ThS. YTCC. Nguyễn Lê Ngọc Vân
    P. Chỉ đạo tuyến

    Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Sản Phụ khoa, được Bộ Y Tế giao nhiệm vụ chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ về Sức khỏe sinh sản cho 32 tỉnh và thành phố phía Nam, từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

    Thực tế công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nhiều tỉnh trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Ban Giám Đốc Bệnh viện Từ Dũ đã đặt vấn đề và tìm giải pháp đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng sâu, vùng xa  vùng dân tộc thiểu số.

    Đề án “Đào tạo Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” được hình thành - người khởi xướng là Bs Nguyễn Thị Ngọc Phượng - với hy vọng các Cô đỡ thôn bản sẽ dùng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân tộc mình sẽ dùng hiểu biết sau khi được đào tạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tới tận rừng sâu, núi cao các dân tộc thiểu số nhằm góp phần giảm được tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh tại các địa phương.

    Để đánh giá hoạt động sau đào tạo, hàng năm, Bệnh viện Từ Dũ đều tổ chức các đợt giám sát, khen thưởng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS. Năm 2017,  Đảng ủy, Ban Giám Đốc Bệnh viện Từ Dũ đã trích kinh phí từ nguồn quỹ công tác xã hội, quỹ 1 ngày lương của Bệnh viện Từ Dũ và nguồn học bổng Nguyễn Văn Hưởng – Báo Sài gòn giải phóng đến thăm hỏi các Cô đỡ thôn bản thuộc tỉnh Gia Lai.

    Khi nhận qua email thông báo của TTCSSKSS tỉnh Gia Lai về việc đổi giờ họp Cô đỡ thôn bản vì lý do trời mưa to quá, các Cô đỡ không ra khỏi rẫy được, Tôi rất lo lắng, sợ rằng thời tiết xấu thì các Cô đỡ sẽ không dự đông đủ. Lúc 20g50’ ngày 27/7, Đoàn BV Từ Dũ đáp chuyến bay tới Gia Lai thì thời tiết vẫn rất xấu, mưa to. Tuy nhiên, Sáng 7g ngày28/7/2017, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), thời tiết vẫn còn se lạnh, còn mưa nhưng đỡ hơn hôm qua và lát sau trời quang mây tạnh, đã có nắng. Đoàn giám sát của Bệnh viện Từ Dũ cùng với Báo Sài gòn giải phóng đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã thấy các Cô đỡ thôn bản đến từ rất sớm, hỏi thăm mới biết có rất nhiều Cô đỡ thôn bản đến từ hôm qua.

    Trong hội trường, Bs Mạc Văn Thắng – Giám Đốc, chị Nguyễn Thị Hồng Mai – TP. KH-HC tại TTCSSKSS điểm danh các Cô đỡ thôn bản thì ở ngoài hội trường, Tôi cùng Ths Nguyễn Thị Tuyết Hằng – PTP Điều Dưỡng, Bs Lê Thị Thanh Hương – Phó Giám Đốc cùng các anh/chị tại TTCSSKSS tỉnh Gia Lai vô 90 phần quà, mỗi túi quà có 9 món thuốc và dụng cụ, gồm 1 ống nghe Pina (55.000đ), 1 thước dây (13.000đ), 2 nhiệt kế (26.000đ), 1 nước rửa tay clincare (35.000đ), 10 chai nước nhỏ mắt, mũi (15.000đ), 5 vỹ Paracetamol 500mg (21.000đ), 1 chai Povidine (4.200đ), 5 chai dầu gió nâu (30.000đ).

    Đến tham dự buổi giám sát, ôn bài, khen thưởng và tặng quà cho Cô đỡ thôn bản có sự hiện diện, quan tâm của đại diện Ban Giám Đốc Sở Y Tế tỉnh Gia Lai, đài phát thanh truyền hình tỉnh Gia Lai đến đưa tin.

    Sau lần giám sát Cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh Gia Lai cách đây hơn 7 năm, lần này gặp lại các Cô đỡ thôn bản, các thành viên trong đoàn giám sát vô cùng xúc động khi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc và thầm cảm ơn các Cô đỡ thôn bản đã bám trụ với nghề. 

    Qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của các Cô đỡ thôn bản tham gia khám thai (880 ca), phát hiện thai kỳ nguy cơ cao (135 ca), chăm sóc thai nghén (1.121 ca), theo dõi chuyển dạ (264), chăm sóc hậu sản (997 ca), chuyển tuyến (90 ca)…TTCSSKSS tỉnh Gia Lai đề cử danh sách khen thưởng. Báo SGGP đã trao 20 suất học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho các Cô đỡ thôn bản có thành tích xuất sắc với tổng giá trị 30 triệu đồng, mỗi suất 1,5 triệu. Bệnh viện Từ Dũ cũng trao 70 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng từ nguồn quỹ công tác xã hội của Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, mỗi cô đỡ thôn bản tham dự còn được tặng một phần thuốc và dụng cụ y tế, trị giá 200.000 đồng, phục vụ cho công việc, từ nguồn quỹ 1 ngày lương của Bệnh viện Từ Dũ.

    Dịp này, 90 cô đỡ thôn bản được làm bài kiểm tra 15 câu hỏi gồm những nội dung vô khuẩn trong sản khoa, khám thai, thai kỳ nguy cơ cao, chăm sóc thai nghén, theo dõi chuyển dạ, chăm sóc hậu sản..., sau đó, Ths ĐD. Nguyễn Thị Tuyết Hằng ôn bài, giải đáp câu hỏi kiểm tra, hỏi, hướng dẫn sử dụng bộ dụng cụ, thuốc trong túi quà tặng, cập nhật kiến thức và cung cấp kiến thức về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. 

    Sau khi ôn bài, Cô Siu H’Bhiơ – Jrai – H. Chư Pưh đại diện các Cô đỡ thôn bản phát biểu cám ơn Bệnh viện Từ Dũ, báo SGGP đã sắp xếp thời gian lên thăm, phát quà, ôn lại những kiến thức cũ và cập nhật những kiến thức mới thật quý báu. Trước khi ra về, các Cô đỡ thôn bản đều không quên gởi lời cám ơn đến các Cô đã hướng dẫn, chăm lo cho mình trong thời gian học tại Bệnh viện Từ Dũ.

    Bệnh viện Từ Dũ cám ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của TTCSSKSS tỉnh Gia Lai, sự quan tâm của Sở Y Tế tỉnh Gia Lai, sự ủng hộ Báo Sài Gòn Giải Phóng đã góp phần vào thành công của buổi lễ giám sát, khen thưởng Cô đỡ thôn bản. Hy vọng các Cô đỡ thôn bản sẽ bám nghề, tiếp tục đưa dịch vụ y tế đến tận người dân ở vùng sâu, vùng xa./,

    ThS. YTCC. Nguyễn Lê Ngọc Vân

    Connect with Tu Du Hospital