Vừa qua, ngày 06/04/2023 tại bệnh viện Từ Dũ đã diễn ra hội thảo khoa học về Tăng đông huyết khối trong sản khoa – một vấn đề còn nhiều tranh luận trong giới chuyên gia Sản khoa và Huyết học.
Với sự điều hành của chủ tọa BSCKII Trần Ngọc Hải – Phó giám đốc điều hành bệnh viện Từ Dũ và bài trình bày của 2 báo cáo viên nhiều kinh nghiệm đến từ các bệnh viện bạn: PGS. TS. BS Huỳnh Nghĩa, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM và TS. BS Trần Thị Kiều My, giảng viên Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Đông máu của Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương, buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi và cập nhật được rất nhiều hiểu biết mới về vấn đề Tăng đông huyết khối trong sản khoa.
Bài báo cáo của PGS. TS. BS Huỳnh Nghĩa mang đến những cập nhật mới nhất trong Theo dõi điều trị huyết khối trong Sản khoa. Sử dụng thuốc chống đông máu và thuốc tan huyết trong thai kỳ là một cân nhắc quan trọng vì mang thai có liên quan đến nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) tăng gấp 5 lần, với nguy cơ tăng lên gấp 20 lần hoặc hơn trong thời kỳ hậu sản, nguy cơ tăng cao hơn nữa nếu có bệnh huyết khối tiềm ẩn, nguy cơ VTE vẫn tồn tại cho đến 12 tuần sau sinh.
Thai kỳ bình thường là một tình trạng tăng đông máu sinh lý. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có những thay đổi trong sự cân bằng giữa các hệ thống đông cầm máu và tiêu sợi huyết để ngăn ngừa xuất huyết quá mức trong quá trình bóc tách bánh nhau sau sinh.
Liệu pháp chống đông máu được chỉ định trong thai kỳ để điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) cấp tính và bệnh van tim, cũng như để phòng ngừa các biến chứng liên quan đến thai kỳ ở phụ nữ bị thiếu hụt antithrombin, hội chứng kháng thể kháng phospholipid hoặc các bệnh tăng đông máu khác.
Ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc VTE liên quan đến thai kỳ, Heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc Heparin không phân đoạn có thể được xem là chỉ định phù hợp trong thời kỳ mang thai. Trong đó, Heparin trọng lượng phân tử thấp là nhóm thuốc kháng đông được sử dụng ưa chuộng trong thai kỳ do dữ liệu nghiên cứu lớn về hiệu quả và sự an toàn cho mẹ và thai nhi.
Theo TS. BS Trần Thị Kiều My hiện nay xét nghiệm FM (Fibrin Monomer) đã cho thấy ưu thế vượt trội so với D-Dimer trong việc xác định tình trạng đang hoạt hóa hình thành huyết khối ở những phụ nữ có thai bình thường. Từ đó sẽ tối ưu hóa việc chỉ định điều trị kháng đông, thời điểm bắt đầu và kết thúc điều trị. Hầu hết phụ nữ mang thai đều có tăng D-Dimer, có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Trong khi đó, FM có nồng độ tương đối ổn định trong thai kỳ bình thường. FM là sản phẩm tạo ra trước khi cục máu đông được hình thành, phản ánh sự tăng hình thành thrombin. FM tăng là một dấu hiệu dự báo sớm tình trạng hình thành huyết khối.
Các khuyến cáo về chẩn đoán, điều trị và dự phòng thuyên tắc huyết khôi tĩnh mạch của hiệp hội tim mạch học quốc gia Việt Nam 2022 cũng được TS. BS Trần Thị Kiều My đưa vào thảo luận tại hội thảo.
Buổi hội thảo đã diễn ra thành công trong 4 giờ đồng hồ với tham gia của đông đảo nhân viên y tế đến từ bệnh viện Từ Dũ cũng như một số bệnh viện khu vực miền Nam. Phần tham luận đến từ Chuyên gia Di truyền y học TS. BS Nguyễn Khắc Hân Hoan và Chuyên gia Sản khoa BSCKII Trần Thiện Nhật Thiên Trang cũng như sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các bác sĩ và nhân viên y tế đối với vấn đề còn nhiều nan giải này. Những cập nhật khoa học kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị sẽ cung cấp cho nhân viên y tế và thai phụ những công cụ tốt nhất trong dự phòng và điều trị huyết khối trong thai kỳ.