Ngày 27/11/2018 Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận và điều trị cho sản phụ H. mang thai 36 tuần, ngôi ngang, vết mổ cũ, nhau cài răng lược thể percreta (dạng bánh nhau bám rất chặt vào cơ tử cung, thể nặng nhất).

    Chị H. năm nay 24 tuổi, là công nhân tại tỉnh Đồng Nai, có chồng làm rẫy thuê theo thời vụ. Hai vợ chồng đã có con đầu là một bé trai sinh thường năm 2012, cân nặng 3500gr. Chị H kể, năm 2015, chị sinh mổ con thứ hai vì bé nặng 3700gr. Trong quá trình mang thai con thứ 3 này, đã khám thai tại địa phương 4 lần, dự sanh ngày 20/12/2018. Đến ngày 23/11/2018, tuy không đau bụng nhưng thấy ra huyết nên chị đi khám và được yêu cầu chuyển tuyến lên Bệnh viện Từ Dũ vì nhau cài răng lược thể xâm lấn nặng.

    Trước cuộc mổ, ê- kíp tiền phẫu đã chuẩn bị chu đáo từ việc xin dự trù máu, chuẩn bị kíp phẫu thuật… 9g35 phút ngày 27/11/2018, sau khi đã được đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm nhằm truyền máu với khối lượng lớn khi cần thiết, đặt thông JJ niệu quản 2 bên tránh các tổn thương đường niệu, kíp mổ bắt đầu rạch da. Quan sát thấy tử cung bị dính vào bàng quang do lần mổ trước, bánh nhau xâm lấn sát bó mạch tử cung buồng trứng bên trái, “ăn” hết lớp cơ tử cung, các mạch máu tăng sinh phình to, phẫu thuật viên chính quyết định không giữ lại tử cung cho sản phụ. Dẫu đã tư vấn tâm lý và chuyên môn cho bệnh nhân trước mổ thì đây là một quyết định khó khăn với những ai là phẫu thuật viên sản phụ khoa vì họ luôn hiểu tâm lý của phụ nữ trẻ tuổi khi bị cắt tử cung. Tuy vậy, vì bảo toàn tính mạng cho sản phụ, kíp mổ nhanh chóng xẻ thân tử cung, đưa ra an toàn 1 bé gái 2600g. Bé lập tức được chuyển cho kíp Nhi sơ sinh chăm sóc trong lúc kíp phẫu thuật bóc tách, gỡ dính, kẹp cầm máu, cắt đốt… Từng thao tác vừa cần nhanh chóng, vừa cần thận trọng khi bánh nhau xâm lấn đến gần thành bàng quang. Kíp gây mê căng thẳng với việc theo dõi từng nhịp tim và bồi hoàn một lượng lớn máu đã mất trong ca phẫu thuật phức tạp. Mồ hôi chảy trên trán nhiều người dẫu nhiệt độ phòng được chỉnh thấp theo tiêu chuẩn. Lượng máu đã mất là 4,6 lít đã được bồi hoàn đủ, bệnh nhân an toàn.

    Gặp sản phụ đã hồi tỉnh sau phẫu thuật, thấy bé đang say sưa bú mẹ, các bác sĩ cũng vui lây. Chị H tâm sự: Nghe nói đây là ca mổ khó, nhưng bản thân và chồng chưa thể hình dung là cuộc sinh con sẽ nguy hiểm đến mạng sống như thế nào, chỉ biết động viên nhau đừng lo, cố gắng vì con. Bây giờ đã qua cơn “thập tử nhất sinh”, được ôm con vào lòng trong sự chăm sóc, dặn dò tận tình của các y – bác sĩ khoa Hậu phẫu và Sơ sinh, mình như quên hết cơn đau. Gia đình rất biết ơn Bệnh viện Từ Dũ đã đưa tôi trở lại bình yên với chồng và các con. Hy vọng từ đây về sau con bé sau này sẽ luôn bình an, mạnh khỏe”.

    Nhau cài răng lược (NCRL) là một biến chứng thai kỳ và là vấn đề quan trọng trong thực hành sản khoa. Mặc dù không thường gặp, nhau cài răng lược là vấn đề mà các bác sĩ sản khoa đặt biệt quan tâm vì các biến chứng nguy hiểm trong lúc mang thai hay ngay cả khi được phẫu thuật: thủng hoặc vỡ tử cung, mất máu nhiều, nhiễm trùng… có thể nguy hiểm tính mạng. Gần đây tình trạng nhau cài răng lược đã tăng lên nhiều do chỉ định mổ lấy thai rộng rãi hơn và có những trường hợp mổ theo yêu cầu, góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ. 

    BS. Lê Ngọc Diệp

    Connect with Tu Du Hospital