ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Bệnh lý viêm vùng chậu là gì?
Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng các cơ quan sinh dục nữ. Đây là một bệnh lý thường gặp. Viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn di chuyển ngược dòng từ âm đạo và cổ tử cung lên trên tử cung đến ống dẫn trứng và buồng trứng. Vi khuẩn có thể gây viêm hoặc áp xe ở ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm vùng chậu có thể đưa đến các hậu quả lâu dài lên chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Nhiễm lậu và chlamydia là hai nguyên nhân chính gây viêm vùng chậu. Triệu chứng khi nhiễm lậu và chlamydia khá mơ hồ và đôi khi không có triệu chứng. Khi người phụ nữ bị nhiễm lậu hoặc chlamydia, chúng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển thành viêm vùng chậu. Đôi khi viêm vùng chậu cũng bị gây ra bởi các nhiễm trùng khác không lây qua đường tình dục như viêm âm đạo do vi khuẩn.
Ai là người có nguy cơ bị viêm vùng chậu?
Viêm vùng chậu có thể xảy ra ở phụ nữ có hoạt động tình dục ở bất kỳ độ tuổi nào và thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ dưới 25 tuổi.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ dưới đây khiến bạn dễ bị viêm vùng chậu:
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường là lậu và chlamydia.
- Quan hệ tình dục với nhiều người hoặc bạn tình của bạn có quan hệ với nhiều người khác.
- Có tiền căn từng bị viêm vùng chậu.
Ảnh hưởng lâu dài của viêm vùng chậu:
Phần lớn trường hợp viêm vùng chậu có đáp ứng rất tốt với điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn hoặc nhiễm trùng kéo dài, viêm vùng chậu có thể để lại các hậu quả nghiêm trọng bao gồm:
- Tổn thương xơ sẹo ở ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung hoặc khó có thai trong tương lai. Khoảng 1/10 phụ nữ có viêm vùng chậu bị vô sinh do các tổn thương gây tắc ống dẫn trứng, ngăn cản trứng được thụ tinh.
- Gây áp xe ở ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng: áp xe tạo nên các tổn thương vĩnh viễn lên vòi trứng gây mất chức năng vòi trứng. Nếu điều trị nội khoa không thành công, bạn cần phải mổ để cắt bỏ ống dẫn trứng và/ hoặc buồng trứng.
- Gây đau vùng chậu mạn tính.
Phần lớn viêm vùng chậu có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Do biểu hiện bệnh đôi khi mơ hồ và không nặng nề, một số phụ nữ có thể dễ dàng bỏ qua nó và không đến gặp bác sĩ, dẫn đến việc điều trị bị trì hoãn hoặc không được điều trị, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Do đó, khi bạn là người có yếu tố nguy cơ cao bị viêm vùng chậu hoặc khi có một số triệu chứng dưới đây, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến các hậu quả lâu dài.
Một số triệu chứng khi có viêm vùng chậu cấp tính:
- Dịch tiết âm đạo (huyết trắng) bất thường.
- Đau vùng bụng dưới (thường chỉ đau nhẹ) hoặc đau vùng thắt lưng.
- Xuất huyết âm đạo bất thường
- Sốt và lạnh run
- Buồn nôn và nôn
- Đau khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục.
Có một trong các triệu chứng trên không hoàn toàn có nghĩa là bạn đã bị viêm vùng chậu, nó chỉ là một dấu hiệu gợi ý cho bệnh lý này. Để chẩn đoán xác định, bạn cần được khám phụ khoa và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như đếm tế bào máu, siêu âm phụ khoa, xét nghiệm tìm lậu hoặc chlamydia …
Viêm vùng chậu có thể điều trị được bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp loại bỏ nhiễm trùng, không thể giúp phục hồi được các tổn thương sẹo đã hình thành của ống dẫn trứng. Càng kéo dài thời gian viêm nhiễm không được điều trị, càng làm tăng các ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe sinh sản, như vô sinh. Do đó, điều quan trọng là phát hiện bệnh và điều trị sớm để làm giảm các ảnh hưởng lâu dài lên chức năng sinh sản.
Các biện pháp giúp phòng ngừa viêm vùng chậu:
Nên phòng ngừa viêm vùng chậu, đặc biệt đối với những phụ nữ có nguy cơ cao:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su ngay cả khi bạn đã áp dụng một phương pháp khác để ngừa thai.
- Quan hệ tình dục với chỉ 1 đối tượng và là người không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/pelvic-inflammatory-disease