ThS.BS Lê Hồng Nga
    Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM

    Tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm do một nhóm vi rút đường ruột gây ra. Tại TP.HCM bệnh bắt đếu được ghi nhận từ năm 2005 và được đưa vào hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây thành dịch từ năm 2006.       

    Tình hình bệnh tay-chân-miệng tại TP.HCM hiện nay như thế nào?       

    Bệnh tay-chân-miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Trên phạm vi toàn quốc, số ca bệnh ghi nhận được ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn các tỉnh phía Bắc. Ở TP.HCM, bệnh xuất hiện ở 24 quận/huyện và đã xuất hiện những ổ dịch bệnh Tay-chân-miệng trong các khu nhà trọ và một số trường mầm non. Trong 5 tháng đầu năm 2011, toàn thành phố ghi nhận được hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh Tay-chân-miệng nhập viện điều trị, ngoài ra còn có một số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc điều trị phòng mạch tư không thể thống kê được. Như vậy, có thể nói số trường hợp mắc Tay-chân-miệng trong 5 tháng đầu năm 2011 của thành phố còn lớn hơn con số vừa nêu trên. Trong đó có 11 trường hợp đã tử vong.       

    Chỉ tính riêng trong tháng 5 năm 2011, đã có hơn 1.500 trường hợp nhập viện và có 6 trường hợp tử vong – con số này đã vượt xa số ca nhập viện và tử vong trong tháng cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện giám sát đến nay. Những con số trên đang cảnh báo tình trạng khẩn cấp của bệnh Tay-chân-miệng tại TP.HCM, đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt để phòng bệnh.       

    Cần làm gì để phòng bệnh tay-chân-miệng?       

    Bệnh tay chân miệng lây lan qua tiếp trực tiếp với những giọt dịch tiết hầu họng hoặc dịch vỡ từ những mụn nước trên bàn tay, bàn chân của bệnh nhân. Bệnh cũng có thể lây qua sự tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng bị dính dịch tiết hoặc dịch từ các bóng nước trên bàn tay của bệnh nhân. Ngoài ra, bàn tay của người lớn cũng là trung gian truyền virus từ trẻ bệnh sang trẻ lành nếu không rửa sạch bàn tay sau khi chăm sóc hoặc tiếp xúc với trẻ bệnh. Nhìn chung đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và cho   đến nay vẫn chưa có vắc-xin dự phòng cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.       

    Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng chúng ta cần quan tâm thực hiện đầy đủ, và thường xuyên các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh – khử khuẩn đồ chơi, vật dụng và khu vực sinh hoạt của trẻ. Cụ thể như sau:       

               
    1. Thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng nước và xà bông, trước khi trẻ ăn và ngay khi bàn tay trẻ bị dơ.
    2.          
    3. Người chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng nước và xà bông trước khi và sau   khi chăm sóc trẻ (cho trẻ ăn, tắm rửa, thay đồ, chơi đùa với trẻ…).
    4.          
    5. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh tay-chân-miệng. Nếu trong nhà có 1 trẻ bị bệnh Tay-chân-miệng, phải cử riêng một người chăm sóc trẻ này.
    6.          
    7. Trong trường hợp không có người chăm sóc riêng cho trẻ bị bệnh, thì người chăm sóc trẻ phải rửa tay thật kỹ bằng nước và xà phòng sau khi chăm sóc cho trẻ bệnh và trước khi chăm sóc trẻ lành.
    8.          
    9. Thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đối với vật dụng, đồ chơi và khu vực sinh hoạt vui chơi của trẻ.    
    Việc vệ sinh hàng ngày như: lau nhà, mặt bàn, kệ tủ mà trẻ thường tiếp xúc nên bằng xà bông và các dung dịch lau sàn nhà thông dụng. Chúng ta cũng có thể sử dụng nước tẩy trắng (nước javel) ở nồng độ thấp để làm vệ sinh hàng ngày.       

    Việc khử khuần hàng tuần nên được thực hiện định kỳ vào một ngày nhất định trong tuần để dần tạo lập một thói quen mới. Việc khử khuẩn bao gồm ngâm đồ chơi và lau sàn nhà, kệ tủ nơi trẻ sinh hoạt bằng các dung dịch sát khuẩn. Một số chất sát khuẩn thường được sử dụng gồm: bột cloramin B 25%, các loại nước tẩy trắng (nước javel).

       

    Sử dụng các dung dịch khử khuẩn tại nhà như thế nào?       

    Các dung dịch sát khuẩn có thể dùng tại gia đình là cloramin B và nước javel. Đối với bột cloramin B, pha 1 muỗng cà phê (loại muỗng có càn dài, thường dùng để uống cà phê đá) với 1 lít nước để dùng khử khuẩn mỗi tuần trong trường hợp nhà không có bệnh nhân. Nếu trong nhà có bệnh nhân, phải pha theo hướng dẫn của nhân viên y tế, thường pha 5 muỗng cà phê nói trên trong 1 lít nước. Tuy nhiên, việc sử dụng bột cloramin B có thể không thuận tiện đối với chúng ta khi mùi khá khó chịu, phải bảo quản kỹ (phải đậy nắp kín, đựng trong chai lọ hoặc túi sẫm màu vì nếu để cloramin  tiếp xúc với ánh sáng thì sẽ làm mất tác dụng), ngoài ra phải nhớ công thức pha…       

    Để khắc phục những phiền toái trong sử dụng bột cloramin, Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các hộ dân tự mua các loại dung dịch nước tẩy trắng quần áo (nước javel) có bán rộng rãi trên thị trường để sử dụng cho mục đích khử khuẩn thông thường trong gia đình. Các sản phẩm trên được bán trên thị trường với mục đích tẩy quần áo trắng, nhưng với bản chất là dung dịch natri hypochlorid (một hóa chất có tính năng khử khuẩn được y học khuyến cáo) nên các sản phẩm trên hoàn toàn có thể sử dụng như dung dịch khử khuẩn trong gia đình. Các nước trên thế giới cũng sử dụng các dung dịch tẩy trắng tương tự để tẩy uế, khử khuẩn trong nhà. Lưu ý: chỉ nước tẩy trắng quần áo mới được sử dụng để khử khuẩn, không được sử dụng nước tẩy quần áo màu vì sản phẩm này không có thành phần natri hypochlorid. Một ưu điểm của javel so với bột cloramin là có những sản phẩm nước javel đã được cho thêm hương liệu làm mất mùi khó chịu của clo, khiến cho việc khử khuẩn trở nên dễ chịu hơn.       

    Cách pha nước javel thì khá đơn giản. Với tỷ lệ được hướng dẫn tẩy trắng quần áo in trên nhãn sản phẩm có thể dùng để vệ sinh hàng ngày. Nếu sử dụng với mục đích khử khuẩn hàng tuần, ta sẽ pha với tỷ lệ gấp đôi lên. Ví dụ để tẩy trắng quần áo, nhà sản xuất hướng dẫn pha 2 nắp chai cho 1 lít nước, thì với mục đích khử khuẩn ta pha 4 nắp chai cho 1 lít nước.       

    Nên rửa sạch đồ chơi trước khi ngâm vào dung dịch khử khẩn. Sau khi ngâm trong dung dịch khử khuẩn 30 phút phải vớt ra và rửa lại bằng nước sạch, sau đó phơi khô rồi mới cho bé chơi. Trong lau nhà và các bề mặt cần lưu ý những điều sau:       

    - Lau trước bằng nước và xà phòng để sạch bụi và các chất hữu cơ trước khi lau bằng dung dịch khử khuẩn.       

    - Sử   dụng 2 xô, 1 xô chứa dung dịch khử khuẩn và 1 xô chứa nước để xả bẩn. Nhúng ướt đẫm khăn lau trong dung dịch khử khuẩn để lau, khi khăn khô hoặc thấy khăn dơ, cần xả sạch bằng nước nước khi nhúng lại vào dung dịch khử khuẩn, Cứ làm như vậy cho đến khi lau xong. Cuối cùng lau lại bằng nước sạch.       

    Để đảm bảo nồng độ chất khử khuẩn, nên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu được nhiều người biết đến, do những nhà máy lớn sản xuất…Trong sử dụng các chất khử khuẩn, nên mang bao tay trong lúc pha, lau chùi và ngâm rửa để tránh bị kích ứng da tay và cần tránh bị nước khử khuẩn văng vào mắt. Trong trường hợp bị chất khử khuẩn văng vào mắt, cần rửa mắt nhiều lần với nước sạch và đi   khám bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết. Trong bảo quản, nên để riêng khu   vực chất khử khuẩn và các dụng cụ làm vệ sinh, tránh xa tầm với của trẻ em và không để lẫn lộn với đồ ăn thức uống.

    Tóm lại, việc vệ sinh sát khuẩn các bề mặt, sàn nhà, đồ chơi của trẻ là rất quan trọng. Đây là một trong những biện pháp giúp trẻ phòng ngừa bệnh Tay-chân-miệng. Việc làm này chúng ta hoàn toàn có thể làm được để bảo vệ sức khỏe của con cái chúng ta.   

    Theo T4G

    Connect with Tu Du Hospital