Trong ba ngày 3,4,5 tháng 6 năm 2019, Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với tổ chức Alive & Thrive tổ chức Hội thảo Tập huấn Xây dựng Kế hoạch Phân tích các điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) trong vận hành Ngân hàng sữa mẹ. Hội thảo giúp cán bộ bệnh viện nắm bắt được các điểm kiểm soát trọng yếu trong dây chuyền vận hành của ngân hàng sữa mẹ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng sản phẩm sữa dùng cho trẻ em luôn cần có một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đặc biệt là đối tượng sử dụng sữa do ngân hàng sữa mẹ cung cấp là những trẻ bệnh lý non tháng là đối tượng yêu cầu sản phẩm sữa dinh dưỡng và an toàn ở mức cao nhất.

    Ths.Ds. Đào Tố Quyên – chuyên gia về HACCP (giảng viên Hội thảo tập huấn Xây dựng Kế hoạch Phân tích các điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) trong vận hành Ngân hàng sữa mẹ)

     

    1>  Tại sao phải áp dụng hệ thống HACCP vào trong việc vận hành ngân hàng sữa mẹ:

    Tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) là hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các điểm tới hạn. Các nguyên lý của HACCP được thống nhất trên toàn thế giới và có thể áp dụng trong tất cả các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống.  Năm 1971, HACCP bắt đầu được áp dụng trong ngành thực phẩm tại Mỹ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua kiểm soát các mối nguy, sau đó HACCP nhanh chóng chở thành một hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

    Thông qua HACCP, vệ sinh an toàn thực phẩm được đề cập đến trong mọi giai đoạn của qui trình vận hành ngân hàng sữa mẹ, bao gồm mua sắm vật tư thiết bị y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà mẹ hiến tặng, lưu trữ và vận chuyển nguồn sữa thô của mẹ hiến tặng từ cộng đồng, xử lý và phấn phối sữa mẹ hiến tặng đã được thanh trùng đạt chuẩn đến các em bé đang cần sử dụng.

    2> Áp dụng hệ thống HACCP vào trong việc vận hành ngân hàng sữa mẹ như thế nào:

    Tại buổi hội thảo, các vấn đề vận hành của ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ được đưa ra phân tích chi tiết về các mối nguy có thể xảy ra ở từng giai đoạn, cụ thể phân tích dựa trên 3 mối nguy:

    • Mối nguy vật lý
    • Mối nguy hóa học
    • Mối nguy sinh học

    Những mối nguy này có thể làm cho sữa mẹ không an toàn khi sử dụng. Từ đó, xác định được từng mối nguy có thể hiện diện tại khâu nào để kiểm soát và có thể ngăn ngừa, loại bỏ hoặc giảm thiểu đến mức chấp nhận được mối nguy về an toàn thực phẩm mà cụ thể ở đây là sữa mẹ thanh trùng.

                2.1> 7 nguyên tắc của hệ thống HACCP:

    Dựa trên 7 nguyên tắc cơ bản của hệ thống HACCP để quyết định chất lượng bản kế hoạch HACCP và quá trình áp dụng nó vào quá trình vận hành ngân hàng sữa mẹ:

    1. Nhận diện mối nguy. Đánh giá mức trầm trọng & rủi ro của mỗi nguy đó.

    2. Xác định điểm tới hạn để kiểm soát mối nguy đã được nhận diện đó.

    3. Thiết lập các chỉ số cho phép để kiểm soát hiệu quả.

    4. Tạo ra hệ thống giám sát.

    5. Đưa ra các biện pháp khắc phục khi vượt quá giới hạn cho phép.

    6. Thẩm định hệ thống.

    7. Lưu trữ hồ sơ.

              2.2>  12 bước thiết lập hệ thống quản lý chất lượng HACCP:

    Bước 1: Thành lập đội HACCP với sự đa dạng hóa chuyên môn của các thành viên: Xác định những cán bộ có năng lực chuyên môn thích hợp cho việc xây dựng đội HACCP.

    Bước 2: Mô tả sản phẩm sữa mẹ ở từng giai đoạn /quy trình.

    Bước 3: Xác định mục đích/đối tượng nhận sữa mẹ hiến tặng: Mô tả người nhận sữa mẹ hiến tặng và xem xét các mối nguy  cụ thể đối với nhóm đối tượng này.

    Bước 4: Xây dựng sơ đồ quy trình sản xuất: Áp dụng, điều chỉnh hoặc xây dựng sơ đồ quy trình sản xuất sữa  mẹ hiến tặng qua tất cả các bước trong NHSM.

    Bước 5: Thẩm định sơ đồ quy trình sản xuất tại chỗ: Thẩm định việc vận hành so với sơ đồ quy trình sản xuất trong tất cả các giai đoạn và điều chỉnh/sửa đổi sơ đồ khi cần.

    Bước 6: Liệt kê, phân tích các mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát: Xác định và liệt kê tất cả các mối nguy tiềm ẩn liên quan  đến từng bước trong quy trình và xem xét các biện pháp  kiểm soát các mối nguy đó.

    Bước 7: Xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP): CCP là bất kể một bước, một điểm, hoặc công đoạn nào trong quy trình chế biến, sản xuất thực phẩm tại đó có thể ngăn ngừa, loại bỏ hoặc giảm thiểu mối nguy đối với an toàn thực phẩm đến mức có thể chấp nhận được.

    Bước 8: Thiết lập ngưỡng tới hạn cho từng CCP: Một mức tới hạn xác định ranh giới để đảm bảo  NHSM sản xuất ra sản phẩm sữa an toàn.

    Bước 9: Thiết lập hệ thống giám sát cho  từng CCP: Rất nhiều hợp phần khác nhau trong quy trình vận  hành NHSM có thể và cần phải được giám sát để  khẳng định sự tuân thủ mức tới hạn. Hệ thống giám sát có thể bao gồm các số đo và quan  sát về nhiệt độ và thời gian của quy trình làm nóng, thời gian và nhiệt độ trong bảo quản lạnh, quan sát  thực tế chai đựng sữa hoặc quy trình thanh trùng sữa, sàng lọc huyết thanh học và xét nghiệm vi sinh.

    Bước 10: Thiết lập hành động khắc phục khi vượt quá mức tới hạn: Hành động khắc phục là các bước được xác định từ trước. Điều này rất cần thiết để tiến hành khi mức tới hạn bị vượt qua. Bước này của HACCP đảm bảo NHSM có kế hoạch khắc phục sai lệch có thể xảy ra được xác định trong quá trình giám sát mức tới hạn.

    Bước 11: Thiết lập thủ tục thẩm định: Thẩm định có thể bắt đầu bằng việc rà soát lại các nghiên cứu và thực hành tốt nhất nhằm kiểm soát mối nguy trong NHSM. Sau cùng, NHSM phải thẩm định xem các phương pháp, xét nghiệm và trang thiết bị có phải là tối ưu đối với cơ sở hay không.

    Bước 12: Thiết lập hệ thống tài liệu và lưu trữ hồ sơ ngân hàng sữa mẹ.

    Hiện tại Bệnh viện Từ Dũ đã xây dựng được 29 quy trình trong dây chuyền vận hành ngân hàng sữa mẹ. Những quy trình này đã được phân tích và đưa vào áp dụng trong công tác vận hành và giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo chất lượng sữa mẹ sau thanh trùng phải đạt chuẩn tối ưu để sử dụng cho các bé sơ sinh. Hội thảo Tập huấn Xây dựng Kế hoạch Phân tích các điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) trong vận hành Ngân hàng sữa mẹ là một hoạt động vô cùng thiết thực và mang tính ứng dụng khoa học cao. Từ đó, ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ không ngừng nhìn nhận, cải thiện và nâng cao chất lượng sản xuất nhằm đảm bảo nguồn sữa mẹ sau thanh trùng luôn đạt mức an toàn cao nhất.

     

    T.H

    Phạm Thu Hằng

    Connect with Tu Du Hospital