Đến nay, cả nước đã có 56 trường hợp trẻ tử vong do bệnh tay - chân - miệng và số lượng bệnh nhi mắc bệnh đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010 với tổng ca mắc lên đến 20.000 người. Nguyên nhân của hiện tượng tăng bất thường này vẫn chưa được xác định rõ nhưng để tránh cho trẻ những biến chứng nặng của bệnh cũng như tránh lây bệnh cho   trẻ lành, cha mẹ cần theo dõi kỹ lưỡng những dấu hiệu điển hình của căn bệnh này, có thể phân biệt được với biểu hiện của những bệnh lý khác trên da như thủy đậu, zona, herpes simplex để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trong bệnh tay - chân - miệng, tổn thương là những mụn nước, sần, hồng ban, màu xám, hình bầu dục, khi lành không thành sẹo và thường xuất hiện ở lòng bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, mông, bụng, lòng bàn chân, loét miệng (có trường hợp bọng nước chỉ xuất hiện ở miệng). Trong khi đó, nếu trẻ bị mắc bệnh thủy đậu thì nốt thủy đậu mọc rải rác toàn thân, lan từ đầu, mặt, xuống thân và tay chân, mụn nước cũ xen lẫn mới, mụn lõm ở giữa khi mới mọc, trong lẫn đục (mủ) do bội nhiễm vi khuẩn; nếu trẻ bị zona thì chùm mụn nước to nhỏ không đều chỉ ở một bên cơ thể và có xuất hiện hạch cổ, nách, bẹn cùng bên; nếu trẻ mắc herpes simplex thì dấu hiệu nhận biết rõ nhất là từng chùm mụn nước nhỏ ở quanh miệng, khi   mụn vỡ sẽ chảy dịch, đóng mày và lành sẹo. Bên cạnh đó, lứa tuổi mắc bệnh cũng cần lưu ý, nếu như bệnh zona và herpes simplex có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào thì bệnh tay - chân - miệng thường chỉ xuất hiện ở trẻ dưới 10 tuổi, hiếm gặp ở người lớn. Một điều quan trọng cần biết nữa là cảm giác của trẻ khi bị bệnh. Trẻ mắc các bệnh trên đều có cảm giác ngứa, đau, rát nhưng riêng trong bệnh tay - chân - miệng thì trẻ không đau, không ngứa nên cha mẹ càng cần phải chú ý nhận diện bệnh để trẻ được điều trị đúng và kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.         

    Theo Sức khỏe & đời sống

    Connect with Tu Du Hospital