Ds. Nguyễn Thị Thúy Anh
Khoa Dược – Bv Từ Dũ
NHS Clinical Knowledge Summaries
I. TỔNG QUÁT
- Buồn nôn và nôn ói là những triệu chứng thường gặp ở phần lớn phụ nữ trong giai đoạn đầu thai kỳ.
- Buồn nôn và nôn còn được gọi là “bệnh buổi sáng”, nhưng triệu chứng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong ngày. Khoảng 2-4% số phụ nữ chỉ có triệu chứng vào buổi sáng và 80-95% số thai phụ có cảm giác khó chịu cả ngày.
- Mức độ thay đổi từ buồn nôn nhẹ đến các triệu chứng đe dọa tính mạng.
- Đa số các trường hợp chỉ xảy ra triệu chứng nhẹ, nhưng ảnh hưởng trên sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của thai phụ có thể chưa được đánh giá đầy đủ.
- Chứng nôn ói nhiều trong thai kỳ là dạng nặng nhất, các triệu chứng buồn nôn và nôn kéo dài dai dẳng gây tình trạng mất nước, ketone niệu, mất cân bằng điện giải và giảm hơn 5% cân nặng so với trước lúc mang thai.
- Sinh lý bệnh học chưa được biết rõ và có thể có nhiều yếu tố ảnh hưởng :
- Hormone :
Human chorionic gonadotrophin (hCG) đạt nồng độ đỉnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, và tăng cao trong một số tình huống có liên quan đến chứng buồn nôn và nôn trong thai kỳ (thai trứng và đa thai) [Davis, 2004]. Tuy nhiên, không tìm thấy mối liên hệ chắc chắn giữa mức độ buồn nôn, nôn ói và nồng độ hCG.
Nồng độ oestrogen cao có liên quan đến sự gia tăng tần suất buồn nôn và nôn trong thai kỳ [ACOG, 2004; Davis, 2004].
- Rối loạn nhu động dạ dày ruột kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày và giảm áp lực cơ thắt thực quản.
- Rối loạn hệ thần kinh tự động có liên quan đến những biến đổi sinh lý trong thai kỳ về thể tích máu, nhiệt độ, nhịp tim và kháng lực mạch máu.
- Thiếu dinh dưỡng : thiếu hụt vitamin B6 đã được ghi nhận ở các thai phụ [Czeizel et al, 1992] và việc sử dụng vitamin B6 trong thời kỳ mang thai giúp cải thiện mức độ buồn nôn [Jewell and Young, 2003].
- Các yếu tố tâm lý : vài phụ nữ mang cảm xúc mâu thuẫn hoặc chối bỏ thai kỳ, nhất là nếu việc mang thai không được định trước [Davis, 2004]. Giả thuyết khác là tâm lý căng thẳng ở thai phụ có thể chuyển đổi thành các triệu chứng thực thể [Buckwalter and Simpson, 2002].
- Bất thường chức năng gan : phụ nữ mắc chứng nôn nhiều trong thai kỳ thường có các xét nghiệm chức năng gan bất thường; tuy nhiên, điều này có thể do các bệnh lý khác gây ra.
- Chuyển hóa lipid : sự chậm đáp ứng của gan đối với sự gia tăng nồng độ các hormone trong thai kỳ có thể gây chứng nôn nhiều trong thai kỳ và sự dao động mức lipid và lipoproteins trong huyết thanh.
- Nhiễm Helicobacter pylori có liên quan đáng kể đến chứng nôn nhiều trong thai kỳ [Kocak et al, 1999; Shirin et al, 2004]. Có 5 trường hợp được báo cáo có sự cải thiện các triệu chứng sau khi điều trị với erythromycin hoặc phối hợp giữa các kháng sinh và chất ức chế bơm proton hay chất đối kháng thụ thể H2 [Kuscu and Koyuncu, 2002].
- Nồng độ thyroxine cao có liên quan đến chứng nôn nhiều trong thai kỳ. Hormone hCG, có chung tiểu đơn vị alpha với hormone TSH, tác động như chất kích thích tuyến giáp. Nồng độ hCG giảm dần cùng với chứng nôn ói khi thai kỳ tiến triển. [DTB, 1995].
- Buồn nôn và nôn trong thai kỳ có thể đóng một vai trò chức năng.
- Một giả thuyết cho rằng sự gia tăng nhạy cảm với mùi là biện pháp bảo vệ tự nhiên, giúp thai phụ nhận biết rõ hơn các tác nhân độc hại trong môi trường.
- Giả thuyết khác cho rằng duy trì nồng độ thấp của insulin trong 3 tháng đầu thai kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển ban đầu của nhau thai. [Huxley, 2000]. Hormone hCG được chứng minh có tác động lên tuyến giáp, kích thích sản xuất và phóng thích thyroxine, yếu tố giúp phát triển nhau thai. Trong khi đó, insulin được ghi nhận là ức chế sự bài tiết hCG vào 3 tháng đầu thai kỳ và do đó cản trở sự phát triển nhau thai. [Kuscu and Koyuncu, 2002; Jewell and Young, 2003; ACOG, 2004; Davis, 2004]
II. TẦN SUẤT
- Chứng nôn nhiều trong thai kỳ chiếm 0.3% - 2% tổng số thai phụ.
- Sự gia tăng tần suất có liên quan đến :
- Đa thai
- Mẹ hay chị em gái bị buồn nôn hay nôn trong thai kỳ
- Có buồn nôn và nôn trong thai kỳ lần trước
- Thai trứng
- Chưa sanh lần nào
- Thai kỳ không định trước
- Bào thai có giới tính nữ
- Không hút thuốc
- Tình trạng kinh tế - xã hội thấp
- Tuổi của mẹ còn trẻ
- Biểu hiện nhân cách phụ thuộc
- Béo phì
- Tinh thần căng thẳng
- Tần suất thấp hơn được ghi nhận ở những người hút thuốc và ở phụ nữ bị sẩy thai.
- Chỉ số BMI thấp có liên quan đến tăng tần suất buồn nôn và nôn trong thai kỳ theo một nghiên cứu quan sát ở 41 phụ nữ [Ben-Aroya et al, 2005].[Abell and Riely, 1992; ACOG, 2004; Davis, 2004]
* Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf.