CN Nguyễn Thị Minh Tâm 

Nghĩa mẹ, tình cha

Tại đơn vị Kangaroo của Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ, hình ảnh thường gặp là những em bé "nhỏ xíu như mèo con" đang yên ngủ trên lòng ngực ấm áp của ba mẹ, như chạm vào trái tim của không ít các bậc phụ huynh đưa con nhỏ đến tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ khoa Sơ sinh. Bỏ hết công việc hàng ngày, các ông bố vào bệnh viện, có khi cả tháng, để cùng mẹ luân phiên chăm sóc cho con. Hình ảnh ba, mẹ ấp ủ đứa con "đỏ hỏn" trong lòng với biết bao trìu mến, yêu thương, qua từng động tác vuốt ve, vỗ về êm ái - thậm chí “hắt hơi hay muốn ho cũng phải thật nhẹ để không làm bé giật mình”, gợi cho mọi người niềm cảm xúc mênh mang trước nghĩa mẹ, tình cha. Trong từng cử chỉ của mình, cả cha lẫn mẹ chỉ mong sao búp non mỏng manh, yếu ớt sớm được vươn mình lớn lên trong nắng mới…

Các bé tựa như những chú căng-gu-ru(*) bé nhỏ, đang nằm yên bình trong sự bảo vệ của "chiếc túi da" chắc chắn với hơi ấm từ cơ thể của căng-gu-ru mẹ. Nếu chỉ nghe lý thuyết về hiệu quả chăm sóc trẻ sinh non bằng liệu pháp da kề da, có thể chúng ta sẽ chưa cảm nhận được hết ý nghĩa nhân văn của nó.  Trẻ sinh non ra đời trong tình trạng mong manh, các cơ quan chưa hoàn thiện như bao trẻ khác. Lồng ngực của bố và mẹ rộng mở ngày – đêm, vừa là nơi sưởi ấm cho con, vừa là "thiết bị truyền tin đặc biệt", giúp bố mẹ cảm nhận được liên tục sự sống đang chuyển động qua từng nhịp thở. Từng cử động nhỏ nhất trong cơ thể của bé, sự biến đổi bất thường về màu da của con đều được cha mẹ chăm chú theo dõi để nhờ sự can thiệp của nhân viên y tế khi cần thiết. Đó cũng là "đường truyền" kỳ diệu để bé nghe được lời thầm thì từ trái tim thương yêu của ba mẹ, mạnh mẽ vượt qua giai đoạn vào đời khó khăn nhất.

Ngay từ khi trao bé từ đơn vị chăm sóc tích cực về với ba mẹ, mọi người đều nhận được sự hướng dẫn tận tình của các y -  bác sĩ của Đơn vị Kangaroo về cách chăm sóc trẻ sinh non, đặc biệt là việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đó là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá đối với trẻ sinh non tháng, có khả năng làm giảm nguy cơ bị thiếu máu, mang lại cho trẻ khả năng chống nhiễm trùng, viêm phổi, viêm dạ dày, viêm ruột hay nhiễm trùng tai … Con không thể tự bú mẹ mà phải nuôi ăn qua sonde dạ dày, giúp trẻ dễ hấp thu, giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử, và tăng sức đề kháng. Mỗi cử ăn của bé con là mỗi lần vất vả vì chồng phải giúp vợ vắt sữa, rồi ngồi hàng giờ với ống xilanh để truyền sữa mẹ nuôi con đang nằm trong lòng mẹ, có khi mẹ đã phải kết hợp điểm tâm sáng với bữa ăn trưa, còn bố thì quên cả cử cà-phê, “nhịn” luôn thuốc lá…., Vậy mà, hiển hiện trên gương mặt các ông bố, bà mẹ  đều là sự kiên nhẫn, chăm chút của tình yêu bao la vô bờ dành cho thiên thần rất bé nhỏ của mình….

Chính sự kiên trì và nghị lực trong những cái ôm đầu tiên của mẹ cha, hơi thở đầu đời của bé, đã khẳng định tình yêu của ba và mẹ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho tương lai của con trẻ về sức khỏe, tinh thần và thể chất, mà câu ca dao xưa đã ghi nhận:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra …

Tấm lòng thầy thuốc.

Ra đời trong khoảng 29  - 33 tuần tuổi với thể trạng 900 – 1200gr, bé không may mắn lập tức nằm kề bên mẹ như bao trẻ bình thường khác, mà phải trải qua những tuần đầu đời hồi sức ở đơn vị chăm sóc tích cực – Khoa Sơ sinh. Từ những giờ phút đầu tiên ấy, sự phát triển của trẻ sinh non phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và môi trường xung quanh. Mỗi em bé là một cá thể riêng biệt, bé sinh càng non tháng, càng nhỏ bé thì nguy cơ về bệnh tật và biến chứng càng cao, đồng nghĩa với trách nhiệm của các y - bác sĩ  tại Khoa Sơ sinh càng nặng, với nhiệm vụ: tích cực điều trị cho các bé sinh non sớm hồi phục, trở về trong vòng tay yêu thương của bố và mẹ.

Chuyện ghi được ở Đơn vị Kangaroo nhân ngày Thế giới trẻ sinh non có lẽ sẽ chưa hoàn chỉnh nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ con và cái tâm của các y – bác sĩ tại Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ. Chính tấm lòng của những thầy thuốc như mẹ hiền của tập thể Khoa Sơ sinh đã góp phần rất lớn vào việc khẳng định: trẻ sinh non tháng, nhẹ cân chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng, nếu nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc  tốt của nhân viên y tế, gia đình và cộng đồng, để các bé với ý chí lớn về sự sinh tồn trong“chiếc mũ nhỏ” bắt đầu cho hành trình của một đời Người trên “đôi bàn chân nhỏ” của mình.

 

(*) Từ để gọi loại chuột túi, có nguồn gốc tại Úc (kangaroo hoặc kanguru)

CN. Nguyễn Thị Minh Tâm

Connect with Tu Du Hospital