Bác sĩ ngập ngừng khi biết phôi thai không có nhịp tim. Sẽ thật đau lòng cho người mẹ không còn trẻ ấy, nên bác sĩ nấn ná, chần chừ. Vài phút sau, người mẹ khóc rồi xin bác sĩ cho chồng cùng ngồi vào nghe tiếp câu chuyện, bởi "một mình em không chịu nổi".


Kéo ghế ngồi lại gần người mẹ để bắt đầu câu chuyện với cả 2 vợ chồng, bác sĩ lại đi từ từ vào câu chuyện từ những nguyên nhân phôi thai không có tim: nguyên nhân từ trứng, từ tinh trùng, về tính chọn lọc tự nhiên và đào thải của loài người, về sự giới hạn của y học trong những trường hợp không rõ nguyên nhân và cả về việc có con lại sau tai nạn này... Gương mặt người vợ nhẹ nhàng hơn, đôi mắt cô ấy chỉ còn chút ngấn lệ. Cô ấy ngẩng mặt lên và đột ngột quay sang chồng, khẽ chạm vào tay anh: Anh đừng buồn nhe anh. Người chồng lặng yên cho đến lúc cả hai ra về.
Bác sĩ thấy trong ánh mắt người vợ một sự có thể gọi tên là "cảm thấy mình có lỗi" dù những lời giải thích đã phân tích rõ bản chất của câu chuyện. Phụ nữ hay ôm vào lòng sự dằn vặt khi chưa mang đầy đủ hạnh phúc cho những người xung quanh. Người xung quanh thì quá nhiều. 40 tuần thai kỳ và giai đoạn vượt cạn, biết bao nhiêu hiểm nguy rinh rập cho tính mạng người mẹ, biết bao lo âu dồn nén trong tình cảm của họ. Họ đi qua từng nỗi mong chờ: thai làm tổ trong tử cung rồi, thai có tim rồi, độ mờ gáy trong giới hạn bình thường, thử nghiệm đường thai kỳ âm tính, nước ối bình thường, cân nặng bé bình thường...Chỉ vài giờ thai ngủ yên không máy là tim mẹ lại loạn nhịp. Thêm các biến đổi nội tiết và hệ quả không mong muốn của nó lên cảm xúc người mẹ, người phụ nữ để được làm mẹ xứng đáng là 1 người anh hùng.


Bác sĩ chùng lòng minh suốt buổi khám bệnh hôm đó. Giá như người chồng nắm lấy tay vợ và siết nhẹ. Chẳng cần lời nói nào đâu.

Connect with Tu Du Hospital