Tạo hóa đã ban tặng cho nữ giới một thiên chức hết sức kỳ diệu, đó là thiên chức làm mẹ. 

    Sau chín tháng mười ngày là những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên khuôn mặt người mẹ trước một sinh linh bé bỏng vừa cất tiếng oe oe chào đời an toàn, bởi bàn tay nhân ái của các bác sĩ và nữ hộ sinh .

    Sự kiện đáng yêu này sẽ mang lại cho người mẹ niềm hạnh phúc nhưng đồng thời chúng ta cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ và lo lắng trước  rất nhiều việc mà mình sẽ phải làm cho bé yêu trong thời gian tới.

    Chuẩn bị trước cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến việc chăm sóc thai kỳ, chuẩn bị tâm lý làm mẹ, chăm  sóc bé sơ sinh… là  hết sức cần thiết, bởi khi bé ra đời, bạn sẽ không có nhiều thời gian để trang bị các kiến thức đó cho mình nữa.

    Vậy bạn đã chuẩn bị được những gì? 
    Chuyên mục Hỏi & đáp trực tuyến – website Bệnh viện Từ Dũ vào lúc 8g30 sáng thứ năm, ngày 17-11-2011, sẽ giúp bạn những thông tin bổ ích qua chuyên đề Chăm sóc bé yêu, với sự tham gia của :

    - PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ Sinh
    - ThS.BS Nguyễn Phương Tần, Trưởng khoa Phục hồi chức năng

    Hệ thống đã sẵn sàng. Chuyên mục rất mong nhận được nhiều câu hỏi của quý độc giả có sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.

    * Chào bác sĩ,
    Bác sĩ cho em hỏi em bé nhà em được 5 tuần tuổi, khi đi cầu lúc đầu phân màu vàng bình thường nhưng khi đi gần xong phân bé thường có màu xanh (sau khi tiếp xúc với không khí mới chuyển sang màu xanh). Phần bé bình thường, mùi thối, phân không lỏng. Bé bú sữa ngoại là chính, 1 ngày bú 3 lần sữa mẹ. Vậy có bình thường không bác sĩ? Em lo lắng qua, mong bác sĩ giải đáp. Cảm ơn!

    phuongquynh83a3@

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
    Bạn thân mến !
    Nếu con bạn mới hơn 1 tháng, bú sữa ngoài là chính. Đi cầu lúc đầu phân vàng nhưng khi gần xong thì hơi xanh, tính chất phân bình thường (không có đàm máu …), không lỏng, số lần đi cầu bình thường thì bạn đừng quá lo lắng vì phân như vậy không phải là phân bệnh lý. Phần sau của phân có thể hơi xanh do sắc tố mật xuống ruột chưa đều. Bạn chỉ cần theo dõi và cho bú mẹ nhiều hơn nhé.

    * Chào Bác sĩ! Đến nay bé nhà tôi được 3 tháng 12 ngày, bé được 6kg5. Nhưng mà trong hai núm vú của bé có cục nhỏ cứng. Bên phải lớn hơn bên trái một chút và bằng hạt đỗ tương dẹp. Sờ vào cháu không đau, không có dịch chảy ra - núm vú chưa có mà có một lỗ nhỏ xíu ở đó. Đêm ngủ cháu thỉnh thoảng lại hay dụi vào hai mắt, cứ xoa xoa vào mặt và đầu. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi hiện tượng như vậy có bình thường không? Nếu đi khám thì vào khám ở đâu? Mong bác sĩ trả lời sớm, tôi rất lo lắng. Chân thành cảm ơn

    nguyenthuy.511@

    PGS. TS. BS. Ngô Minh Xuân đang trả lời trực tuyến

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
    Chào bạn
    Con bạn gần 3 tháng rưỡi, trong núm vú có cục cỡ hạt đậu, không đau không chảy dịch, không có dấu hiệu viêm hay u bướu và 2 bên là gần đều nhau là bình thường. Bạn chỉ cần theo dõi hàng ngày, vệ sinh hàng ngày, tuyệt đối không được nặn hay sờ nắn mạnh tay vào 2 vú của bé. Nếu có dấu hiệu bất thường như viêm đỏ, sưng tấy, chảy dịch … thì cho cháu đi khám ở phòng khám nhi khoa.
    Nếu cháu dụi mắt nhiều thì bạn chú ý xem 2 mắt cháu có đỏ không, xung quanh mắt có sưng không? Nếu có dấu hiệu bất thường thì chở cháu đi khám bác sĩ mắt hoặc bác sĩ Nhi khoa nhé.
    Chúc mọi việc tốt lành

    * Chào bác sĩ!
    Bé cháu nhà tôi, mọc ra chỉa vào trong, không biết làm sao khắc phục được tình trạng này? Cám ơn bác sĩ

    ayoihlm@

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
    Trong câu hỏi này, bạn không nói rõ là bé mấy tuổi, cái gì mọc chĩa vào trong? Có phải là răng? Răng sữa hay răng vĩnh viễn?
    Nếu là răng sữa mọc hơi nghiêng vào trong 1 chút thì không đáng lo. Tuy nhiên nếu chĩa quá nhiều vào trong thì nên cho bé đi khám nha khoa càng sơm càng tôt nhé.

    * Thật bỡ ngỡ khi chăm sóc bé đầu tiên sau sanh. Tôi vừa sinh bé được 1 tháng, khi sanh bé hơi vàng da nhưng bệnh viện thấy không nặng lắm nên cho bé xuất viện về. Sau 22ngày tôi thấy bé có vẻ vàng da va rõ hơn nhất là ở miệng. Lo lắng quá nên tôi cho bé vào bệnh viện Nhi Đồng 1, thì được cho nhập viện xét nghiệm, siêu âm, chụp x quang. Sau 3,5 ngày nằm viện: bé bú tốt, tiêu tiểu tốt,ngủ được (như ban đầu mới sanh), vấn đề là ngủ hay uốn éo. Kết luận bác sĩ Nhi Đồng 1, cho biết trong máu của bé có chất bilirubin cao nhưng không nguy hiểm. Hỏi: Trường hợp bé bị vàng da bao lâu thì hết hẳn vàng da, có cách nào chữa trị khỏi vàng da hay để thời gian bé lớn sẽ hết vàng da. Hiện tại bé ít ngủ về đêm hay giật mình, uốn éo nhiều, khoảng thời gian nhiều giờ đồng hồ (khoảng 6 tiếng đồng hồ trong 1 đêm). Hỏi: bé có bị bệnh gì không? mà cứ uốn éo giật mình khi đặt xuống giường ngủ. Xin chỉ giúp làm thế nào cho bé ngủ ngon hơn. Chân thành cảm ơn !. 

    phuongnamtayninh578@

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
    Trong câu hỏi này bạn đề cập mấy vấn đề khác nhau:
    Con bạn bị vàng da đến 22 ngày mà không hết thì đó là vàng da sơ sinh bệnh lý. Do vậy, bệnh viện Nhi Đồng cho bé nhập viện để làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang và siêu âm và sau 3,5 ngày thì bé xuất viện (nồng độ bilirubin / máu hơi cao nhưng sau 3 tuần thì ít nguy hiểm và có thể bé đã được bệnh viện điều trị bằng chiếu đèn), sau xuất viện thì bé ổn và vàng da thường sẽ giảm nhanh sau vài ngày.

    Trong câu hỏi bạn không nêu là con bạn bú sữa gì? Sữa mẹ hay sữa công thức (sữa bò), bú có đủ sữa không?
    Bé bú càng nhiều, đi tiểu nhiều thì vàng da sẽ mau hết hơn.

    Tuy nhiên, ở một vài trường hợp bú mẹ hiếm gặp, trong sữa mẹ có một số chất gây rối loạn chuyển hóa bilirubin ở trẻ nhỏ, có thể gây vàng da kéo dài cho trẻ nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, hoàn toàn không nguy hiểm nếu bé bú tốt. Thường chỉ cần theo dõi, vẫn cho bú mẹ, không cần điều trị tích cực vì lành tính.
    Thường vàng da do sữa mẹ sẽ được bác sĩ chẩn đoán sau khi đã loại bỏ các nguyên nhân khác. Một cách để chẩn đoán tình trạng vàng da do sữa mẹ là nặn sữa mẹ cho vào bình và hâm nóng khoảng 56 độ C, để cho nguội bớt và cho bé ăn bằng muỗng, sau 48g thì triệu chứng vàng da sẽ giảm. Sau đó bạn sẽ yên tâm cho trẻ bú mẹ trược tiếp một cách bình thường mà không sợ nguy hiểm.

    Bạn có nêu là con bạn hay bị ít ngủ, hay giật mình uốn éo…, cần chú ý:

    • Bé có bú no trước khi ngủ chưa
    • Bạn có thay tã, vệ sinh sạch sẽ trước khi bé ngủ chưa
    • Phòng ngủ có tiện nghi, ấm áp, ánh sáng dịu và không có tiếng ồn ?

    Nếu tất cả đều tốt mà bé vẫn khó ngủ, hay giật minh uốn éo nhiều, kéo dài thì nên đưa bé đi khám bác sĩ Nhi khoa vì có thể bé bị giảm Canxi/máu, giảm magne/máu và cần chẩn đoán và điều trị qua kết quả xét nghiệm.
    Chúc bạn thành công

    * Chào bác sĩ. Con em đã 1 tháng rưỡi rồi, nhưng bú xong là bé hay bị trớ sữa lắm, mặc dù em đã bế cháu lên cho cháu ợ xuống rôì. Nhất là những lúc bé vặn mình xong thì hay bị trớ sữa lắm a..có cách nào để cải thiện tình trạng trớ sữa của bé không ạ? 

    vks_hoian@ 

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay bị ọc sữa hơn trẻ lớn do dạ dày của trẻ có dung tích nhỏ và còn nằm ngang. Tùy theo trẻ mà cần có cách cho ăn/bú thích hợp. Trong và sau khi bú nên cho trẻ nằm đầu cao, vỗ lưng cho trẻ ợ hơi. Nếu trẻ còn ọc sau bú bạn chú ý xem:

    • Bạn pha sữa có đúng theo hướng dẫn không?
    • Trẻ có dấu hiệu bệnh không ?
    • Trẻ có bị ho/ khò khè không?
    • Bụng trẻ có trướng/ khó tiêu không?

    Nếu trẻ ọc kéo dài hoặc ọc nhiều lần hoặc ọc ra dịch vàng/xanh…thì đưa bé vào bệnh viện ngay. Nếu ọc sữa sau bú thì cần đem bé đi khám bác sĩ Nhi xem bé có bị viêm đường hô hấp hay bi trào ngược dạ dày thực quản không? (làm Xét nghiệm, siêu âm, X quang …) để điều trị kịp thời
    Chúc bạn mọi sự tốt lành

    * Thưa ThS.BS Nguyễn Phương Tần,bé trai con tôi được 13 tháng,cháu phát triển chiều cao cân nặng bình thường,cháu biết đi khi được 11 tháng đến 12 tháng thì tôi phát hiện ra khi cháu đi, đứng và ngồi chơi vai trái cháu bị nghiêng thấp hơn vai phải. Tôi đoán là do khi ngủ cháu luôn luôn nằm nghiêng về bên trái mấy tháng nay nên bên vai trái cháu thấp (không biết đây có phải là 1 trong những nguyên nhân không? và cũng đang tập cho cháu nằm nghiêng lại bên kia), xin bác sĩ tư vấn những nguyên nhân gây nên lệch vai của bé và cách điều trị (có tập vật lý trị liệu chỉnh lại được không?), điều trị ở bệnh viện nào? Xin cảm ơn bác sĩ. 

    mailbox_baihoc@ 

    ThS. BS. Nguyễn Phương Tần: Chào bạn, nguyên nhân lệch vai: có thể do cổ yếu nên nghiêng một bên. Để biết chính xác đề nghị đem bé đến khám tại khoa phục hồi chức năng bệnh viện Từ Dũ để được chẩn đoán và hướng dẫn tập. Thân ái.


    * Chào Bác Sĩ ! Con tôi lúc sinh bé được 2,6 ký dài 48cm giờ bé được 9 tháng nặng 10.5 ký dài 72cm , cân nặng và chiều cao của bé có được không ? Từ lúc mới sinh cho tới giờ bé hay bị khò khè , bé không sốt vẫn chơi sinh hoạt bình thường không biết có phải vì nguyên nhân bé sinh mổ nên bị vậy không ? Cách đây hơn 1 tuần bé bị dị ứng thức ăn nên chưa cho bé đi chích ngừa sởi, không biết bé 9 tháng thì có chích được mũi 3trong1 (sởi, quai bị, rubella) không? Bé bú 1 ngày khoảng 1200ml sữa công thức và ăn 2 bữa , nhưng vậy có được không? Có cần giảm lại lượng sữa không? Bé bú đêm rất nhiều, không biết bú đêm như vậy có ảnh hưởng gì không, bé đòi bú chứ không phải ép bé bú. Bé mọc được 11 cái răng rồi , bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc răng cho bé. Cám ơn bác sĩ nhiều. 

    thanhphu_az@


    ThS. BS. Nguyễn Phương Tần:Khò khè ở trẻ nhũ nhi có rất nhiều nguyên nhân: có thể do hẹp lỗ mũi sau do đó gây ra khò khè. Thường đối với nguyên nhân này, khò khè sẽ cải thiện sau 6 tháng tuổi. Nếu bé không có sốt, không ho… sổ mũi thì việc khò khè này cũng không cần điều trị. Nguyên nhân thứ 2 là do thiếu vitamin D và Canxi. Bé cũng có thể khò khè và kèm theo đổ mồ hôi khi bú hoặc khi ngủ. Nếu do nguyên nhân này thì cần điều trị Canxi và vitamin D kết hợp với phơi nắng vào buổi sáng. Em có thể đến bác sĩ nhi khoa để khám và bác sĩ sẽ cho thuốc đúng liều lượng cho bé.

    Bé có thể được chích ngừa sởi sau 9 tháng, mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella), khi bé trên 12 tháng và bé sẽ được chích 2 mũi.
    Bé bú 1 ngày 1200ml sữa và 2 bữa ăn bột, như vậy là bình thường, không cần giảm. Bé bú đêm nhiều thường là ban ngày ăn thiếu, do đó em có thể cho bé bú nhiều vào ban ngày để ban đêm bé không đòi bú nhiều.

    Bé 9 tháng mọc 11 cái răng? Trong câu hỏi là em hỏi là mọc 11 cái răng có đúng không? Nếu 9 tháng mọc 1 cái răng là bình thường


    * Chào bác sĩ! Bé trai nhà em được 8 tháng nặng 7kg, dài 70cm, dạo gần đây bé ăn rất hay bị ói, thường bị buổi sáng, trưa và chiều thì bé ăn bình thường. Như vậy có sao không thưa bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn giúp em. Và ở độ tuổi này bé đã ăn cá hồi và lươn được chưa bác sĩ, em xin cảm ơn! 

    honghanh_03062004@

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân

    Chào bạn
    Con bạn 8 tháng, trước đây bình thường, gần đây mới hay ói:

    • Bạn xem cháu có ho/ khò khè không? Có thể chau bị Viêm họng/ viêm phế quản: dịch ói có lẫn đàm nhớt, hay ói sau khi bị ho
    • Thức ăn có thích hợp với bé không? Có thể thay đổi thức ăn cho hợp với bé
    • Ở 8 tháng tuổi chưa nên cho bé ăn cá hồi và lươn, nhất là khi bé hay ói mà bạn cho ăn thức ăn có mùi tanh. Chỉ nên tập cho ăn thức ăn người lớn khi bé từ 18 tháng trở lên

    * Con tôi được 2 tháng rưỡi. Cháu bị ghèn rỉ mắt sau khi sinh được 2 ngày đến giờ vẫn chưa khỏi. Tôi đã điều trị cho cháu bằng thuốc TOBREX nhưng cháu lại bị sưng mí mắt sau khi nhỏ. Tôi xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để cháu khỏi bệnh. 

    vtah@

    PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân

    Nếu cháu bị ghèn mắt ngay ngày 2 sau sinh: có thể bé bị viêm kết mạc mắt

    • Nếu bạn nhỏ mắt bằng Tobrex nhiều ngày mà không khỏi, bạn chú ý xem trẻ có chảy nươc mắt sống không? Nếu có thì trẻ bị hẹp lệ đạo ( ống dẫn nước mắt).
    • Nếu mắt trẻ sưng hoặc đỏ, hoặc đổ ghèn kéo dài thì đem bé đi khám BS ngay

    * Bé ăn ít, lâu ngày đi tiêu kéo dài (phân mềm). Thưa bác sĩ, bé gái sinh ra được 2,9kg. Hiện giờ bé đã được 3,5 tháng, cân nặng lúc 3 tháng của bé là 5,5kg, chiều dài 60cm.  Tuy nhiên, từ khi cháu bước sang tháng thứ 2, thì bé đi tiêu rất dài ngày, chính xác là cứ 7 ngày bé mới đi tiêu 1 lần, bé tự đi, không rặn đỏ mặt, không khóc, bé chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn. Do phân mềm nên em có đặt câu hỏi với bác sĩ Nhi Đồng 2, bác sĩ đều bảo không có gì phải lo lắng. Nhưng tình trạng kéo dài lâu quá, thì có ảnh hưởng gì đến bé hay không? Về việc bú sữa của bé, làm thế nào để biết bé bú đủ lượng sữa hay không? Hiện tại khi mẹ bé đã đi làm lại, bé được bú sữa mẹ vắt ra thì bé bú khi vắng mẹ chỉ được mỗi lần 70ml, nhiều nhất là cả ngày vắng mẹ là 140ml, mẹ cho bú cữ sáng, cữ trưa, và chiều tối thêm 3 cữ buổi tối khi bé ngủ nữa. Bé bú như vậy thì có ít quá không, vì thời gian bé bú mẹ trực tiếp chỉ khoảng 5-10 phút nên khó mà ước lượng được lượng sữa bé bú. Em rất lo lắng vì khi mẹ đi làm lại, bé sẽ bú kém và rơi vào nhóm suy dinh dưỡng, mong bác sĩ tư vấn giúp 2 vấn đề nêu trên ạ. Trân trọng cám ơn 

    alpsspears_le@  

    ThS. BS. Nguyễn Phương Tần: Bé bú mẹ thường hấp thu tốt do đó đi phân sẽ ít. Nếu bé mấy ngày mới đi cầu một lần cũng là bình thường, ngoài ra những bé từ 2 tháng cho đến 4 tháng tuối, nhu động ruột kém, bé sẽ đi cầu ít lần hơn. Sau 4 tháng tuổi bé sẽ đi cầu bình thường, mỗi ngày 1 lần hoặc cách ngày 1 lần.
    Bé 3 đến 4 tháng mỗi ngày bú từ 800 ml – 1000 ml sữa/24 giờ. Để chính xác em có thể ghi lại số lượng sữa bú mỗi lần và số lần bú trong 24 giờ mới có thể kết luận bé bú ít hay không. Nếu bé bú ít hơn lượng trung bình, em có thể đưa cháu đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi để tìm nguyên nhân biếng bú.

    * Cảm ơn các bạn đã gửi câu hỏi. Hệ thống gửi câu hỏi đã tạm khóa, những câu hỏi chưa được phúc đáp sẽ được phúc đáp qua email.

    Connect with Tu Du Hospital