Nhu cầu tình yêu của trẻ nhỏ...
Vào những năm 1980, những tiến bộ về hồi sức đã tạo ra khả năng cứu sống được nhiều trẻ sơ sinh rất non tháng cơ thể của bé trông chỉ như con tôm hùm. Trong cái lồng ấp kín ấy có trang bị nhiều phương tiện hiện đại để hỗ trợ cho sự sống của trẻ như đèn chiếu tia cực tím, nguồn cung cấp oxy, đèn sưởi… Ở vào thời kỳ mà hệ thần kinh của trẻ còn rất mong manh, dễ bị tổn thương nên người ta đã có những cách săn sóc mà không phải đụng chạm đến trẻ và mỗi lồng ấp đều dán mấy chữ: “Không được sờ mó” (trẻ).
Một cuộc điều tra được khởi động và các thầy thuốc rất ngạc nhiên nhận thấy tất cả những trẻ phát triển bình thường đều do cùng một cô y tá trực đêm mới vào nghề săn sóc. Bị chất vất mãi cô y tá đành thú nhận rằng, vì không cầm lòng được trước tiếng khóc của các cháu bé bỏng cho nên từ vài tuần gần đây cô đã vỗ về các cháu để chúng ngừng khóc. Những lần đầu vi phạm điều cấm, cô cũng lo lắng nhưng sau yên tâm vì không thấy xảy ra chuyện gì có hại cho trẻ và đã tiếp tục săn sóc trẻ theo cách riêng của mình.
Từ sự việc của cô y tá, một loạt nghiên cứu khoa học đã được giáo sư Schomberg và cộng sự tiến hành để xác định giá trị của sự tiếp xúc cơ thể. Ông đã tách riêng những con chuột mới đẻ và chứng minh rằng do thiếu sự tiếp xúc cơ thể thì từng tế bào cũng thui chột không phát triển nổi. Những gen trong mỗi tế bào chi phối sự bài tiết ra các gen cần thiết cho sự phát triển đã ngừng hoạt động và toàn bộ cơ thể như rơi vào trạng thái ngủ đông. Ngược lại, nếu chuột con được vỗ về bằng một loại bút lông ẩm bắt chước động thái liếm con của chuột mẹ khi lũ con đòi hỏi thì các enzyme được bài tiết ra ngay và chuột con cũng lớn nhanh. Vậy sự tiếp xúc cơ thể tạo ra những cảm xúc dương tính rõ ràng là một yếu tố cần thiết để tăng trưởng, thậm chí để sống còn.
Giữa thế kỷ 20 tại các cô nhi viện hiện đại, để tránh sự lây nhiễm bệnh cho trẻ, các cô y tá cũng được lệnh không tiếp xúc với trẻ, kể cả chơi đùa với chúng. Dù đã cẩn thận đến thế về mặt thể chất và dinh dưỡng nhưng vẫn có đến 40% trẻ ở cô nhi viện bị nhiễm bệnh sởi trong khi những trẻ ở ngoài sống trong gia đình được nuôi không mấy vệ sinh lại chỉ bị mắc loại bệnh thường lành tính này không đến 1%.
Năm 1981, 2 nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) nhận giải thưởng Nobel Y học vì những công trình cơ bản về sự hoạt động của hệ thống thị giác hai ông đã xác định rằng vùng vỏ não chi phối thị giác chỉ phát triển bình thường nếu như được kích thích đủ trong một thời kỳ quan trọng ở những ngày đầu của cuộc sống. Trong những cô nhi viện đáng sợ ở Rumani đôi khi trẻ bị buộc vào giường và được nuôi như súc vật phần lớn đã chết vì thiếu “thức ăn” rất cần thiết cho trẻ là cảm xúc và những trẻ nào sống sót được vùng não cảm xúc cũng cằn cỗi, không thể hồi phục
Và với cả người trưởng thànhMối quan hệ giữa cha mẹ với con cái như thế nào - mức độ thương yêu, chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của con cái - đã quyết định cho đến nhiều năm sau này sức mạnh của hệ thần kinh phó giao cảm, yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch, khả năng chống chọi với stress và bệnh trầm cảm… Sự cân bằng sinh lý của trẻ phụ thuộc vào tình cảm chăm sóc của mọi người xung quanh với chúng, điều đó cũng đúng với cả người trưởng thành.
Tạp chí y học Anh (British medical Journal) đã công bố kết quả nghiên cứu là những đàn ông có tuổi góa vợ thì tuổi thọ kém hơn nhiều so với những người cùng tuổi đang sống cùng vợ. Một nghiên cứu khác cho thấy, những nam giới bị bệnh tim nào đã trả lời “có” cho câu hỏi: “Vợ ông có tỏ ra yêu ông không?” thì số triệu chứng chỉ bằng nửa so với những người khác. Và những gnười nào càng có nhiều yếu tố nguy cơ kèm theo (cholesterol, cao huyết áp, stress) thì tình yêu của vợ hình như càng có tác dụng bảo vệ họ. Một hiện tượng ngược lại: 2.500 nam giới khỏe mạnh được theo dõi trong 5 năm; những người mà khi cuộc khảo sát bắt đầu thừa nhận rằng “vợ không yêu”, tỷ lệ bị loét dạ dày nhiều hơn những người khác đến 3 lần. Theo nghiên cứu này, thà nghiện thuốc lá bị cao huyết áp hay bị stress còn hơn không có tình yêu của vợ.
Với phụ nữ, sự hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng rất quan trọng. Có nghiên cứu đã cho thấy rằng những phụ nữ bị ung thư vú thì sau 5 năm số tử vong ở những người có cuộc sống thiếu tình cảm gấp đôi so với những người có cuộc sống hạnh phúc. Ngay cả với những phụ nữ khỏe mạnh nhưng cảm thấy bị chồng “coi thường” cũng hay bị sổ mũi, nhức đầu, viêm bàng quang và nhiều rối loạn đường ruột khác so với những phụ nữ sống hòa hợp với chồng. Những phụ nữ sống chung hay chỉ cùng làm việc trong một phòng nhiều khi có chu kỳ kinh trùng nhau: càng rõ rệt hơn khi họ lại có mối quan hệ hòa hợp, là bạn thân của nhau.
Có thể dẫn ra nhiều thí dụ nữa về vai trò của cảm xúc dương tính với sức khỏe, có khả năng đem lại hiệu quả chữa bệnh như thuốc hay can thiệp ngoại khoa. Đề phòng trầm cảm cho người cô đơn thì nuôi một con chó, con mèo, một lồng chim hay bể cá có thể đem lại hiệu quả hơn cả dùng thuốc. Ngay cả trong thời kỳ bom đạn ác liệt ở Sarajevo (1993), người dân thiếu mọi thứ nhưng có gia đình vẫn nuôi những con chó, con mèo bị chủ bỏ rơi, chia sẻ với chúng khẩu phần ăn ít ỏi, đi dạo với chúng vì trong khoảnh khắc đó họ quên đi chiến tranh và vì để sống cân bằng, họ cần mối quan hệ tình cảm, dù với một con vật. Khi bị mất đi những mối liên hệ tình cảm, trạng thái sinh lý trong con người bị rối loạn và người ta cảm nhận được điều đó như một nỗi đau, có khi còn khắc nghiệt hơn cả nỗi đau thể chất.
Giống như cây cỏ, hoa lá cứ vươn ra phía có ánh sáng mặt trời, con người hướng tới ánh sáng của tình yêu và tình bạn. Thiếu nó, con người rơi vào lo lắng và trầm cảm. Thế nhưng trong xã hội hiện đại hình như luôn có một lực ly tâm cứ tách con người ra xa nhau hoặc ngược lại bị đẩy đến chỗ hận thù, đối đầu.
BS. Đào Xuân Dũng
Theo Sức khỏe & đời sống