Lê Khánh Toàn đang chăm sóc vườn cam.
Từ ý tưởng… đến hiện thực
Bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp lớp 12 đều chọn con đường đại học để tiến thân. Hà Tĩnh là vùng đất học, mỗi năm số học sinh đăng ký thi vào đại học lên đến hàng vạn. Người người đua chen vào đại học. Những ai thi đại học trượt, hoặc trượt tốt nghiệp thì khăn gói vào các khu chế xuất ở miền Nam.
Dọc tuyến quốc lộ từ Hồng Lĩnh đến đèo Ngang, tháng 9 (sau hè) hay tháng 2 (sau tết) nườm nượp thanh niên từ Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, balô, khăn gói chờ xe vào Nam. Toàn là một trong những thanh niên hiếm hoi quyết định ở lại làng quê của mình cho dù Đức Bồng, Vũ Quang - quê hương của Toàn còn nhiều khó khăn vất vả.
Mười chín tuổi, Toàn đã tìm hướng phát triển kinh tế vườn đồi. “Khi đó, em phải đối mặt với 5 khó khăn: Một là vốn. Nếu đi học đại học, cao đẳng, cha mẹ có thể vay vốn ngân hàng đến hàng chục triệu đồng đầu tư; nhưng vay vốn để phát triển kinh tế vườn đồi không dễ dàng thuyết phục cha mẹ. Hai là “trẻ ranh” “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Ba là giống cây trồng. Bốn là làm vườn không phải là thế mạnh của tuổi trẻ. Năm là buổi đầu “đơn thương, độc mã” - Toàn tâm sự.
“Động lực nào giúp Toàn cắm chân ngay trên mảnh đất quê hương?”.
Toàn chậm rãi: “Thật ra câu chuyện về người thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước lúc 21 tuổi với 2 bàn tay trắng đã ám ảnh em. Cứ mỗi lần nản chí, nao lòng, là em lại thấy trước mắt mình hiện lên hình ảnh Nguyễn Ái Quốc. Điều ấy đã gieo vào lòng em một niềm tin và nghị lực”.
Năm 2000, mới 19 tuổi, Toàn quyết định mua lại quyền sử dụng 3ha đồi của ông Lê Tuyên (xóm 5, xã Đức Bồng) ở vùng Rú Đò. Khu đất này một phần diện tích khai hoang từ năm 1982 nên bạc màu, phần còn lại chỉ sim mua và cây dại. Có đất thế là Toàn lên với đất. Một túp lều chái 28 tấm phibrôximăng, xa đường, xa chợ, không điện.
Ngày bạt đồi, xẻ luống. Đêm bùi nhùi, muỗi rừng bay vào nhà tán loạn. Mùa hè, nắng nóng vùng sơn cước sém da. Đa đa kêu giội vào vách núi. Ngày đông lạnh thấu xương. Đêm núi rừng, mưa dấm dẳn, gió hú ghê rợn. Nhiều lúc Toàn nản lòng định bỏ cuộc, nhưng những lúc như vậy, hình ảnh: “Một hòn gạch đỏ nung tâm huyết / Một mẩu mì con nuôi chí bền” của Nguyễn Ái Quốc những năm tháng hoạt động cách mạng trên đất Pháp lại hiện về động viên, khích lệ Toàn.
“Có ý tưởng chưa đủ. Quan trọng nhất là biến ý tưởng thành hiện thực. Ý tưởng trồng cây ăn quả nảy sinh từ lúc em học lớp 12. Thi tốt nghiệp xong, em không thi đại học, mà quyết định mua trang trại. Và cũng quyết định rất nhanh đầu tư trồng cam chanh sau khi đã tìm hiểu thổ nhưỡng...” - Toàn trao đổi.
Hai năm cật lực không nghỉ ngơi, Toàn đã đào làm luống, đào hố, ủ phân cho hơn 200 gốc. Năm 2002, có 200 gốc cam chanh được trồng xuống. Đất tơi, xốp, cam bén rễ vụt dậy xanh tốt. Năm 2003, trồng thêm được 150 gốc nữa... Do chưa có kinh nghiệm chọn giống, nên 20% bị chết, 10% bị bệnh.
Toàn đã tìm được sách kỹ thuật chăm sóc, học hỏi những người trồng vườn lâu năm, nên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý từ chọn giống, ươm cành, đào hố, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... Đến nay, vườn cam nhà Toàn đã có gần 1.000 gốc. Mỗi mùa cho thu hoạch khoảng 8 tấn với trị giá xấp xỉ 100 triệu đồng. Có tiền, Toàn đã sắm được máy nổ, máy phun thuốc, làm được nhà cửa khang trang.
Cảm phục người thanh niên trẻ tuổi giàu nghị lực, Thuỷ đã đem lòng yêu thương. Năm 2005, khi cam chanh chín bói, họ tổ chức lễ thành hôn. Đến nay, Toàn và Thuỷ đã có một cháu trai 3 tuổi kháu khỉnh. Nhưng điều đáng nói nhất, chính là khẳng định một con đường, một lối đi: Làm giàu chính trên mảnh đất của quê hương mình.
Gợi mở một hướng đi
Anh Trần Đức Trường - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Đức Bồng - cho biết: “Xã đoàn đã triển khai nghị quyết của Ban chấp hành Huyện đoàn, triển khai các đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong phong trào ấy, xuất hiện nhiều điển hình, mà Lê Khánh Toàn là một trong những tấm gương tiêu biểu đó. Từ Lê khánh Toàn gợi mở một hướng lập thân, lập nghiệp phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, phát huy được sức mạnh, lợi thế của địa phương...”.
Được biết, Đức Bồng là xã miền núi, diện tích rừng chiếm 3/4. Nhiều vùng đất trống, đồi trọc vẫn chưa được khai phá. Nhiều vùng rừng núi chưa được khơi dậy tiềm năng. Chỉ tính riêng thôn Bồng Thượng, xã Đức Bồng trong năm 2008 (do biến động kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa) gần 100 thanh niên Thượng Bồng đi làm ăn xa mất việc bỏ về không chỉ là gánh nặng cho gia đình, mà còn là gánh nặng cho cả cộng đồng dân cư. Trong số đó, 1/3 khi về quê mang theo vợ (hoặc chồng), con đang là một bài toán nan giải cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Do vậy, mô hình trang trại của Lê Khánh Toàn sẽ là một gợi ý thú vị.
Toàn vui vẻ trao đổi với tôi sẵn sàng tư vấn về kỹ thuật, trợ giúp về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm đối với những người có chí hướng. Mà không phải chỉ riêng Toàn, tại xã Đức Bồng đã hình thành các nhóm thanh niên lập nghiệp, trong đó nhóm phát triển kinh tế vườn đồi của Toàn có 8 thành viên, do anh Lê Ngọc Lâm (sinh năm 1974) làm nhóm trưởng.
Nhóm ra đời không chỉ động viên nhau về tinh thần, mà tạo được sức mạnh tập thể trong hùn vốn, trong chung sức, chung lòng bạt núi, xẻ đồi, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của chính mình. Trong cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu; tình yêu quê hương xứ sở bắt đầu từ tình yêu đất đai, rừng núi, tình yêu lao động đã mang đến cho con người niềm tin, sức mạnh và những điều căn bản để hoàn thiện mình.
Theo Đoàn thanh niên