Bs. Phạm Thanh Hải
    Tổ NCKH - P. KHTH – BV Từ Dũ

    Tóm tắt

    Đặt vấn đề: băng huyết sau sanh (BHSS) là tai biến thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong mẹ nhiều nhất. Trước đây các nhà sản khoa thường dùng các yếu tố nguy cơ để tiên đoán các trường hợp BHSS, nhưng các thống kê gần đây thấy 70% các trường hợp BHSS xảy ra ở những sản phụ không có yếu tố nguy cơ đó là lý do chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Mục tiêu nghiên cứu: xác định các yếu tố nguy cơ băng huyết sau sanh. Thiết kế nghiên cứu: bệnh chứng, chọn 69 trường hợp BHSS trong năm 2008 và chọn ngẫu nhiên 138 trường hợp không băng huyết làm nhóm đối chứng. Kết quả: những thai phụ được dùng oxytocin để tăng co trong chuyển dạ có nguy cơ băng huyết sau sanh gấp 4 lần so với thai phụ không tăng co. Những thai phụ được được giúp sanh bằng VE có nguy cơ băng huyết sau sanh gấp 7,6 lần so với thai phụ sanh thường. Những thai phụ có cân nặng con từ 3501g – 4000g có nguy cơ băng huyết sau sanh gấp 9,4 lần so với thai phụ có cân nặng con 3000g – 3500g. Những thai phụ có cân nặng con > 4000g có nguy cơ băng huyết sau sanh gấp 9,7 lần so với thai phụ có cân nặng con 3000g – 3500g.

    ĐẶT VẤN ĐỀ

    Băng huyết sau sanh (BHSS) là tai biến thường gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa gây nguy hiểm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ. Năm 2006, theo nghiên cứu của WHO[6] về BHSS trên 50 nước trên thế giới cho thấy tỷ lệ BHSS thấp nhất tại Quatar (0,55%) và cao nhất tại Hunduras (17,5%). Tại Việt Nam, trong những năm 1986 – 1990, tử vong do BHSS chiếm 27,5% tại Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ Sơ sinh. Tỷ lệ này giảm nhanh trong giai đoạn 1996 – 2001 còn 1,3% với tỷ lệ BHSS là 0,54% các thai phụ[5]. Tại Bệnh viện Hùng Vương tỷ lệ BHSS là 1,5% thai phụ đến sanh[1]. Tại bệnh viện Từ Dũ năm 2006, với việc áp dụng đo lượng máu mất sau sanh bằng túi đo máu xác định có 164 trường hợp BHSS trong số 44.675 thai phụ sinh chiếm tỷ lệ 0,38%[2].

    Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong mẹ vào khoảng 7 – 10/100.000 trẻ sinh sống, trong đó có khoảng 8% tử vong do BHSS (Berg, 1996). Ở những nước công nghiệp, BHSS luôn ở trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ cùng với thuyên tắc ối và rối loạn huyết áp trong thai kỳ. Nghiên cứu WHO về tử vong mẹ tại Châu Phi[14] đưa ra các nguyên nhân tử vong mẹ như sau: vỡ tử cung (8%); rối loạn huyết áp (12%), sẩy thai (13%); nhiễm trùng (15%); BHSS (25%). Tại một số nước khác tỷ lệ tử vong mẹ do BHSS chiếm tỷ lệ cao hơn[6] : Indonesia (43%); Philippines (53%) v Guatemala (53%). Duthie[9] khảo sát các trường hợp tử vong mẹ tại Châu Á cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ do BHSS tại Nhật Bản (1986 – 1990) là 39%; tại Hồng Kông (1961 – 1985) là 34%; tại Ấn Độ (1993 – 1998) là 27,65%; tại Indonesia (1995 – 1999) là 41%; tại Ả rập Saudi (1983 – 2002) là 43,75%; tại Sri Lanka là 20% và Bangladesh là 27,9%. Tỷ lệ này tại các nước phát triển thấp hơn[17]: Vương quốc Anh (16%); tại Mỹ giai đoạn 1987 – 1990 là 28,7%, giai đoạn 1991 – 1999 là 17%; tại Pháp là 13%. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bộ Y tế năm 2002 tại các tỉnh đại diện cho 7 vùng kinh tế nước ta thì tử vong mẹ chung cho toàn quốc được ước tính là 165/100.000 trường hợp sanh sống, trong đó BHSS chiếm tỉ lệ 31%.

    Trước đây, các nhà lâm sàng thường dựa vào các yếu tố nguy cơ để tiên lượng khả năng chảy máu của sản phụ sau đẻ. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy các trường hợp băng huyết sau sanh thường xảy ra ở những sản phụ không có yếu tố nguy cơ[4]. Do đó chúng tôi quyết định tiến hành đề tài: “Khảo sát các yếu tố nguy cơ của băng huyết sau sanh” nhằm làm sáng tỏ vấn đề trên. Vì nguồn nhân lực có hạn, nên đề tài chỉ tiến hành khảo sát tại bệnh viện Từ Dũ trong năm 2008.

    * Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf.

    Files Attachment

    Connect with Tu Du Hospital