Căn cứ theo công văn số 4000/SYT-NVY về hướng dẫn quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cho các đơn vị trực thuộc chuyên môn do sở y tế quản lý, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ ban hành quy định đối với hoạt động nghiên cứu khoa học tại bệnh viện như sau:

    1. Quy định chung:

    -  Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học được tiến hành tại bệnh viện đều phải thông qua Hội đồng Khoa học để đánh giá, xét duyệt và nghiệm thu về mặt khoa học và y đức (gọi là Hội đồng xét duyệt/ nghiệm thu);  

    - Thời gian thực hiện đề tài tại bệnh viện không quá 36 tháng. Các trường hợp đặc biệt do Giám đốc Bệnh viện quyết định;

    - Đề tài không do Bệnh viện chủ trì, thu thập số liệu tại Bệnh viện phải có nhân viên của Bệnh viện hướng dẫn thu nhận số liệu;

    - Đề tài có cùng nội dung nghiên cứu, không được đăng ký nhiều lần và ở nhiều nơi để nhận thêm kinh phí nghiên cứu;

    - Các hoạt động xét duyệt, giám sát và nghiệm thu đề tài NCKH được tuân thủ theo các quy trình về hoạt động nghiên cứu khoa học hiện hành tại bệnh viện.

    2. Quy định về chủ nhiệm và thành viên tham gia đề tài NCKH cấp cơ sở:

    - Mỗi đề tài NCKH cấp cơ sở có tối đa 02 đồng chủ nhiệm;

    - Đối với đề tài sử dụng kinh phí một phần hoặc toàn phần từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học (SNKH) của Bệnh viện, mỗi cá nhân không đồng thời làm chủ nhiệm hoặc đồng chủ nhiệm nhiều hơn 02 đề tài (cho đến khi nghiệm thu và quyết toán xong);

    - Đối với đề tài sử dụng kinh phí toàn phần từ nguồn tài trợ (hợp tác quốc tế, công ty,… ) thì mỗi cá nhân có thể đồng thời làm chủ nhiệm hoặc đồng chủ nhiệm không được quá 04 đề tài (cho đến khi nghiệm thu và quyết toán xong);

    - Chủ nhiệm đề tài chịu trách nhiệm chính đối với việc tiến hành nghiên cứu:

    • Tổ chức hoạt động nghiên cứu theo đúng tiến độ như trong thuyết minh nghiên cứu đã đăng ký.
    • Thực hiện đúng các quy định về giám sát giữa kỳ.
    • Viết báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đúng như quy định của bệnh viện.

    - Cá nhân đăng ký thực hiện đề tài bị trễ hạn quá 18 tháng chưa nghiệm thu, chưa quyết toán (không chứng minh được lý do khách quan) sẽ không được đăng ký thực hiện đề tài trong 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm nghiệm thu hoặc thanh lý và quyết toán kinh phí, hoặc bị xuất toán thu hồi lại kinh phí đã cấp;

    - Cá nhân có tên trong danh sách những người tham gia đề tài nghiên cứu nào thì không được có tên trong danh sách Hội đồng xét duyệt/ nghiệm thu đề tài nghiên cứu đó;

    - Tùy theo nội dung và phạm vi nghiên cứu, Chủ tịch hội đồng xét đề cương quyết định số thành viên tham gia đề tài (thông thường đề tài cấp cơ sở có tối đa 10 thành viên tham gia).

    3. Quy định về xét duyệt, nghiệm thu đề tài

    - Chủ nhiệm đề tài phác thảo ý tưởng nghiên cứu và lập Hồ sơ đăng ký theo mẫu quy định, nộp về phòng Quản lý chất lượng (Phụ lục 1).

    - Phòng Quản lý chất lượng sẽ tổ chức cuộc họp xét duyệt ý tưởng nghiên cứu định kỳ mỗi 2 tuần.

    -  Khi ý tưởng nghiên cứu được hội đồng thông qua, chủ nhiệm đề tài sẽ hoàn chỉnh đề cương chi tiết theo quy định của bệnh viện (Phụ lục 2).

    - Phòng Quản lý chất lượng tổ chức xét duyệt đề cương theo quy trình hiện hành của Bệnh viện.

    -  Đề cương nghiên cứu, báo cáo nghiệm thu được bảo vệ tối đa 2 lần.

    - Các kết quả nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ được Bệnh viện khen thưởng.

    4. Quy định về kinh phí thực hiện nghiên cứu:

    - Kinh phí các nghiên cứu được cấp từ nguồn ngân sách của bệnh viện. Tùy thuộc vào tính cấp thiết của đề tài, cỡ mẫu nghiên cứu, hình thức thu thập số liệu; hội đồng xét duyệt đề cương sẽ quyết định kinh phí tối đa không quá 25 tiệu đồng cho mỗi đề tài.

    -  Kinh phí quản lý đề tài:

    • Đối với các đề tài thu nhận số liệu tại bệnh viện:        500.000 đồng.
    • Đối với các đề tài do bệnh viện cấp mã số quản lý:    5% tổng kinh phí được duyệt.

    - Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

     

     

    GIÁM ĐỐC
    (đã ký)

    ThS. BS. Lê Quang Thanh

    BS. Phạm Thanh Hải

    Connect with Tu Du Hospital