo ra các gốc oxy tự do rất độc. Đặc biệt có nguy cơ gây mù mắt cho trẻ sơ sinh. Ơ trẻ sinh non PaO2 không được quá 75 mmHg. |
Phân áp CO2 trong máu động mạch (PaCO2) | - Đánh giá khả năng thông khí của phổi | 40±5 mmHg | - PaCO2 tăng: giảm thông khí phế nang | - PaCO2 có thể gia tăng khi cho oxygen |
Nồng độ H+ trong máu, đo bằng pH | - Cho biết tìnhtrạng toan kiềm của máu | 7.40 ± 0.05 | - pH tăng:kiềm hoá máu | - Dấu hiệu lâm sàng của các rối loạn thăng bằng toan kiềm rất trễ, cần theo dõi bằng máy phân tích khí trong máu. |
Bicarbo-nate thật sự trong huyết tương (HCO3-A) | - Cho biết vai trò của chuyển hoá trong thăng bằng toan kiềm. | 24± 2 mmol/L | - HCO3 tăng: kiềm chuyển hoáhay bù cho toan hô hấp. | HCO3 luôn luôn phải phân tích kèm với pCO2 và pH |
Kiềm dư dịch ngoại bào (BE ecf) | - Là lượng kiềm dư hoặc thiếu trong toàn bộ dịch ngoại bào. | ±3 mmol/L | -BE ecf dương: dư kiềm | - BE ecf không bị ảnh hưởng bởi PaCO2 |
Tài liệu tham khảo:
1. Sổ tay hướng dẫn Phương Pháp Phân Tích Khí Trong Máu – Nhà xuất bản Y học năm 1999.
2. Tài liệu Hoá Sinh Lâm Sàng Phục Vụ Hồi Sức – Cấp Cứu của lớp Bồi Dưỡng Hoá Sinh Lâm Sàng – Hội Hoá Sinh Việt Nam – 9/1995.
3. Tài liệu đăng trên mạng ngày 12/01/2009