Mỗi em bé sinh non là một chiến binh tí hon. Và mỗi người mẹ, người cha là một người hùng thầm lặng. Tại Bệnh viện Từ Dũ, hành trình hồi sinh của những trẻ sinh non không chỉ là câu chuyện của y học hiện đại, mà còn là bản giao hưởng của lòng kiên trì, tình yêu thương và niềm tin không khuất phục trước nghịch cảnh. Những vòng tay Kangaroo – những cái ôm da kề da – tưởng chừng giản đơn, nhưng lại mang sức mạnh cứu sống diệu kỳ. Và đằng sau mỗi em bé lớn lên khoẻ mạnh là cả một tập thể y bác sĩ tận tụy, âm thầm đồng hành cùng cha mẹ viết nên kỳ tích.
    Nhờ phương pháp Kangaroo, những em bé sinh non đã vượt qua lằn ranh sinh tử và lớn lên khỏe mạnh bình thường
    Nhìn con trai 4 tuổi đang vui đùa cùng bạn bên cầu tuột, chị Nguyễn Ngọc M. (29 tuổi, ở Bình Phước) không quên được những ngày tháng gian nan khi bé chào đời. "Giờ đây con đã khỏe mạnh và chuẩn bị đi học nhưng tôi vẫn nhớ khoảnh khắc ấy, khi bé nặng chưa đến 1 kg, đang nằm thở yếu ớt trong lồng kính" - chị M. nhớ lại.
    Hành trình gian nan
    Bé Đ. - con chị M. - sinh non ở tuần thứ 28, chỉ nặng 900 g và còn bị não úng thủy, cần phải theo dõi sát sao. Những ngày đầu đời, bé nằm trong lồng kính tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) là chuỗi thời gian nặng trĩu của cả nhà. "Chúng tôi không dám hy vọng nhiều vì tình trạng bé rất nguy kịch, sự sống mong manh. Những lúc đó, tôi chỉ muốn ôm con vào lòng để truyền hơi ấm nhưng lại không thể" - chị M. nghẹn ngào.
    Suốt những tuần đầu tiên, bé Đ. đối diện rất nhiều khó khăn, từ việc thở máy đến chăm sóc cơ thể nhỏ bé. Tưởng rơi vào bế tắc nhưng khi các bác sĩ tư vấn phương pháp Kangaroo đã mang đến hy vọng cho cả gia đình, như thấy tia sáng trong bóng tối. Phương pháp này không chỉ giúp bé phát triển về thể chất mà còn giúp người mẹ thể hiện thiên chức, đồng hành với con lớn lên từng ngày.
    Mỗi ngày, chị M. đều ôm con vào lòng, áp sát ngực để truyền hơi ấm. Dưới sự hỗ trợ của các y - bác sĩ cùng sự kiên trì của gia đình, sau 2 tháng, bé đã có thể xuất viện. Sau đó, chị duy trì phương pháp này khi bé được 20 tháng tuổi, thay vì chỉ cần đến 40 tuần. Dị tật não úng thủy nhờ được phẫu thuật sớm nên nay bé đã khỏe mạnh, phát triển bình thường và đi học như bao đứa trẻ khác. "Con tôi sống sót là nhờ tình yêu, sự kiên nhẫn, sự tận tâm của các y - bác sĩ áp dụng phương pháp y học tiên tiến. Đây là cứu cánh cho nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh như tôi" - chị M. hạnh phúc nói.
    Với gia đình chị Đinh Thị Thơm (35 tuổi, ở Gia Lai), dù không đối mặt với bệnh lý như con chị M. song việc chăm sóc trẻ song sinh sinh non là hành trình khổ sở. Chị Thơm mang thai đôi khỏe mạnh nhưng đến tuần 22 thì bị tuột cổ tử cung, bác sĩ tiên lượng sinh sớm. Chuỗi ngày sau đó là ở bệnh viện nhiều hơn, chị phải nghỉ việc ở quê rồi cùng chồng vào TP HCM thuê trọ để theo dõi thai kỳ. Khi thai đến 30 tuần, chị bị vỡ ối bất ngờ, 2 con (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng lần lượt 1,6 kg và 1,5 kg, phải nằm lồng kính thở máy.
    Bé trai (con đầu) ra viện sau 8 ngày, bé gái phải ở lại 24 ngày. Lúc đầu chị hoang mang vì không được gặp con, đến khi lần đầu được ôm con vào lòng là hạnh phúc vô bờ. Nhưng lúc này các con nhỏ xíu lọt thỏm trong lòng bàn tay, không biết phải chăm sóc như thế nào. Bác sĩ hướng dẫn phương pháp Kangaroo - từ cách bế, ôm ấp, theo dõi từng hơi thở, cử động của con… Những ngày đầu còn lóng ngóng nhưng dần dần chị hiểu ý, dễ dàng hơn trong lúc ôm ấp, truyền hơi ấm, sự bình yên và cả suy nghĩ tích cực cho con. Dù non tháng nhưng các con như hiểu được những gì cha mẹ đang làm cho mình. Sau 2 tuần, các bé được xuất viện về nhà.
    Từ chỉ nhỏ bằng bàn tay người lớn đến nay cặp song sinh đã đạt 27 - 33 kg, khỏe mạnh, học giỏi. Bé trai từng bị trào ngược dạ dày, vật lộn từng bữa ăn nhưng nay đã vượt qua tất cả. Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các gia đình có con sinh non, chị Thơm cho rằng đây không phải bất hạnh mà là cơ hội để học cách yêu thương, kiên nhẫn. "Các con cảm nhận được năng lượng từ mẹ qua từng cái ôm, cử chỉ. Nếu mẹ bình an, con sẽ mạnh mẽ. Hơi ấm da kề da không chỉ là sợi dây gắn kết thiêng liêng mà còn giúp con lớn lên từng ngày" - chị Thơm chia sẻ.
    Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện sản phụ khoa tuyến cuối, chuyên tiếp nhận và điều trị các ca sinh khó, trong đó có những trẻ sinh non. Bệnh viện Từ Dũ đặc biệt nổi bật khi là nơi đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng phương pháp Kangaroo. BS.CKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết khoa thực hiện phương pháp Kangaroo từ năm 1997. Đến nay, trải qua 28 năm, bệnh viện đã cứu sống được nhiều trẻ sinh non, trong đó, trẻ có cân nặng thấp nhất là 500 g, tuổi thai thấp nhất là 24 tuần.
     
     Muốn điều trị thành công trẻ sinh non phải hồi sức tích cực sớm từ giây phút đầu tiên, điều trị tốt trong giai đoạn hồi sức. Cuối cùng là phương pháp Kangaroo (đặt trẻ nằm trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc) giúp trẻ rút ngắn thời gian nằm viện, tăng hiệu quả điều trị. Phương pháp này giúp trẻ sinh non cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp và còn giúp bé phát triển cảm xúc tốt hơn nhờ tình thương yêu của mẹ.
    Mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ có hơn 54.000 ca sinh, trong đó, tỉ lệ sinh non chiếm 15%-17%, cao hơn trung bình của Việt Nam (khoảng 8%) và thế giới (khoảng 10%). Theo BS Từ Anh, sự gia tăng này là do nơi đây chuyên sâu nên tiếp nhận nhiều trẻ từ nơi khác chuyển về, đặc biệt là những ca phức tạp. Ngoài ra, tỉ lệ sinh non tăng còn do những thay đổi sức khỏe của mẹ bầu. Các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường thai kỳ, cao huyết áp và các bệnh lý chuyển hóa khác ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ sinh non cao hơn. Các trường hợp mang thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh non gia tăng. Những phụ nữ mang thai bằng phương pháp này thường phải đối mặt tình trạng đa thai, tử cung không khỏe mạnh, làm tăng khả năng sinh non.
    Dù phương pháp Kangaroo đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sinh non và gia đình, quá trình triển khai thực tế không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là nỗi lo lắng và sự e dè ban đầu của các bậc phụ huynh – đặc biệt là những ông bố, bà mẹ lần đầu làm cha mẹ trong hoàn cảnh quá đỗi mong manh của con mình. Ban đầu, nhiều cha mẹ rất lo lắng vì bé quá nhỏ. Họ sợ việc tiếp xúc trực tiếp với mẹ sẽ làm con gặp nguy hiểm
     Đồng hành bằng cả trái tim
    Tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, các y bác sĩ và điều dưỡng hiểu rất rõ điều đó. Với sự chuyên nghiệp và tận tâm, đội ngũ đã tổ chức các buổi hướng dẫn riêng cho các ông bố, bà mẹ – từ cách tiếp xúc da kề da, chăm sóc bé sinh non đúng cách đến cách nhận biết những tín hiệu cần xử trí từ con. Không chỉ là kiến thức y khoa, những buổi hướng dẫn ấy còn là khoảng thời gian để cha mẹ cảm nhận được sự đồng hành, sự an ủi và niềm tin vững vàng được trao từ những người làm nghề bằng cả trái tim.
    Ban đầu, nhiều phụ huynh còn sợ: “Con còn quá nhỏ, lỡ như làm sai thì sao?”. Nhưng sau khi được chính tay bác sĩ, điều dưỡng chia sẻ và chứng kiến từng em bé thay đổi từng ngày nhờ hơi ấm từ vòng tay cha mẹ, họ đã thực sự hiểu: tình yêu thương, đúng cách, là liều thuốc mạnh mẽ nhất.
    Tại đây, mỗi nhân viên y tế không chỉ là người chăm sóc chuyên môn, mà còn là người gieo hy vọng, truyền niềm tin và cùng gia đình viết nên hành trình hồi sinh cho những em bé sinh non.

    BS. CK2. Bùi Thị Hồng Nhu

    Connect with Tu Du Hospital