Tiền mãn kinh thường xảy ra trước khi dứt hẳn kinh nguyệt của người phụ nữ tuổi trung niên nhưng có thể đến sớm ở phụ nữ bị cắt buồng trứng do bệnh lý và giai đoạn này kéo dài từ 4-5 năm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh hoàn toàn. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng bị suy yếu dần cho đến khi mất đi chức năng nội tiết. Dấu hiệu cho biết người phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi tùy theo mỗi người. 
     
    Mãn kinh là một trong vài thay đổi tự nhiên của cơ thể trong đời sống của một phụ nữ, là dấu hiệu tự nhiên báo hiệu hệ sinh dục nữ sắp ngưng hoạt động hẳn. Mãn kinh không phải là một bệnh và cũng không phải là một điều đáng bận tâm lo lắng.
     
    Tôi năm nay 43 tuổi nửa năm nay bị rối loạn kinh nguyệt, người lúc nào cũng cảm thấy nóng nhất là vùng mặt, luôn cáu gắt và người thì lúc nào cũng mệt mỏi. Đi khám phụ khoa không có bệnh, không biết có phải tôi bị mãn kinh không.
        Nguyễn Thị Vui

    ThS. BS. Lê Ngọc Diệp: Chị đang có những dấu hiệu của giai đoạn tiền mãn kinh: rối loạn kinh nguyệt, cơn bốc hỏa, thay đổi tâm sinh lý... Khám phụ khoa thông thường chỉ xác định các bệnh lý phụ khoa thông thường và tầm soát ung thư cổ tử cung, u vú… Trường hợp của chị cần được khám và tư vấn mãn kinh để được hỗ trợ y tế tốt hơn nhằm vượt qua giai đoạn này. Thân chào.

      Năm nay tôi 47 tuổi, gần đây  tôi bị chảy máu âm đạo liên tục. Không biết là tôi bị bệnh gì và xin bác sĩ cho lời khuyên.

      H.T

      ThS. BS. Lê Ngọc Diệp: Ở nhóm tuổi của chị, rong kinh- rong huyết có thể do nguyên nhân lành tính (biến chứng do  mang thai, u xơ tử cung, polype cổ tử cung, rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh...) hoặc ác tính (ung thư cổ tử cung, ung   thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng…). Chị cần được khám phụ khoa ngay và làm các xét nghiệm để chẩn đoán  chính xác nguyên nhân giúp điều trị kịp thời.

        Tôi xin hỏi một số vấn đề như sau: hay bị chóng mặt, bóc hỏa. Xin cho hỏi đó có phải là hiện tượng tiền mãn kinh không? Vậy thời gian bao lâu thì hết. Và nó sẽ diễn tiến như thế nào? Cách điều trị?

        M.L
                   

        ThS. BS. Lê Ngọc Diệp
        ThS. BS. Lê Ngọc Diệp:  Cơn bốc hoả là hậu quả của tình trạng rối loạn vận mạch (do suy giảm estrogen) trong giai đoạn tiền mãn kinh gây ra. Các mạch máu bị giãn ra nhanh chóng, làm cho nhiệt độ da tăng lên. Hiện tượng này có thể gây ra cảm giác nóng bừng lan từ ngực lên vai, cổ và lên đầu. Cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 30 giây đến 30 phút, thường gặp nhất khoảng 2-3 phút. Tần suất xảy ra cơn thay đổi tùy người, từ mỗi giờ một cơn đến chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Các triệu chứng này kéo dài vài năm rồi tự hết, do cơ thể quen dần với tình trạng thiếu hụt Estrogen. Tuy nhiên, cũng có người thấy những triệu chứng này nặng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn mãn kinh thật sự.

        Để hạn chế cảm giác khó chịu của cơn bốc hỏa, chị nên tránh dùng các thức uống có cồn, cà phê, không hút thuốc, sử dụng các trang phục rộng rãi, thoáng mát. Khi có cảm giác bắc đầu cơn bốc hoả, chị nên uống liền một ly nước mát. Làm việc trong môi trường có nhiệt độ phù hợp (có quạt, máy lạnh..) sẽ giúp cải thiện cảm giác khó chịu của cơn bốc hoả. Chúc chị mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

        Tôi năm nay 44 tuổi, chồng tôi 46 tuổi và đã có 2 con đã lớn, cuộc sống bình yên. Cách đây 2 năm, tôi đã mãn kinh. Thời gian đầu, đời sống tình dục bình thường, nhưng gần 2 năm nay tôi thường có cảm giác sợ gần chồng vì cảm giác đau đớn khi quan hệ. Xin hỏi bác sĩ tình trạng khắc phục.
           M.N

        TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thủy: Chị mãn kinh đã 2 năm và khô teo âm đạo gây đau khi quan hệ tình dục làm cho chị sợ gần gũi với chồng và cảm giác sợ. Dấu hiệu này rất thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh. Chị có thể điều trị bằng cách sử dụng chất bôi trơn âm đạo âm hộ khi quan hệ hoặc uống các loại thực phẩm chức năng như Spacap hoặc sử dụng nội tiết thay thế. Tốt nhất chị nên đến các phòng khám tiền mãn kinh và mãn kinh để được cung cấp thông tin và được tư vấn

         Năm nay tôi 52 tuổi, đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung được mấy năm rồi. Trong thời gian đầu thì quan hệ bình thường vẫn còn ham muốn. Nhưng gần đây cô quan hệ thấy khô quá, luôn nóng trong người vì vậy cảm thấy khó chịu. Rất mong bác sĩ tư vấn để có thể lấy lại sức khỏe và tinh thần như trước. Cám ơn bác sĩ.

        N.L

        TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thủy: Chị đã cắt bỏ tử cung và hiện  nay chị đã 52 tuổi nên 2 buồng trứng của chị cũng không còn hoạt động để tiết ra 2 chất nội tiết tố nữ quan trọng là Estrogen và Progesterone. Các biểu hiện mà chị có là do thiếu hụt 2 chất nội tiết tố này. Tốt nhất chị nên đến các phòng khám tiền mãn kinh và mãn kinh để được cung cấp thông tin và được tư vấn để xem có thể sử dụng nội tiết tố thay thế hay không.

         Kính gửi Bác sĩ, Mẹ em năm nay  47tuổi, khoảng mấy năm gần đây hay bị nôn và cảm giác lạnh (gai người, khoảng  thời gian bị không cố định, có khi hai ba tháng bị 1 lần từ 1-2 ngày,đi khám thì được chuẩn đoán là Rối loạn tiền đình, nhưng theo em được biết thì Hội chứng Rối  loạn tiền đình bao gồm nhức đầu, chóng mặt, nôn..Bác sĩ có thể cho em biết bệnh của mẹ em có phải là Rối loạn tiền đình không ạ ? Có phương pháp nào chữa hết bệnh không ạ ? Mong bác sĩ trả lời sớm giúp em, Em cảm ơn Bác sĩ rất rất nhiều ạ .

        L.A

        TS. BS. Huỳnh Thị Thu Thủy: Về rối loạn tiền đình thỉ em phải hỏi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Tuy nhiên, ớn lạnh cũng là một dấu hiệu suy giảm nội tiết đột ngột ở phụ nữ vào những ngày sắp hành kinh, cũng là một dấu hiệu của hội chứng tiền kinh (sắp có kinh). Nhưng ở độ tuổi của mẹ em có thể có rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Em nên đưa mẹ đi kiểm tra tình trạng nội tiết để có phương pháp điều trị tốt nhất.

        Chào bác  sĩ,
        Tôi muốn hỏi tôi đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, phải nói rằng giai đoạn này làm cơ thể tôi cảm thấy khó chịu. Không biết có chế độ ăn uống gì để có thể giúp tôi qua giai đoạn tiền mãn kinh. Cám ơn bác sĩ nhiều.

            H.N

        ThS. BS. Lê Ngọc Diệp:
        Cần cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các chất, nên ăn cơm gạo trắng thường ngày có xen lẫn gạo lức để bổ sung nhiều vitamin nhóm B, bổ sung lượng calcium có trong bơ sữa, yaourt giúp làm giảm thay đổi tính  khí, đau đầu, tăng lượng magnesium có trong trái cây, rau quả, đồng thời qua đó  tăng lượng serotonin giúp giảm stress. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt cơ thể cần một lượng nước cho cơ thể.

        Tránh các thức ăn có nhiều muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Cần tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan…

        Connect with Tu Du Hospital