Sáng ngày 28/4/2025, bà H., 68 tuổi, tìm đến Bệnh viện Từ Dũ vì bị ra huyết âm đạo dù đã mãn kinh nhiều năm. Không chỉ đơn giản là một triệu chứng thông thường, quá trình thăm khám ghi nhận bà có một khối u buồng trứng trái kích thước khoảng 10cm – với dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ác tính lên đến 50% trên phim chụp cộng hưởng từ. Sau khi thực hiện đầy đủ các khảo sát để loại trừ các bệnh lý ác tính khác, bà H. được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ, có thể kèm theo cắt mạc nối lớn nếu khối u buồng trứng có dấu hiệu ác tính trên đại thể.
Tuy nhiên, ca mổ tưởng chừng như "đơn giản" này lại ẩn chứa một thử thách lớn. Bà H. có tiền căn chấn thương vùng hàm mặt nhiều năm trước khiến bà bị khít hàm –miệng chỉ mở được 0,5cm. Việc gây mê nội khí quản qua đường miệng – một kỹ thuật thông thường trong phẫu thuật ổ bụng – trở thành bất khả thi. Trong hoàn cảnh đó, nếu khởi mê mà không kiểm soát được đường thở, sẽ dễ dẫn đến biến chứng hô hấp, thậm chí tử vong trong lúc gây mê là rất cao.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, các bác sĩ quyết định lựa chọn một phương án ít phổ biến nhưng an toàn hơn trong trường hợp này: đặt nội khí quản tỉnh bằng ống soi mềm qua đường mũi. Đây là kỹ thuật đòi hỏi bệnh nhân còn tỉnh táo, đảm bảo duy trì tự thở trong suốt quá trình đưa ống vào khí quản, đề phòng trường hợp không đặt được ống, bệnh nhân vẫn còn tự thở qua mũi. Khi đã đặt được ống vào khí quản, mới tiến hành khởi mê chính thức. Kỹ thuật này yêu cầu sự phối hợp cực kỳ nhịp nhàng giữa bệnh nhân và ê-kíp gây mê và cần chuẩn bị sẵn sàng phương án mở khí quản khẩn cấp nếu thất bại.

Ngày 13/5/2025, lúc 8 giờ sáng, ca mổ bắt đầu. Trong phòng phẫu thuật, ngoài đội ngũ bác sĩ phụ trách phẫu thuật phụ khoa, còn có sự hiện diện của hai nhóm bác sĩ gây mê hồi sức – một từ Bệnh viện Từ Dũ, một từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt. Với sự hỗ trợ của ống soi mềm, thuốc tê tại chỗ và sự chuẩn bị chu đáo của cả ê-kíp, ống nội khí quản được đưa thành công qua mũi bệnh nhân vào khí quản. Sau đó, bà H. được gây mê chính thức và ca mổ được tiến hành thuận lợi.
Sau hai tiếng đồng hồ, ca mổ kết thúc trong sự nhẹ nhõm của cả ê-kíp. Không có biến chứng nào xảy ra, đường thở được kiểm soát an toàn, khối u được cắt trọn và gửi giải phẫu bệnh để xác định bản chất.
Câu chuyện của bà H. cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ đường thở khó trước mổ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong y học hiện đại. Sự thành công của một ca phẫu thuật, sự an toàn của bệnh nhân đến từ những quyết định đúng đắn, những cuộc hội chẩn kỹ lưỡng, và lòng tận tâm của cả một tập thể.