Hàng năm vào ngày 31 tháng 5 Tổ chức y tế thế giới và các tổ chức trên toàn cầu tổ chức ngày thế giới không thuốc lá. Đây là chiến dịch hàng năm, là cơ hội để nâng cao nhận thức về tác hại và sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói Thuốc Lá; cũng như không khuyến khích sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức.

     

    Trọng tâm của ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 là “thuốc lá và các bệnh về phổi”

    Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. WHO đã thống kê, có 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Cũng theo WHO, hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

    Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

    Chiến dịch năm 2019 sẽ tăng cường nhận thức về:

    • Tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe con người đặc biệt là các bệnh về phổi, Điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

    • Vai trò quan trọng của phổi cho sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người.

    Chiến dịch là một lời kêu gọi hành động, ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá và thu hút các bên liên quan trên nhiều lĩnh vực trong cuộc chiến kiểm soát thuốc lá.

    Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

     
    Thuốc lá đã gây nên các bệnh về phổi cho loài người trên toàn cầu như thế nào?


    Ung thư phổi: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, là tác nhân của hơn hai phần ba số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi: sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc.

    Bệnh hô hấp mãn tính: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một tình trạng tích tụ chất nhầy trong phổi dẫn đến ho đau và khó thở. Nguy cơ phát triển COPD đặc biệt cao ở những người bắt đầu hút thuốc khi còn trẻ, vì khói thuốc lá làm chậm đáng kể sự phát triển của phổi. Thuốc lá cũng làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, điều này hạn chế hoạt động và góp phần gây ra khuyết tật. Ngừng hút thuốc sớm là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của COPD và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.

    Lao phổi: Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi, điều này càng trở nên trầm trọng hơn do hút thuốc lá. Các thành phần hóa học của khói thuốc có thể kích hoạt bệnh lao tiềm ẩn phát triển thành thể  bệnh lao hoạt động và trở thành  nguồn lây truyền bệnh. Bệnh Lao hoạt động nếu kết hợp với các tác động gây hại của hút thuốc lá sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ khuyết tật và tử vong do suy hô hấp.

    Ô nhiễm không khí: Khói thuốc lá là một dạng ô nhiễm không khí trong nhà rất nguy hiểm: nó chứa hơn 7 000 hóa chất, 69 trong số đó được biết là gây ung thư. Mặc dù khói có thể vô hình và không mùi, nhưng nó có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ, khiến những người tiếp xúc với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi.

    Tác động tiêu cực lên sức khỏe trẻ em: Bào thai trong tử cung tiếp xúc với độc tố trong thuốc lá thông qua việc hút thuốc của mẹ hoặc mẹ tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên sẽ làm giảm chức năng và sự phát triển của phổi. Trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc là từ người lớn có nguy cơ khởi phát và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

    Trên toàn cầu, ước tính có 165 000 trẻ em chết trước 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới do khói thuốc lá. Những người sống ở tuổi trưởng thành tiếp tục chịu hậu quả về sức khỏe khi tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên ở trẻ nhỏ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở tuổi trưởng thành.

    Lời kêu gọi hành động:

    Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá năm 2019, tại Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5

     

    Thông điệp kêu gọi hành động: 

    - Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi. 

    - Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc tại nơi lảm việc. 

    - Không hút thuốc vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu 

    - Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư phổi. 

    - Bỏ thuốc lá đế giảm nguy cơ mắc bệnh và từ vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

    - Hãy nhắc người hút thuốc không hút gần mình và những người xung quanh.

    ----------------------------HÃY CHỌN SỨC KHỎE, KHÔNG CHỌN THUỐC LÁ----------------

    T.H

    Tài liệu trích dẫn:

    Công văn gửi các Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá; Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2019

    https://www.who.int/news-room/events/detail/2019/05/31/default-calendar/world-no-tobacco-day

     

    Phạm Thu Hằng

    Connect with Tu Du Hospital