Cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác" do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động được các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theolời Bác do T.Ư Ðoàn vừa tổ chức trọng thể tại Hà Nội, đã tuyên dương những tập thể, cá nhân đến từ khắp mọi miền Tổ quốc có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng này.
Những mô hình làm theo lời Bác
Chương trình xây dựng "Chi đoàn 3 tốt" được phát động tại xã Ðồng Cương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và như một "làn gió mới" thổi đến các cơ sở đoàn, bước đầu tạo chuyển biến tích cực về hiệu quả tổ chức và hoạt động, giúp các chi đoàn phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị. Xây dựng "Chi đoàn 3 tốt" trước hết tổ chức sinh hoạt chi đoàn tốt, mỗi tháng một lần theo quy định. Chú trọng việc sinh hoạt theo chuyên đề, chủ điểm các ngày lễ lớn với các nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hình thức linh hoạt để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia. Thứ hai là, quản lý đoàn viên tốt về hồ sơ, sổ sách, và nhất là thực hiện hoạt động: Sổ vàng "Nhật ký làm theo lời Bác" và sổ đoàn viên dành cho đoàn viên. Tiêu chí thứ ba của "Chi đoàn 3 tốt" là, tổ chức phong trào tốt.
Nhiều cơ sở đoàn ở thành phố mang tên Bác phát động phong trào: Viết blog làm theo lời Bác, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Một bài viết trong blog của chi đoàn KP3, phường Phú Thạnh (Tân Phú) tâm sự: "Làm theo lời Bác không phải bắt đầu từ những vấn đề to lớn, những triết lý vĩ đại, mà chính là từ những sinh hoạt đời thường, bình dị nhất của Người, bởi đó chính là cái gốc, cái căn cơ nhất để hình thành nhân cách một con người". Blog "Nhật ký vàng" của chi đoàn KP5, phường Phú Thạnh gửi đến người đọc nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ được sưu tầm, các bạn trong Chi đoàn còn tìm thêm những tấm gương sống đẹp, sống có ích của bạn bè trong khu phố để viết, để cùng chia sẻ và học tập. Bạn Lê Hồ Ngọc Dung đã giới thiệu một tấm gương gần gũi với mọi người trong khu dân cư qua bài viết "Tấm gương sáng giữa đời thường". Ðó là bạn Ðào Vân Thy, hiện học trung cấp y dược, gia đình khó khăn, đông anh em nhưng vẫn học rất giỏi, ngày ngày đi dạy thêm, làm hàng lưu niệm để phụ giúp gia đình... Thy còn là cây văn nghệ của khu phố và hoạt động tình nguyện nào cũng có Thy tham gia. "Mình thích nhất lời dạy của Bác "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ" và lấy đó làm phương châm sống cho mình, từ việc nhỏ sau này mới thành việc lớn" - Thy chia sẻ. Blog của Nguyễn Trần Thiên Bảo có rất nhiều hình ảnh cùng khoảng 50 bài viết, suy nghĩ về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước,với dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, Thiên Bảo đang thiết kế hẳn một website chuyên về cuộc đời sự nghiệp của Bác. Blog của một du học sinh ở Ô-xtrây-li-a tên Uyên có hình thức khá giản dị. Nói về Bác Hồ kính yêu, Uyên viết: Với kiến thức của mình, tôi nghĩ rằng, trên thế giới này rất hiếm khi gặp được một người lãnh đạo đất nước có cuộc sống tiết kiệm và thanh cao như Bác Hồ. Sống ở nước ngoài, tôi phải đi làm cật lực mới kiếm đủ tiền nhà và sinh hoạt, vì vậy, tôi càng thấu hiểu về Bác và luôn tự nhủ với lòng phải cố gắng tiết kiệm hơn nữa, làm được nhiều điều có ích hơn nữa trong cuộc sống.
Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai cuộc thi viết "Nhật ký điện tử" (blog) với chủ đề "Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác". Tất cả thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố có thể tham gia theo hình thức cá nhân hoặc tập thể. Mỗi blog có ít nhất năm bài viết có nội dung liên quan chủ đề cuộc thi.
Những bông hoa trong vườn Bác
Dự Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần này có 500 đại biểu thanh niên, những bông hoa trong vườn Bác, với nhiều thành tích và việc làm có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi gặp Trần Trung Kiên (Công an Ðiện Biên), trong bốn tháng đầu năm 2009 đã cùng đồng đội điều tra khám phá 18 vụ án, bắt giữ 25 đối tượng phạm tội về ma túy, xóa một tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên. Tang vật thu giữ: 1.872 gam hê-rô-in, 2,302 kg thuốc phiện, 8 xe máy, 11 điện thoại di động. Ðặc biệt trong các đợt cao điểm tiến công, truy quét tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009, anh trực tiếp tham gia đấu tranh thành công ba chuyên án, bắt năm đối tượng buôn bán ma túy đặc biệt nguy hiểm. Anh còn tích cực tham gia các phong trào Ðoàn, là một bí thư chi đoàn anh cùng các đồng chí trong BCH chi đoàn trong những năm vừa qua đã thực hiện tốt các phong trào do T.Ư Ðoàn, Tỉnh đoàn Ðiện Biên cũng như Ban thanh niên Công an tỉnh phát động.
Tác giả bộ giáo trình tin học đầu tiên dành cho người khiếm thị ở Việt Nam là một thanh niên khiếm thị mang tên Ðặng Hoài Phúc. Ðầu năm 2002, khi Phúc hoàn thành giáo trình tin học này anh mới 20 tuổi và đến thời điểm hiện nay, giáo trình tin học của anh vẫn được sử dụng như giáo trình cơ bản trong chương trình dạy tin học cho người khiếm thị tại Việt Nam. Ðặng Hoài Phúc sinh năm 1982, ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lên 9 tuổi, một tai nạn đến với Phúc khi quả mìn còn sót lại sau chiến tranh dưới gốc cây mai sau vườn nhà phát nổ và anh vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng từ đó. Biết mình không thể dừng việc học tập, Phúc lên TP Hồ Chí Minh học ở trường dành cho học sinh khiếm thị Bừng Sáng. Những cuốn sách chữ nổi đã phần nào đem lại một chân trời kiến thức cho Phúc. Không ngại khổ, ngại khó, xa cha mẹ, đi thuê nhà, Phúc luôn cố gắng tự mình lo lấy mọi công việc từ vệ sinh cá nhân tới nấu ăn. Ít ai biết rằng chàng trai khiếm thị giản dị ấy học giỏi cả tiếng Anh và vi tính. Năm 1999, lần đầu Phúc tiếp xúc tin học khi tham gia dự án dạy tin học cho học sinh khiếm thị tại trường Bừng Sáng. Thời gian đầu làm quen với máy tính, Phúc gặp một vài khó khăn do máy tính được thiết kế trực quan, chủ yếu dùng thị giác để sử dụng. Tuy nhiên, Phúc đã dần dần làm chủ máy vi tính sau thời gian tự tìm hiểu. Chẳng bao lâu sau, anh đã trở thành thầy giáo dạy tin học tại trường Bừng Sáng và nhiều cơ sở giáo dục cho người khiếm thị khác. Tham gia các dự án tin học khác nhau do các cơ quan chức năng hỗ trợ, Phúc tự hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Anh và tiếp cận nhiều kỹ thuật tin học mới. Năm 2002, khi tin học vẫn còn khá mới lạ đối với nhiều người thì Phúc đã hoàn thiện bộ giáo trình dạy tin học đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Việt Nam.
Ðược Ðại hội tuyên dương có Ksor Hyam (29 tuổi), người đưa nước từ khe Ia Peo trên núi Chư Krăng về cho dân làng Làng Yar, xã Chư Ðăng Ya, huyện Chư Păh (Gia Lai) sinh hoạt và tưới tiêu; Trần Ðức Kiên, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam), người tích cực tham gia vào chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa, tập trung phát triển nghề truyền thống tráng bánh đa nem của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên... cùng nhiều bạn trẻ tiêu biểu đã hưởng ứng Cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác" bằng nhiệt huyết và trái tim trong sáng.
Theo Trung Ương Đòan, ND