CNHS. Huỳnh Thị Ánh Nguyệt
    Phòng Điều dưỡng - BV Từ Dũ

    Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Mục đích, lý tưởng của Đoàn là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

    Sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

    Sau khi dự Đại hội Quốc tế TNCS lần thứ IV (1924), đồng chí Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu (Trung Quốc), quan hệ chặt chẽ với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm Tâm Xã. Tháng 6/1925, Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ra đời. Hội tích cực chăm lo chuẩn bị xây dựng Đoàn TNCS – tổ chức của thanh niên sau này. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1930, Trung ương Đảng đề ra nghị quyết về công tác vận động thanh niên. Đến đầu năm 1931, các cơ sở Đoàn được xây dựng  trên hầu hết khắp cả nước. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng.

    Từ thực tế đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần II họp tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26/03/1931 ra Nghị quyết về công tác thanh niên và xác định nhiệm vụ “cần kíp tổ chức ra Thanh niên Cộng sản Đoàn”. Vì thế, ngày 26/03/1931 được xem là ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ở thời điểm này trên toàn quốc đã có nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên, một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến tỉnh.

    Như vậy, quá trình hình thành tổ chức Đoàn TNCS ở Việt Nam gắn liền với vai trò sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/03 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quang vinh và của tuổi trẻ Việt Nam nói chung.

    Trải qua các thời kỳ lịch sử, từ khi thành lập Đoàn TNCS HCM đã có các tên gọi sau:
    – Từ 1931 đến 1937: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
    – Từ 1937 đến 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
    – Từ 1939 đến 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
    – Từ 1941 đến 1955: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Đông Dương.   

    * Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết:
       + Ở Miền bắc:
          – Từ 1955 đến 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
          – Từ 1970 đến 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.

      + Ở Miền nam:
          – Từ 1955 đến 1961: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
          – Từ 1962 đến 1973: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền  Nam.
          – Từ 1973 đến 1976: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ  Chí Minh.

    * Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng:
          – Từ 1976 đến 1977: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
          – Từ 1977 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

    Qúa trình rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh

    Ngay từ khi mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã phát huy được vai trò xung kích, với những gương đoàn viên hy sinh, chiến đấu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, xứng đáng là cánh tay đắc lực và là đội dự bị của Đảng.

    • Cao trào đấu tranh những năm 1930 – 1931 – với đỉnh cao Xô Viết – Nghệ Tĩnh – là trận thử lửa đầu tiên đối với lớp đoàn viên, thanh niên cộng sản của Đoàn ta. Cũng trong trận thử lửa này, lịch sử đã để lại tấm gương oanh liệt của người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác” – câu nói đã trở thành phương châm hành động của tuổi trẻ Việt Nam.
    •    
    • Trong phong trào đấu tranh chống bọn phản động, thuộc địa, đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống của công nhân và lao động làm thuê, như: giảm giờ làm, tăng tiền lương tối thiểu, cấm cúp phạt bằng tiền, có chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ, ra sắc lệnh "ân xá" tù chính trị ở Đông Dương.
    •    
    • Trong cao trào giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Thanh niên Việt Nam đã cùng toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ  tịch Hồ Chí Minh: "Quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập".  Thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
    •    
    • Trong cuộc đấu tranh bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên hoạt động một cách công khai dưới chế độ mới và trưởng thành nhanh chóng về tư tưởng, tổ chức. Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", thanh niên cả nước đã một lòng cùng toàn dân nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần xả thân vì độc lập tự do, như Lê Gia Định - người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã hy sinh anh dũng và được truy tặng danh hiệu  cao quý "Cảm tử quân số 1 của Thủ đô". Tinh thần của anh cũng là khẩu hiệu hành động của tuổi trẻ: 

    "Không có việc gì khó
      Chỉ sợ lòng không bền
      Đào núi và lấp biển
      Quyết chí ắt làm nên"  

    • Trong công cuộc  giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, đội tiên phong chiến đấu và chiến thắng. Đại thắng mùa xuân 1975 lại tô thắm thêm truyền thống của Đoàn.
    •    
    • Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tuổi trẻ Việt Nam tiếp tục gánh vác sứ mệnh to lớn là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, theo đường lối đổi mới của Đảng, Đoàn phát động thanh niên phong trào "tình nguyện  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
    •    
    • Trong công cuộc  đổi mới của Đảng, tuổi trẻ Việt Nam đã "hành quân theo bước chân những  người anh hùng", "hành quân theo chân Bác", tiếp bước cha anh đi  đầu trong công cuộc đổi mới, 2 phong trào "thanh niên lập nghiệp",  "tuổi trẻ giữ nước" đã động viên hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, chiến đấu, học tập,  xây dựng cuộc sống mới.
           
      Để ghi nhận công lao to lớn của tuổi trẻ Việt Nam 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng cho Đoàn và phong trào thanh niên nước ta: 10 huân chương kháng chiến, 13 huân chương lao động, 1 huân chương Độc lập, 3 huân chương Hồ Chí Minh, 1 huân chương Sao vàng và hàng trăm đoàn viên thanh niên được Nhà nước tặng danh  hiệu anh hùng, trong đó Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã được trao tặng danh  hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Độc lập hạng Nhì, nhân  dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đoàn.
    •  

    Truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

    Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt và xây dựng cho mình những truyền thống tốt đẹp từ thực tiễn đấu tranh và hành động của Cách mạng, đó là:

    • Truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó thiết tha, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân và với chế độ XHCN.
         
    • Truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề, dám đi đến những nơi khó khăn, gian khổ, dám suy nghĩ sáng tạo… để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua đó thực hiện tốt lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, việc gì  khó có thanh niên”.
    •    
    • Truyền thống gắn bó đoàn kết trong lớp người cùng lứa tuổi, trong các tổ chức Đoàn và Hội; đoàn kết gắn bó với nhân dân; thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, đặc biệt là vào những thời điểm phải đối mặt với kẻ thù hay thiên tai.
    •    
    • Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết để tự mình nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học –  kỹ thuật, quản lý và quân sự,…say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, để cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc và của Đảng. 

    Từ năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đoàn thanh niên bệnh viện đã luôn sát cánh, đồng hành cùng nhân  dân cả nước, đồng nghiệp bệnh viện… chung tay bảo vệ đất nước, xây dựng và phát triển bệnh viện, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, dự phòng và điều trị bệnh cho nhân dân TP. HCM và cả nước. Đoàn TN bệnh viện Từ Dũ đã chứng minh được vai trò xung kích, năng động, sáng tạo trong lao động, học tập, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, là những phẩm chất quý báu của tuổi trẻ, của  thanh niên Việt Nam.

    Đoàn thanh niên bệnh viện Từ Dũ đã liên tục là cơ sở Đoàn xuất sắc, dẫn đầu ngành y tế TP. HCM trong nhiều năm liền, nhiều năm liền được bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS HCM  Ủy Ban Nhân dân TP. HCM , Thành đoàn TP. HCM, Sở Y tế, Đoàn thanh niên bệnh viện Từ Dũ cũng nhiều lần được xuất sắc 3 năm liền (năm 2004, 2007, 2011).

    Phát huy những truyền thống quý báu nêu trên, các thế hệ đoàn viên ở nước ta đã tiếp bước theo nhau góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thắng lợi hết sức to lớn, những kỳ tích vẻ vang trong thế kỷ XX làm cho Tổ quốc XHCN của chúng ta có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, vững bước tiến vào thế kỷ XXI.

    Connect with Tu Du Hospital